Chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2019 vào tối ngày 17/10 đầy cảm xúc nhất là đến phân cảnh một cụ già đạp xe từ cánh gà ra sân khấu. Đó là cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, ở xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa- người đã từng 2 lần đạp xe lên UBND xã nộp đơn xin thoát nghèo.
Lý do để cụ Mơ xin thoát nghèo rất đơn giản, vì cụ cho rằng “ tôi nhìn thấy bao người tàn tật, bị nhiễm chất độc màu da cam khổ hơn mình mà mình tuy đã già nhưng mắt vẫn nhìn thấy rõ, vẫn đạp xe vèo vèo, có một đàn gà bốn, năm chục con thì hà cớ gì phải để Nhà nước chu cấp”. Cho nên, cụ quyết tâm làm đơn xin thoát nghèo mà “tuổi cao trí càng cao, trí đã quyết thì phải làm cho bằng được”.
Nụ cười và tấm chân tình ấy đã chạm đến trái tim rất nhiều người, những tràng pháo tay không ngớt dưới khán đài như một lời tri ân đến cụ Mơ. Thực ra, cụ Đỗ Thị Mơ chỉ là một trong rất nhiều người đã từng làm đơn xin thoát nghèo. Xung quanh chúng ta còn có rất nhiều câu chuyện cảm động như bà con vùng Môn Sơn - Mường Quạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã cùng nhau làm đơn xin thoát nghèo, và từ năm 2016 đến nay đã có 383 hộ viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Nói như anh Vi Văn Cả, một người dân ở Con Cuông, đó là “sự công bằng bởi còn để dành hỗ trợ cho nhiều hộ khó khăn hơn mình”.
Có thể hàng ngày chúng ta thấy rất nhiều những nghĩa cử cao đẹp dành cho người nghèo,
Chính vì vậy, tại Chương trình này, bên cạnh việc nêu bật ý nghĩa của việc thông qua các hoạt động tương thân, tương ái, khơi dậy tình thương yêu, đùm bọc trong cộng đồng thì ông Trần Thanh Mẫn- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã bày tỏ lời cảm ơn và hoan nghênh một số địa phương, hộ nghèo đã tự lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo để dành sự hỗ trợ cho các hộ còn khó khăn hơn.
“Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” là phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Từ năm 2017 đến nay, chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo”đã trở thành sự kiện thường niên do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức diễn ra vào đúng Ngày Quốc tế xóa nghèo -Ngày Vì người nghèo 17/10 hằng năm và cũng là ngày bắt đầu Tháng cao điểm vì người nghèo (17/10 – 18/11) do UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động.
Trong dòng người đổ về Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình, Hà Nội hôm 17/10, ông Nguyễn Ngọc Khôi - Chủ tịch Quỹ trái tim vàng Việt Nam đã cầm chiếc chìa khóa in số tiền 10 tỷ đồng đi trên thảm xanh để gửi tặng người nghèo thông qua Mặt trận.
Ông Khôi cho biết, Quỹ Trái tim vàng Việt Nam thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bao gồm 2.000 doanh nhân, doanh nghiệp, mỗi khi có sự kiện được tổ chức dành cho người nghèo, các thành viên đều đồng lòng nhất trí có thể trực tiếp thông qua Quỹ hoặc thông qua kênh Mặt trận để quyên góp cho người nghèo.
Điều mà ông Khôi và rất nhiều nhà hảo tâm đến với Chương trình này đều mong mỏi là số tiền hỗ trợ thông qua kênh của Mặt trận sẽ đến được tận tay người nghèo, những nạn nhân của chiến tranh, của chất độc da cam/dioxin.
Chương trình cả nước chung tay vì người nghèo năm 2019 đã ghi nhận sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ ở Trung ương và địa phương gần 900 tỷ đồng. Trong đó ủng hộ Quỹ Vì người nghèo là 66 tỷ đồng, ủng hộ Chương trình an sinh xã hội là 811 tỷ đồng.
Từ năm 2000 đến nay, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ người nghèo thông qua Quỹ Vì người nghèo của Mặt trận là gần 15.000 tỷ đồng và qua Chương trình an sinh xã hội hơn 40.000 tỷ đồng. Các nguồn lực này đã cùng với Nhà nước xây dựng và sửa chữa hơn 1,5 triệu căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, giúp hàng triệu người nghèo về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất, xây dựng hàng ngàn trường học, cầu dân sinh…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong suốt 74 năm qua, đặc biệt, trong gần 35 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh hàng triệu người có cuộc sống ấm no thì cũng còn hàng nghìn, hàng vạn đồng bào đang chịu cảnh thiên tai, bão lũ, nhiều gia đình tang thương, mất người, mất nhà, bị đất đá vùi lấp hoặc nước lũ cuốn trôi. Có rất nhiều hộ vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo rồi nay có thể tái nghèo. Vì vậy, việc động viên và giúp đỡ những người nghèo một cách trách nhiệm, tình thương, chia sẻ và thiết thực là điều mà chúng ta vẫn đang làm. Nhà nước tiếp tục ưu tiên nguồn lực nhưng người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định sự nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo, bên cạnh vai trò đồng hành, hỗ trợ không thể thiếu của các tổ chức, cá nhân, doanh nhân trong và ngoài nước.
Sự vươn lên ấy, hiểu đơn giản là ý chí và thái độ sống sẻ chia, lạc quan và tự trọng của những người như cụ bà Đỗ Thị Mơ đã lựa chọn. Và việc sử dụng đúng cách những nguồn lực hỗ trợ người nghèo như sự kỳ vọng tin tưởng của các nhà hảo tâm đã trao gửi ở Mặt trận cũng là một cách để giúp cho người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.