Trên đê, đám trẻ mục đồng đuổi nhau, hò hét rồi lăn dài xuống đám cỏ may, mặc cho những hạt cỏ ghim đầy lên áo quần, đầu tóc. Chúng say sưa nói với nhau những câu chuyện về Tết. Tôi hít căng lồng ngực cái không khí trong trẻo ấy và cũng bắt đầu mơ về những mùa Tết đã qua...
1. Tháng Chạp, khi những cơn gió bấc đem cái lạnh hun hút, mải miết thổi qua cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ, tôi lại xách xe máy chạy ngược triền đê sông Mã. Xa dưới bãi sông, những vạt cải ngồng đang cố sức cháy lên một màu vàng rực rỡ. Những cánh cải li ti, dập dờn như đàn bướm vẫy khắc giao mùa.
Tôi thuộc thế hệ đầu 8X, bố mẹ lại là “người nhà nước” nên cũng là thế hệ cuối cùng được ít nhiều biết “mùi” tem phiếu thời bao cấp. Ngày ấy, ngay sau khi bước ra khỏi chiến tranh, không riêng khu trại tăng gia của tôi (gồm toàn gia đình công nhân đi làm kinh tế mới) mà cả đất nước chìm trong khó khăn, đói nghèo. Có lẽ, chính vì thế mà Tết được xem là một sự kiện trọng đại, nhiều ý nghĩa được mong đợi nhất trong năm của không chỉ riêng lũ trẻ chúng tôi.
Với người lớn, năm mới là một thứ mốc thời gian để cắt đi, cho qua đi những đen đủi, khó khăn của năm cũ và hi vọng vào những điều tốt đẹp, may mắn, hanh thông hơn trong tương lai. Vậy nên, câu đầu tiên khi sang thăm và chúc Tết nhau thường sẽ là: “Năm mới nhiều may mắn, làm ăn bằng năm, bằng mười năm ngoái!”.
Thế nhưng rồi, suốt cả mười mấy năm, đời sống kinh tế của cả khu trại tăng gia của tôi vẫn chả có gì mới (có chăng chỉ có cái sự “ăn” là bằng năm, bằng mười năm cũ vì đám trẻ ngày một đông thêm, lớn hơn) và những hi vọng cũng theo lời chúc cứ thế cũ sờn theo năm tháng.
Với tôi thì khác! Tết đồng nghĩa với được nghỉ học dài ngày, được may quần áo mới, được theo mẹ đi chợ Tết, ăn thịt đông với bánh chưng... Những mùa Tết ấy, cứ đến đầu tháng Chạp, bên những ngọn đèn hoa kỳ lập lòe, đám thanh niên mới lớn hào hứng khoe với nhau những tà áo phin trắng nõn, còn mới nguyên mùi hồ. Trong râm ran câu chuyện còn lẫn cả những tiếng thở dài, những ánh mắt u uẩn của người lớn vì lo cái ăn cho cả gia đình những ngày sau Tết và cả công nợ những ngày áp Tết.
Rồi mùa Xuân vẫn đến giữa đầy rẫy khó khăn, thiếu thốn, bộn bề toan lo của người lớn và đúng như mong muốn của lũ trẻ chúng tôi. Sau đêm giao thừa rộn tiếng pháo, cả khu trại của tôi lại bừng sáng, hân hoan. Bên những vườn đào phai rực rỡ, từng đoàn người kéo nhau đi hết nhà này đến nhà khác để chúc tụng. Người ta lại dành cho nhau những lời chúc có cánh, những hi vọng vào những điều tốt đẹp hơn trong năm mới lại được nhen lên trong mỗi tâm hồn.
2. Tôi lên 6, tháng Chạp năm ấy rét lắm! Một buổi tinh mơ, bố tôi xỏ chân vào đôi ủng rồi đi ra cổng cùng với mớ tem phiếu. Mãi qua trưa, trên con đường mòn như sợi chỉ chạy men chân núi, bóng ông mới liêu xiêu trở về lẫn trong màn mưa phùn rả rích. Khuôn mặt xanh xao, tái đi vì thấm lạnh, đôi bàn tay buông thõng, lướt thướt nước mưa. Vào đến sân, tôi thoáng nhận ra chút sững người của ông khi bắt gặp ánh mắt rười rượi của mẹ tôi nơi cửa bếp. Ông khẽ lắc đầu, mẹ nén tiếng thở dài quay vào với gian bếp đang bốc khói nghi ngút vì mớ củi ẩm mục.
