Tháng 12 này, Quán thanh xuân chọn chủ đề "Những mùa đông yêu dấu". Đây là một chương trình đậm chất hoài niệm với những chia sẻ thú vị của các vị khách mời và những ca khúc mặn đằm chất tự tình. Quán thanh xuân tháng 12, phát sóng lúc 21h10 thứ bảy ngày 4/12, trên kênh VTV1.
Có một mùa đông trong âm nhạc Việt Nam
“Hai ca khúc “Đêm đông” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và “Buồn tàn thu” của Văn Cao có thể coi như mở đầu cho dòng âm nhạc về mùa đông”. Đó là chia sẻ của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Ông cũng cho biết, mùa đông đi vào văn học nghệ thuật Việt Nam từ thời Tự lực văn đoàn với tác phẩm “Gió đầu mùa” của nhà văn Thạch Lam.
Nhiều năm sau, âm nhạc Việt Nam có ông hoàng nhạc tình mùa đông. Đó là nhạc sĩ Phú Quang. Bài thơ “Em ơi Hà Nội phố” do Phan Vũ sáng tác sau những ngày Hà Nội xơ xác vì bom B52. Một số ca từ trong bài thơ được Phú Quang phổ nhạc và ca khúc này luôn làm lòng người da diết buồn và nhớ Hà Nội, nhớ mùa đông của mảnh đất này. Phú Quang rời Hà Nội năm 1986, trong hơn 20 năm sống ở thành phố Hồ Chí Minh, ông sáng tác nhiều bài hát về mùa đông, mùa chỉ riêng Hà Nội có và chính vì thế nó luôn khiến lòng người quay quắt nhớ. Ông nói: Những ngày sống ở Sài Gòn viết nhiều bài mùa đông vì nhớ Hà Nội quá. Nghiệm ra, mùa đông con người hay thu mình lại và như thế sẽ bình tĩnh suy nghĩ hơn về mọi điều.
Mùa đông trong ký ức của những người lính
Thượng tướng Võ Văn Tuấn có ba má người Nam tập kết ra Bắc. Hơn 5 tuổi cha mẹ đi công tác xa. Cha ông từng là thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Paris. 18 năm sống với bà nội, ký ức của vị nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam tràn đầy hình ảnh người mẹ thứ hai này của mình. Ông cho biết cũng lớn lên cùng với ngô rang, hạt dẻ, bánh trôi tàu – những thức quà Hà Nội.
Đặc biệt, những gì còn nhớ nhất về tuổi thơ ấu, tuổi trẻ thì đều liên quan tới mùa đông, cũng là mùa mà anh được sinh ra. Ông kể về thời còn là học sinh lớp 10 trường Nguyễn Trãi, sơ tán ở gần Vân Đình, cũng lại là mùa đông. Mỗi lần nghe tiếng pháo cao xạ hay tên lửa là ra đồng ngồi và đã chứng kiến nhiều lần máy bay B52 cháy sáng trên bầu trời. Đó là những dấu ấn không thể quên với lứa thanh niên khi ấy và đó là điều thôi thúc ông trở thành người lính.
Trong hồi ức của cựu phi công quân sự này có những mùa đông lộng lẫy gắn với nước Nga. “Mùa đông ở Siberi, đi trên tàu, ngang qua rừng thông xanh tuyết trắng, trời xanh thăm thẳm, đẹp không tả hết bằng lời được. Con gái Nga đẹp ngỡ ngàng trong ký ức của chàng thanh niên ngày mới vào quân ngũ. Nếu chưa có gia đình, bạn hãy về đồng quê tôi, nơi có những cô gái Nga đẹp dễ sợ…” (Lời bài hát Nga). Đặc biệt là nhớ những chuyến bay mùa đông ở nước Nga, máy bay trong nhiệt độ không khí càng lạnh công suất động cơ càng khỏe, bay tốt hơn. Về sau trong 17 năm ở miền Nam, ông luôn nhớ miền Bắc da diết, nhớ mùa đông.
Hoài niệm mùa đông của nhạc sĩ Trương Quý Hải được cụ thể hóa với nỗi nhớ mùi bánh trôi tàu thơm lan tỏa từ chợ Hàng Da về phố Đường Thành nhà anh; Bằng những tiếng rao đêm khiến con người ta thèm nhấm nháp tất cả những gì thuộc về đặc trưng của quà đêm Hà Nội. Nhớ những tiếng rao đêm. Thèm tất cả những gì nghe thấy nhìn thấy. Về sau, cảm xúc đó cũng góp phần để anh viết nên những ca khúc tràn ngập tình yêu Hà Nội, trong đó có Khoảnh khắc, do ca sĩ Thùy Dung trình bày tại Quán thanh xuân lần này. Thùy Dung kể đã khóc ngay “tại trận” khi nghe điện thoại của Quán thanh xuân mời hát ca khúc này. Cô là người đầu tiên hát bài này và hứa hát đến năm 92 tuổi.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải vẫn còn lưu lại kỷ niệm những ngày tháng quân ngũ ở Hoàng Liên Sơn. Mùa đông vẫn lội qua suối, đi lấy củi. Bẻ ngô giúp đồng bào, được cho ngô nướng. Tự nhiên cảm giác giống Hà Nội thế, một Hà Nội giữa rừng. Cảm nhận rõ nhất mùa đông là tình đồng đội. Đồng đội đều để tóc dài vì không có điều kiện cắt tóc. Có những cánh quân nằm chốt gần 1 năm. Những ngày ở rừng rét mướt, bộ đội thường ôm nhau tỏa hơi ấm cho nhau. Tình đồng đội ấy khiến anh nhớ mãi, không quên.
