Theo xu hướng chung, các gia đình thường cúng Rằm tháng Bảy từ ngày mùng 10 tháng Bảy âm lịch đến trước ngày chính Rằm (tức là ngày 15/7 âm lịch).
Rằm tháng Bảy là một trong những dịp lễ Tết quan trọng của người Việt. Đây là ngày lễ để con cháu tri ân, báo hiếu với tổ tiên, cha mẹ với mục đích giáo dục con người về lòng biết hơn, hiếu thảo với đấng sinh thành. Rằm tháng Bảy Âm lịch vừa là dịp Xá tội vong nhân, vừa là Lễ Vu Lan báo hiếu nên theo phong tục của người Việt, lễ cúng Rằm tháng Bảy là một trong những nghi lễ quan trọng của năm.
Trong dịp cúng Rằm tháng Bảy, người Việt thường làm ba mâm cỗ là mâm cúng Phật, cúng gia tiên, thần linh và mâm cúng chúng sinh. Vào ngày này, hầu hết các gia đình đều chuẩn bị những mâm cỗ cúng tươm tất để tỏ lòng thành kính với thần linh, tổ tiên cũng như chuẩn bị lễ cúng chúng sinh để hành thiện tích đức, an ủi những vong hồn không nơi nương tựa.
Tuy nhiên, tùy điều kiện và quan điểm mà từng gia đình có thể điều chỉnh. Nhiều nhà chỉ làm 2 mâm, mâm trong nhà dành cúng gia tiên, thần linh và mâm ngoài trời cúng chúng sinh, cô hồn.
Mâm cúng thần linh và gia tiên
Thông thường, với mâm cúng gia tiên các gia đình hay cũng cỗ mặn. Mâm cúng gồm các món ăn đa dạng cùng những thực phẩm bổ dưỡng, tươi sạch, thể hiện cho lòng thành kính, biết ơn tổ tiên.
Mâm cỗ này thường được chuẩn bị tươm tất, gồm những món ăn ngon vẫn được dùng cho các ngày giỗ chạp, lễ Tết như gà luộc, xôi trắng, nem rán, giò chả, món xào, món nộm, xôi, cơm, canh...
Mâm cúng cơ bản cho ngày rằm tháng Bảy thường có gà luộc, canh miến mọc, xôi đỗ xanh, thịt bò xào, chả nem, tôm hấp sả...Điều quan trọng là các món ăn đa dạng, thực phẩm bổ dưỡng, tươi sạch. Ngoài ra còn có các loại trái cây.
Một điều cũng cần đặc biệt chú ý nữa là theo quan niệm từ lâu đời mâm cúng Phật và cúng gia tiên nên làm vào ban ngày.
Mâm cúng Phật
Đối với những gia đình theo đạo Phật, Rằm tháng Bảy là một ngày lễ lớn. Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người.
Chỉ cần chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc một mâm ngũ quả đơn giản để cúng Phật, nên cúng vào ban ngày. Thông thường mâm cúng Phật là món chay. Mâm cơm chay khoảng 3-5 món. Các món khá phong phú như: cơm trắng, rau củ quả nấu canh, các món từ nấm, các loại chè, bánh làm từ các loại bột, đậu (bánh trôi nước, bột lọc…). Hoặc có thể như hoa quả, nước lọc, bánh kẹo... Sau đó, mọi người thụ lộc ngay tại nhà.
Ngoài ra, khi làm lễ cúng Phật nên đọc một khóa kinh Vu Lan để hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh và cũng là một cách giúp hiểu hơn về ngày lễ này.
Mâm cúng chúng sinh
Lễ cúng cô hồn được thực hiện vào buổi chiều tối ngày 14/7 hoặc 15/7. Bởi vì, người ta quan niệm, đây là thời gian những vong linh trên đường trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn chuẩn nhất.
Trên mâm cúng chúng sinh, lễ vật gồm có: Muối gạo (1 đĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong), cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ), hoa quả (5 loại 5 màu), 12 cục đường thẻ.
Theo truyền thống xưa, các gia đình sẽ mua quần áo chúng sinh bằng giấy nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...). Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo không nên sử dụng vàng mã, tránh lãng phí. Đồng thời Giáo hội cũng cấm đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự. Bởi vậy, các gia đình có thể cân nhắc hình thức này.
Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo, tiền vàng (tiền thật và tiền vàng mã), khoai lang, ngô, sắn luộc, mía (để nguyên vỏ và chặt tùng khúc nhỏ độ 15 cm).
Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ.....
Món cháo loãng không thể thiếu trong lễ cúng cô hồn. Bởi vì người ta tin rằng món này dành cho những linh hồn bị đày đọa phải mang một thực quản nhỏ hẹp không thể nuốt được thức ăn thông thường.
Bày lễ và cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Gia chủ có thể đọc các bài văn cúng hoặc khấn nôm theo tâm nguyện. Kết thúc lễ cúng cô hồn, gạo, muối được vãi ra sân, đường, sau đó là đốt vàng mã.
Về phương diện cúng Rằm tháng Bảy, nhà văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đưa ra 1 số lưu ý theo tập tục của dân gian, các bạn có thể tham khảo thêm:
1. Lễ cúng cô hồn là không cúng xôi, gà, heo. Chỉ cúng cô hồn bằng các món ăn chay, không cúng đồ mặn vì sẽ khơi dậy tham, sân, si.
2. Lễ cúng cô hồn thực hiện vào buổi chiều tối vì ban ngày ánh nắng mặt trời rất mạnh trong khi các cô hồn vừa được thả ra rất yếu.
3. Việc cúng cô hồn phải được hoàn tất vào ngày 15/7 âm lịch.
4. Nên thăm mộ phần của người thân trong gia đình ở ngoài nghĩa địa hay trong chùa chiền, nơi lưu giữ các lọ hài cốt. Vì tháng cô hồn còn gọi là Tết của những người âm.
5. Nếu biết tụng kinh thì nên trì tụng (Chú Đại bi, chuẩn đề, Vu Lan báo hiếu, Địa tạng).
6. Nên hạn chế sát sinh các con vật.
7. Đối với mâm cúng Phật, thần linh và gia tiên thì cúng trong nhà, còn cúng chúng sinh thì cúng ngoài trời, trước cửa nhà hoặc ở chùa.
Khi tung gạo muối chúng sinh thì tung ra ngoài chứ không tung từ ngoài vào trong nhà.
Đối với gia đình thờ Phật thì mâm cúng chay phải đặt cao nhất, rồi mới đến mâm cúng thần linh và gia tiên.
Lưu ý trong mâm cúng Rằm tháng Bảy
Cả 3 mâm cúng đều cần có nước, hương hoa, đèn/nến.
Theo xu hướng chung các gia đình thường cúng Rằm tháng Bảy từ ngày mùng 10 tháng Bảy âm lịch đến trước ngày chính rằm (tức là ngày 15/7 âm lịch). Còn ngày 15/7 sẽ chỉ để cúng các cô hồn vương vất, không nơi nương tựa, đang bị đói ăn. Lúc này mâm cũng được dọn ngoài đường, trước nhà… nhưng không được để trong nhà, tránh trường hợp các vong hồn theo vào.
Còn với lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ cầu siêu, báo hiếu tổ tiên, nên thực hiện vào ban ngày. Tuy nhiên, dù chọn giờ nào thì việc cúng cô hồn cũng đều phải diễn ra vào trước 12 giờ đêm ngày 15/7 âm lịch.