Sau bữa cơm chiều, 5 anh chị em chúng tôi chui vào chiếc ổ rơm rúc rích bàn tính chuyện đi chợ Tết. Bên chiếc bàn gỗ cũ mèm, bóng bố loang đổ dài trên vách đất. Trên nóc tủ, chiếc dài VEC 206 rột rẹt phát những bản nhạc về mùa Xuân. Mẹ tôi lặng lẽ đến đến bên bàn, nói nhỏ điều gì đó chỉ đủ cho 2 người nghe rồi quay về phía chúng tôi: “Mấy đứa đi ngủ sớm, mai mẹ cho đi chợ Tết”. Tôi cuộn mình trong lòng mẹ rồi chìm vào giấc ngủ cùng với niềm hân hoan khó tả. Ngoài hiên, tiếng giọt gianh đều như tiếng thời gian đếm ngược về phiên chợ Tết.
Mẹ đánh thức anh em tôi dậy khi trời còn mơ đất, tôi xăng xái, háo hức trong chiếc áo bông dày sụ. Bố cũng đã trở dậy từ lâu và ngồi vuốt ve, lau chùi cẩn thận chiếc đài VEC trước khi trao cho mẹ xếp vào đầu gánh cùng chiếc sanh đồng. “Hay bán mình chiếc sanh thôi!” - Mẹ tiếc rẻ toan cầm chiếc đài để lại chỗ cũ. “Thôi cứ bán đi, cho chúng nó có cái Tết tươm tất một tí! Sang năm mình mua lại sau!” – Giọng bố tôi dứt khoát. Chúng tôi líu ríu theo mẹ như bầy gà con, những đôi chân trần tê cóng đi vì giá rét, hòa vào dòng người làng đi chợ Tết.
Mãi trưa, mẹ tôi mới bán xong được 2 món đồ giá trị nhất của gia đình. Cầm xấp tiền cũ nhàu trên tay, mẹ vội vã dẫn chúng tôi vào sạp hàng giày dép. Tôi sung sướng xỏ ngay đôi chân còn bê bết bùn đất của mình vào đôi dép tổ ong màu trắng ngà. Bà chủ sạp hấp háy cười: “Không để dành đến Tết à?”. Tôi tần ngần nhìn xuống chân tiếc rẻ. “Thôi, cứ đi cho ấm chân” - Mẹ nói rồi kéo chúng tôi sang hàng gạo… Trời sang xế chiều, đôi gánh của mẹ đã đủ cả lá dong, lạt giang và ít bánh mứt.
Giao thừa, anh chị em chúng tôi khoác lên mình những bộ quần áo mới, cả nhà quây quần bên mâm cỗ ngọt. Bố mừng tuổi cho mỗi đứa một tờ 5 đồng còn khá mới. Nhìn chúng tôi ăn bánh và cắn hạt bầu ngô, tranh nhau kể chuyện chợ Tết, mắt bố mẹ tôi đã sáng lên.
Sáng mồng một Tết, tôi dậy từ rất sớm. Rón rén chạy ra đầu ngõ. Trước mắt tôi, thảm cỏ áy vàng, trải dài từ chân núi xuống đến cánh đồng xa cuối con đường hôm trước như được một bàn tay màu nhiệm nào đó đã phẩy chiếc bút quyền năng, phủ lên một màu xanh non tơ, mơn man. Những đám mạng nhện giăng mắc trên cỏ, phủ đầy sương trông như những lá bạc sáng lấp lóa khắp bình nguyên. Tôi cố sức hít căng lồng ngực mình thứ không khí trong trẻo của buổi sáng ngày đầu năm mới. Trong non nớt, có một niềm hân hoan khôn tả mà tôi không thể gọi tên, cứ thế nhen lên mãi…
3. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thích và mong ngóng Tết như những ngày còn thơ bé! Dẫu từ lâu lắm, tôi đã không còn có được cảm giác vui sướng khi nhận tiền mừng tuổi từ tay bố, háo hức được mẹ mua cho những bộ quần áo mới… Những xô bồ, toan tính cơm áo đã làm chìm lấp và hóa kỷ niệm những ký ức vốn tinh khôi nhất.
Cũng đã nhiều năm trở lại đây, cứ mỗi độ tháng Chạp về, khi những cơn gió không còn mang quá nhiều hơi giá thổi qua thành phố, tôi lại lặng lẽ lấy xe máy, thong thả chạy dọc triền đê sông Mã để vòng về quê, dầu đường có xa ngái thêm gấp mấy lần.
Xa dưới bãi sông, những vạt cải ngồng đang cố sức cháy lên một màu vàng rực rỡ lần cuối...