Ở làng ngày ấy, có lẽ, không nhà nào có nhiều ao ruộng rau muống như nhà tôi. Hai cái ao lớn, một vuông ruộng phần trăm liền kề mảnh vườn, bờ ngòi vài ba dải chạy dài đến nửa cây số, đã thế còn một chân soi - nền cao hơn ruộng nhưng thấp hơn vườn - đều dành để trồng rau muống.
Rau muống mẹ tôi trồng là giống muống đỏ, cọng dày, cứng, khi ở cạn thì đốt ngắn màu nâu cánh sẻ, lá xanh thẫm, nhưng khi gặp nước thì lập tức “ngoi” lên. Tức là rau sẽ dài ra rất nhanh, cọng càng dài thì đốt càng thưa, và nếu không hái, cọng rau ấy sẽ dài ra đến mức không đo nổi, “ngoi” trong nước loằng ngoằng đan bện, dây nọ với dây kia nắm chặt tay nhau mà kết thành cả một bè quấn quýt.
Một dạo trong vùng có mốt trồng rau muống trắng, thứ rau màu xanh nõn, cọng mỏng, ống to, ăn giòn và đỡ ngái hơn rau muống đỏ. Rau này xào hay chẻ ngọn kèm kinh giới và húng chanh, chan lên là riêu cua béo ngậy thì rất hợp, nhưng xào hay nấu canh lại thấy nhạt nhẽo.
Thấy muống trắng trồng cạn hợp hơn trồng ruộng trũng ao sâu, mẹ tôi trồng một soi. Một thời gian thấy cứ phải tưới nước mỗi ngày, mà năng suất rau trắng kém xa rau đỏ. Đang trồng thứ rau muống đỏ dễ dãi chẳng khác gì thài lài mọc hoang, bìm bìm leo giậu (rau muống vốn thuộc họ bìm bìm), quẳng đâu cứ đất ẩm hay sũng nước nó đều sống khỏe, giờ lại phải xách nước tưới rau muống trắng mỗi ngày thì thật vô lý, chẳng bõ công, mẹ tôi bỏ.
Rau muống thu hoạch từ xuân đến hết mùa thu. Nhưng kể chuyện ao rau muống tôi sẽ bắt đầu từ tháng Chạp. Đây là thời điểm kết thúc mùa rau cũ, chuẩn bị mùa rau mới. Lúc này cả tháng chẳng một cơn mưa nên dù bơi ngập trong nước ao thì rau muống cũng phải đến thì già cỗi. Cả mặt ao vàng lá, còn lơ thơ vài cái lá non thì bị nắng gió hanh hao đốt cho xoăn queo, khô táp. Sức sống của loài rau đồng thảo dân dã lúc này kết nở một mùa hoa tím, mỏng manh và mơ mộng, chẳng kém gì nhan sắc nàng dạ yến thảo mùa xuân.
Thiệt thòi một nỗi, bởi vốn là loài rau ăn lá của người nghèo nên hoa rau muống dù đẹp nhưng mùa hoa ngắn ngủi, lại nổi trôi trong ao sâu ruộng trũng nên may ra chỉ mấy đứa con gái nhà quê thiếu trò chơi để mắt đến. Đứa con gái tần ngần đứng bên bờ ao, dải nắng mật ong rót đẫm chiều heo may len len trong tóc. Mấy cánh bèo ong cũng rung động lao xao. Cái mùa khô đến nỗi mà rau muống bơi trong ao ngập nước cũng chẳng còn có sức mà đâm mầm, huống gì mấy loại rau trên vườn đã ngã lòng mỏi mệt.
Quê tôi là vùng chiêm trũng, vườn đất thịt nên ngày ấy ít thấy trồng được các loại rau mùa đông như cải bắp, su hào… Có mấy thứ rau cần, cải cúc thì cũng phải chờ sang xuân mưa ẩm đất nó mới thích hợp. Ngoài vườn, mùng tơi đã lụi, dây mùng tơi leo giậu đã tím rịm những quả chín già. Có tiếng mấy đứa ới nhau vặt mùng tơi về “mài mực” (bôi lên má).
