Biến đổi khí hậu đã khiến nguồn nước nhiều nơi khan hiếm gây ảnh hưởng đến trồng trọt, chăn nuôi của bà con. Chính vì thế, việc tiết kiệm nước và sử dụng tối ưu hóa nguồn nước tưới cho cây trồng là yêu cầu bắt buộc. Tại nhiều địa phương hiện nay bà con đã đưa vào áp dụng hiệu quả mô hình tưới nhỏ giọt, tưới nước ẩm tự động, tận dụng nguồn nước trong nông nghiệp. Xin giới thiệu để bà con tham khảo, ứng dụng.
1. Tại xã Phổng Lái (Thuận Châu, Sơn La), người dân hoàn toàn dựa vào nguồn cấp nước từ công trình thủy lợi hồ Lái Bay. Ban đầu công trình này không mang đến hiệu quả cao do địa bàn rộng, hệ thống đường ống phải vận hành phức tạp, không có người quản lý thường xuyên, người dân chưa có ý thức cao về tiết kiệm nước.
Để khắc phục tồn tại trên, từ tháng 10-2015, Chi cục Thủy lợi Sơn La đã thực hiện thí điểm mô hình quản lý tưới tiết kiệm nước hồ Lái Bay, với việc Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư xây dựng và vận hành. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 921 triệu đồng, trong đó, nhà nước đầu tư đồng hồ đo nước và các phụ kiện kèm theo; nhân dân đóng góp tuyến ống từ sau đồng hồ đến nơi sử dụng.
Sau 8 tháng lắp đồng hồ, mô hình đưa vào quản lý sử dụng cho 332 hộ gia đình, lượng nước tiết kiệm được khoảng 30% so với khi chưa lắp đồng hồ, giúp điều tiết nước cho các tháng mùa khô, đồng thời đủ nước để có thể cấp mở rộng thêm cho các hộ dân có nhu cầu thuộc các xã Phỏng Lái và Chiềng Pha.
Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong sử dụng nguồn tài nguyên nước theo hướng tiết kiệm, hợp lý có sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Người dân hiểu rõ nước cũng là một loại hàng hóa và sử dụng nước phải trả tiền, do đó phải tiết kiệm, phải có trách nhiệm bảo vệ và sử dụng hợp lý, không để thất thoát lãng phí.
2. Trong khi đó, để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, khan hiếm nước tưới trong mùa khô đối với các loại cây trồng, từ năm 2016, mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho cây hồ tiêu đã được triển khai trên địa bàn các huyện Krông Búk, Buôn Đôn, Krông Bông (Đăk Lăk) với quy mô 6 ha, 12 hộ tham gia. Mô hình này do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Lăk thực hiện. Đến nay, mô hình này bước đầu làm thay đổi nhận thức về tập quán canh tác của người trồng tiêu bằng cách ứng dụng công nghệ trong tưới tiêu góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông hộ. Khác với phương pháp tưới truyền thống rất tốn công, phương pháp tưới tiết kiệm nước giúp duy trì đều đặn độ ẩm cần thiết cho cây tiêu sinh trưởng và phát triển, đặc biệt giảm công lao động. Ngoài ra, phương pháp này còn bảo vệ đất, tiết kiệm nguồn nước, chủ động được nước tưới trong mùa khô, độ ngấm sâu hơn.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu và thực tế áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho một số cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, thanh long, mía ở Việt Nam cho thấy rằng, việc áp dụng công nghệ này kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất cây trồng từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập của hộ gia đình từ 20-50% và tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20-40%.
3. Còn tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), trước đây, để cung cấp nước cho tỏi, hành, bắp, dưa… người dân nhờ vào nước mưa hoặc dùng ống nhựa dây bơm từ giếng lên để tưới. Khi tưới nước ít nhất cần 2 người, một người đỡ dây, một người điều chỉnh ống tưới. Nếu giếng xa phải cần 3-4 người đỡ dây nên tốn kém về nhân công, tiền của và cả tài nguyên nước. Nhưng gần đây, từ khi có điện lưới quốc gia, một số hộ dân huyện đảo Lý Sơn tiên phong bắt hệ thống tưới phun bán tự động.
Hệ thống tưới phun có hạt nước nhỏ, nhẹ và đều khắp mặt đất (có thể điều chỉnh lượng nước tưới phun cho phù hợp với từng loại), vì thế cây trồng được an toàn, sinh trưởng đồng đều, năng suất tăng lên khoảng 20% so với cách tưới truyền thống. Mặt khác tưới phun tiết kiệm từ 30-50% lượng nước tưới so với cách tưới truyền thống trước đây. Đây là điều rất quan trọng và là một trong những giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, bởi nguồn nước ngọt ở đảo Lý Sơn vốn rất khan hiếm. Hiện tại, có hơn 150/340 ha đất sản xuất được lắp đặt hệ thống tưới phun.
Nhờ chủ động trong việc tưới nước phun tiết kiệm mà huyện Lý Sơn đã mạnh dạn chuyển dịch mùa vụ cây trồng để tránh điều kiện bất lợi gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
Vụ đông xuân năm 2016-2017, huyện đã bố trí trồng tỏi chậm hơn 1-2 tháng so với mùa vụ trước đây (thu hoạch vào tháng 1-2 âm lịch, trước đây thu vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán). Nhờ đó tránh được mưa phùn gió bấc trong dịp Tết, tỏi cho năng suất cao, chất lượng cũng tốt hơn và việc sử dụng công lao động vừa tiết kiệm vừa thuận lợi.