Triển lãm “Xứ Thần Kinh” đang diễn ra tại Mây Artspace, TP Hồ Chí Minh, từ ngày 14 đến hết 23/10 với 4 họa sĩ đều đang sống và làm việc ở Huế. Gồm: Trần Hữu Nhật (SN 1981 tại Huế), Lê Hữu Long (SN 1988 tại Huế), Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1989 tại Quảng Bình), Nguyễn Trung Kiên (SN 1996 tại Quảng Bình). Họ cùng nhau mang đến 36 tác phẩm, được thực hiện trong những năm Covid-19 để trưng bày trong triển lãm này.
Áp lực đối với lứa họa sĩ mới của Huế được cho là chất xúc tác để họ quay trở lại đào sâu vào câu chuyện nội tâm, tư duy cá nhân từ đó được phơi lộ ra trên tác phẩm. Từ đó, có thể thấy rõ nghệ sĩ 8X và 9X của Huế, đang mang tiếng nói khác biệt với thế hệ đi trước. “Nghệ thuật suy cho cùng phản ánh hình thái ý thức xã hội. Thời đại mới sản sinh nghệ thuật mới, nghệ thuật đi song hành với thời đại”- nhóm họa sĩ chia sẻ. Với triển lãm lần này, mong muốn của 4 họa sĩ là thể hiện được sự khát khao, cống hiến với những triển lãm ngoài địa phận Huế.
Năm 2022, có thể nói là một năm đầy bận rộn của Nguyễn Đức Nghĩa. Bộ tranh “Ngụ ngôn của cá”, và bộ tranh gồm các tác phẩm: "Nhìn”; “Ký sinh”; “Giao cảm”; “Chiếc hôn màu xanh”; “Thiếu phụ" được Nguyễn Đức Nghĩa trưng bày ở triển lãm này mong muốn mang đến tư tưởng cá nhân, về việc “chúng ta luôn tồn tại song song giữa cái tôi và cái ta, đấu tranh nhưng lại gắn liền cùng nhau không thể tách rời”.
Với họa sĩ Lê Hữu Long, các bức tranh được khởi nguồn từ ý tưởng lấy hình tượng đồ vàng mã ở Huế, đốt cho người cõi âm, theo quan niệm xưa là người âm cũng như người dương, người trần gian sao thì âm vậy, để khoác lên những tha nhân đi đến đường cùng của số phận. Những người này muốn thoát ra khỏi sự kiệt cùng, mong muốn tìm được sự tự do với một chân trời mới tốt hơn. Trải qua hai năm dịch Covid-19, Lê Hữu Long thấy được nỗi đau khổ của thân phận con người. Và họa sĩ Lê Hữu Long đã vẽ, để diễn tả thân phận con người nhỏ bé.
Họa sĩ Nguyễn Trung Kiên, giới thiệu loạt tranh “Người người ngợm ngợm”. Với Kiên, chất liệu chỉ là phương tiện, là một cách “nói”, kỹ thuật đồng nhất với nội dung và khắc họa sâu ý tưởng.
Họa sĩ Trần Hữu Nhật trưng bày những tác phẩm trừu tượng đầy mãnh liệt. Với Nhật, trừu tượng chỉ thăng hoa khi các yếu tố nghệ thuật giao thoa, xúc tác cùng nhau, mỗi tác phẩm ra đời như một trải nghiệm cá nhân hay nói đúng hơn là tâm linh dẫn dắt. Anh mong gây được cảm xúc cho người xem, mở rộng biên độ của sự tưởng tượng, không còn bị đóng khung, họ có thể thấy bản thân trong đó và tham gia đặt tên cho tranh.