Rau ngót quế xoăn tít lá, tàu nhánh cũng xun lại, ngắn ngủn, vậy mà những đốm hoa vàng cốm bé như cái cúc bấm vẫn tươi cười được trong nắng hanh, giữa chùm quả mắc chuông treo gió. Tối nay chẳng có rau gì ăn. Đành lội ao hái những cọng muống già cứng đã táp gần hết lá, lác đác quả đương già và hoa thì vẫn tím ngát xôn xao. Chẳng biết vì vội vã hay thích ăn cả quả rau muống, tôi cứ luộc hết cả rau lẫn quả lên. Đĩa rau đơm lên, mẹ tôi lại ca cẩm, nắng đến khô xác cả người, rau cũng xác như rơm, chát xin xít…
Mà đúng là nắng thật, dẫu heo may thật sự đã về. Ngày ấy thấy rét về rất sớm, mùa gặt tháng Mười đã thấp thoáng sương muối gió bấc. Nắng hanh khiến da chân da tay khô mốc, má con gái căng lựng như trái bồ quân. Mẹ nhìn con lẩm bẩm: “Bà khen con bà tốt, đến tháng Mười Một thì bà biết con bà!” Bố tôi thì bảo, cố ít ngày nữa rút hết dây rau muống, nhà mình tát ao, bố lấy mỡ cá rô rán lên cho con bôi, đỡ nẻ.
Cá trong ao rau muống chủ yếu là cá đen, tức các loại rô, trê, trõn (cá quả). Tát ao, dù có hôi kĩ thế nào, cũng không thể bắt hết được lũ cá đen rúc sâu trong bùn, hè sang năm nó đẻ ra vài đàn rồng rồng, cuối năm ao lại đầy cá.
Lúc ấy vụ gặt tháng Mười đã xong, thóc săn giòn cầng cậc, đóng cót gọn gàng; rơm rạ cũng đã khô ron, đánh lên chặt chẽ dăm đống, nhà tôi bắt đầu dọn dẹp ao rau muống.
Trong độ dăm ngày, mẹ và các chị tôi lội ngập, chỗ sâu có khi nước đến ngang bụng, rút lên những dây muống dài chẳng biết bao nhiêu mà rút mãi không đứt, phải ước lượng sải tay tương đương độ dài ngang luống rau để ngắt chúng ra cho vừa. Dây muống xếp lớp thành đống ở góc sân, phủ ít lá niễng khô lên để giữ ẩm. Dây rau được ủ sẽ tự khắc tức chồi. Đến khi giáp Tết, mưa xuân xấp xới là dây rau ngả vàng, ở từng mắt dây thấy lốm đốm rễ trắng và chồi nhú lên như hạt gạo, thì mang dây rau đi rải luống.
Trồng rau muống ao là cả một sự kỳ khu đánh luống rồi sửa sang, bồi luống mỗi năm. Thử hình dung, lòng ao rau muống như một vuông ruộng dốc, gồm những luống đất trải dài thoai thoải từ bờ bên này xuống đáy ao - giờ chỉ còn như một rãnh nước áp phía bờ bên kia, để nước mưa từ các luống rau thoát xuống, rau không bị úng. Vì trồng rau ao cách này là chăm rau từ luống cạn, thu hoạch rau cạn chừng vài ba tháng thì nuôi dần cho rau khỏe khoắn ngoi theo mực nước, cho đến khi rau kết thành bè đan kín mặt ao.
Mưa xuân lây rây ẩm ướt là điều kiện thích hợp để đem dây rau rải luống, trát bùn, ươm cho dây muống lên mầm. Suốt Giêng Hai, mưa phùn đủ tưới ẩm mà không làm ngập luống rau, đôi khi trời nắng khô còn phải tưới cho rau đỡ khát. Nhưng vào độ tháng Ba, sấm động ì ầm báo mưa vào hạ là lúc nhà tôi phải trông mưa mà canh nước ao rau.
Mưa ít thì mỗi chiều đều đặn gầu dây tát nước chừng một tiếng. Ao rau đánh luống dốc nên hố nước sâu hoắm, khi nước ít thì sợi gầu phải nối dài dăm mét, người cúi gò lưng hết cỡ mới múc được gầu nước mà hất lên. Gặp trận mưa lớn, chỉ sau một đêm, ao rau ngập trắng. Hàng xóm chạy đến, xúm lại mỗi người một tay, chẳng ai kịp chỉnh ngắn dây gầu, cứ cuộn tạm lên ống tay cho dây ngắn lại rồi cấp tập ngày đêm gầu đôi mà tát nước. Để trả ơn giúp đỡ của mọi người, mẹ tôi biếu rau, lúc nào muốn ăn, họ cứ việc hái; nhà đông người còn được mẹ cho cả luống.