Nhạc sĩ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Bằng, nhập ngũ cuối 1971, là thế hệ xếp bút nghiên lên đường ra chiến trận. Mùa đông năm 1972 là mùa đông không quên trong ký ức của anh, bởi đó là mùa đông Quảng trị, gió bấc mưa phùn 15-20 ngày. Anh em đồng đội dựa lưng vào nhau trao hơi ấm. Đó cũng là mùa đông đặc biệt với tin chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.
Mùa đông thành phố, mùa đông vùng cao, mùa đông vùng quê
NSƯT Chiều Xuân nói rằng nỗi nhớ mùa đông trong chị chính là nhớ về mẹ, nhớ sự ấm áp những vali quần áo cũ. Những đứa con mang tâm trạng chờ đợi thứ hơi ấm quen thuộc và chả khi nào thất vọng. Cái áo bông trần bằng vải hoa mẹ xếp hàng rất lâu mới mua được, chị mặc từ khi áo còn dài đến khi ngắn cũn cỡn.
Cuộc đời diễn viên của Chiều Xuân cũng nhiều lần phải diễn trong cái rét 4 độ, 6 độ. Diễn ngoài trời. Ra sân khấu hai chân còn va vào nhau. Rét còn nhảy xuống bơi. Có một kỷ niệm đóng phim truyền hình, quay ở Việt trì. Gió từ sông Lô rào rạt. Đêm đó chị lên cơn sốt. Hôm sau vẫn diễn ngoài cánh đồng hun hút.
Tiếp nối câu chuyện “áo mùa đông”, nhà văn Đỗ Bích Thúy kể rằng chị là người thứ tư trong gia đình mặc một cái áo khoác. Chiếc áo khoác đó đã truyền từ người dì qua hai ông anh rồi tới Thúy. Chị mặc từ khi áo dài ngang đầu gối cho tới khi ngang hông; Cúc màu vàng chuyển sang màu trắng bệch. Và với chị đó là tấm áo đẹp nhất trong tuổi thơ.
Lần đầu tiên đến với Quán thanh xuân, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã đem đến những câu chuyện vùng cao hấp dẫn. Nhà chị ở trong một thung lũng rộng 3 ngàn mét vuông. Nơi đó toàn người Tày. Căn nhà nhỏ của bố mẹ Thúy ở vị trí gió hút, lạnh nhất ở cái làng đó. Nhà vách đất, ban đầu còn lợp mái cọ. Những buổi tối mùa đông, bố Thúy đều nướng 3 viên gạch trên bếp trong 2 giờ đồng hồ. Bố bảo đó là kiểu chống rét của Bác Hồ. Gạch đó được nhét vào dưới lớp chăn bông. “Chị em chúng tôi không thể đi qua những mùa đông nếu không có những cục gạch hồng của bố”, nhà văn Đỗ Bích Thúy kết luận như vậy.
Đỗ Bích Thúy thích viết mùa đông. Viết về những mối tình mùa đông trên núi cao. Miền núi mùa đông hiếm nắng, nên mỗi khi có nắng mẹ đều đem chăn ra phơi. Mùi nắng ngấm vào chăn bông, còn ám ảnh chị đến tận bây giờ. Khi làm báo, lên những vùng cao nhất ở Hà Giang thì lạnh hơn rất nhiều. Buổi sáng ngủ dậy ở một đồn biên phòng, thả ca vào bể nước thì nghe kêu cốp vì nước đã đóng băng, phải lấy chày đập vỡ ra xong mới đun lên lấy nước rửa mặt.
Mùa đông vùng quê Bắc bộ của Ngô Bá Lục, trong nỗi nhớ có hình ảnh của những đống rơm ở góc vườn; Nhớ cảnh nằm ngủ ổ rơm, đi chăn trâu ngoài đồng heo hút gió; Lũ “nhất quỷ nhì ma” thì không thể không có những kỷ niệm đi ăn trộm khoai, bẻ trộm ngô; Ăn trộm vịt, đắp đất sét quanh con vịt, nướng rơm; Những ngày mùa đông đi tát nước cùng thày u. Chính những mùa đông ấy khiến sau này lớn lên, trở thành nhà báo, nhà văn, Ngô Bá Lục biết trân trọng những sự hy sinh, biết sống vì người khác và yêu thương con người hơn.
“Những mùa đông yêu dấu” là chương trình Quán thanh xuân cuối cùng của năm 2021. Sang năm mới 2022, Quán thanh xuân sẽ trở lại với diện mạo mới. Trong 3 năm qua Quán thanh xuân đã là một thương hiệu khó lẫn của Đài Truyền hình Việt Nam và là địa chỉ thân thiết của những khán giả yêu màn ảnh nhỏ và đặc biệt là yêu âm nhạc.