Mỗi đận cứu rau bị mưa ngập, nhà tôi quay cuồng như chạy lũ. Việc đã biết sẽ xảy ra vào mỗi mùa mưa, khi rau chưa đủ dài để bơi được theo mực nước, mà vẫn cứ nao núng sức người. Mẹ tôi nhiều khi trông nước ao trắng xóa, chỉ còn nhìn thấy mấy ngọn rau gần bờ đuối sức, mệt lả đi trong nước, mà khóc lặng. Nhưng mẹ tôi kiên quyết không bao giờ bỏ rau muống để nuôi cá. Từng luống rau do tay mẹ tạo dựng cứ vững chãi trong lòng ao. Năm này qua năm khác, công cuộc dọn ao, rút dây muống, bồi luống, ươm rau diễn ra mỗi tháng Chạp. Dân Nam Định có cách bó rau muống bé như cái bàn tay, chỉ đôi hàng ngọn. Rau đầu mùa đắt đỏ, mớ rau có khi chỉ được hai mươi ngọn, mà chị tôi đi chợ về cứ vui như Tết vì đắt hàng.
Ao rau muống lúc bấy giờ là nguồn thu nhập chính của nhà tôi, để trang trải cuộc sống quanh năm. Rau đầu mùa đắt hàng, cùng với mùng tơi, rau đay, mấy quả mướp và những xiên cua lách tách theo chân chị tôi vào chợ, là tháng ba giáp hạt đỡ chênh vênh thiếu thốn.
Nhớ những buổi sáng, bốn rưỡi năm giờ mẹ tôi thắp đèn lần mò ra ao hái rau, ếch nhái nhảy lộp bộp kêu rộ lên như trách cứ. Chúng còn đang êm giấc mà. Đứa em họ tên Hiền dậy sớm vừa nấu cơm vừa ôn bài trong căn bếp nhà nó xây lưng xuống ao rau nhà tôi. Nó đọc ê a thành tiếng. Buổi sớm yên tĩnh, tiếng nó rót xuống ao rau rõ mồn một. Đi hái rau cùng mẹ, tôi nghe tiếng nó đọc mà cũng được ôn bài.
“Rau muống, cơm tẻ là mẹ ruột” - người quê tôi thường nói thế. Người quê tôi xào rau muống với thìa con mỡ phi nhánh tỏi thái lát, nhúng vào một đầu đũa mắm tôm cho thơm lừng lên. Nam Định xưa không ăn quả sấu, nước rau muống vắt chanh, chuyển màu hồng, vị chua thanh mát. Rau muống luộc thì để nguyên ngọn, xào hay nấu thì vặn đôi vặn ba ra cho mềm. Thật lạ, rau muống đỏ xào thì giòn, mà nấu với cua, hay hầm sườn khoai sọ rồi thả rau muống vào thì thật là mềm lưỡi. Sinh đẻ xong, rau muống nấu suông với nước mắm gừng thôi, cũng thật ngọt mềm, ăn là ấm dạ.
Tôi đặc biệt thích thả vài thìa vừng lạc vào bát nước cua muối vắt chanh để chấm rau cho thêm bùi ngậy. Ngày ấy nhà tôi nghèo đến nỗi chỉ có Tết đến mới được mua nước mắm, quanh năm ăn nước muối cua. Những khi vì mưa gió mà cả nhà rảnh rỗi, chị em ngồi chẻ rau ngâm vào nước muối cho cọng rau cuộn lại cứng giòn, trộn với các loại rau thơm để nhúng riêu cua. Lại có khi luộc nhiều rau hơn lệ thường để trộn nộm, có chút hoa chuối hay giá đỗ nữa, thì hôm ấy bữa cơm thành bữa tiệc.
Cho đến tận bây giờ, có nhắm mắt lại tôi vẫn nhớ như in những luống rau mùa xuân xanh xanh cung bậc, hun hút dốc về phía lòng ao chớp động từng đàn mại cờ lấp lánh trên thân những sọc đỏ xanh vàng. Nhớ thảm rau về đông phất phơ lá úa mà hoa tím bâng khuâng. Nhớ thảo thơm tôm cá lao xao nhảy trong giá rét, mẹ run lập cập cả môi, vẫn nhớ chia phần cho xóm giềng mỗi nhà vài con rô cái diếc ăn trước Tết về. Nhớ và thương những công sức mồ hôi nước mắt của mẹ, của chị, của chị em chòm xóm yêu thương, đã đổ xuống bao nhiêu cho ao sâu ruộng cả, cho mật ngọt của mùa màng…