Tôi trưởng thành từ phong trào Mặt trận rồi như một cơ duyên gắn bó cả cuộc đời với công tác Mặt trận. Đây là cuốn Trí Thức Mới được in tại nhà in bí mật của Ban Trí vận-Mặt trận Sài Gòn-Gia Định trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà gia đình tôi còn giữ được. Nhà in Trí Thức Mới đã góp phần quan trọng trong việc truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, của Mặt trận, đấu tranh chống địch quyết liệt và hiệu quả trên mặt trận tư tưởng, văn hóa…
Để duy trì và bảo toàn được hoạt động của nhà in bí mật ngay giữa nội đô Sài Gòn từ năm 1965 cho đến ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975 …là một thành tích lớn và có sự đóng góp, hy sinh của rất nhiều người… Bà Từ Thanh Mỹ (Sáu Mỹ) xúc động chia sẻ.
Sinh ra và lớn lên tại An Giang, mảnh được giàu truyền thống, lại được “tiếp lửa” từ những người thầy nhiệt huyết tham gia kháng chiến như: Viễn Phương, Bùi Đức Tâm.., từ nhỏ bà Từ Thanh Mỹ đã được bồi đắp lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng. Sau một thời gian bồi dưỡng, hướng dẫn, bà được thầy giáo giới thiệu, kết nối để bà vào chiến khu tham gia hoạt động cách mạng. Năm đó, bà mới 16 tuổi.
Năm 1961, bà được tổ chức cho học Cương lĩnh, Điều lệ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, được kết nạp đoàn viên, hăng hái vận động bạn bè và những người quen biết ủng hộ, tham gia kháng chiến. Sau đó, bà lên Sài Gòn tích cực tham gia vào phong trào học sinh, sinh viên với rất nhiều hoạt động sôi nổi chống đế quốc Mỹ và tay sai.
Năm 1964, bà được giới thiệu tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tạ Bá Tòng, Trưởng ban Trí vận - Mặt trận. Năm 1965, Tạp chí Trí Thức Mới ra đời và được in tại căn cứ. Tuy nhiên, việc vận chuyển ra đô thị gặp nhiều khó khăn, đồng chí Tạ Bá Tòng đã trực tiếp tổ chức nhà in bí mật tại địa điểm 51/10/12 đường Cao Thắng, quận 3. Từ năm 1967, nhà in Trí Thức Mới chuyển về địa điểm 159/5F đường Nguyễn Trãi, quận 5. Nơi đây không chỉ in Tạp chí Trí Thức Mới, bản tin “Sài Gòn vùng lên”… nhằm thông tin kịp thời cho các cơ sở nội thành mà còn in các Chỉ thị, Nghị quyết, Cương lĩnh và tài liệu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tài liệu học tập, truyền đơn …cung cấp các ấn phẩm cách mạng cho các đơn vị, các cơ sở cách mạng ở Sài Gòn và nhiểu tỉnh thành lân cận, trực tiếp đưa báo chí cách mạng đến với các tầng lớp nhân dân. Công việc của bà tại nhà in Trí Thức Mới vừa đánh máy vừa biên tập tin bài. Nhớ về những năm tháng hoạt động tại nhà in với muôn vàn khó khăn, bà chia sẻ: Ngày đó, bài vở chủ yếu từ chiến khu gửi về nhưng nhiều lần giao liên bị bắt vì vậy cán bộ của nhà in phải ngụy trang đi các gia đình cơ sở cách mạng tìm hiểu, lấy tin trong khi cảnh sát, mật thám dày đặc, bủa vây khắp nơi. Ban đầu là in thủ công sau đó mới in typo. Cán bộ nhà in không được đào tạo mà chủ yếu là tự học rồi lần lượt bị địch bắt. Khó khăn, nguy hiểm là thế nhưng ai cũng làm việc hăng hái, năng nổ, không biết sợ, chỉ tập trung gìn giữ nguyên tắc bí mật, ý thức cảnh giác cao để hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 15/2/1969 (29 Tết âm lịch), trong khi đang tham gia phối hợp với các lực lượng tuyên truyền vũ trang rải truyền đơn kêu gọi nhân dân Sài Gòn đấu tranh bà bị bắt ở chợ Bến Thành (Sài Gòn). Tiếp bước các cán bộ kiên trung của nhà in bí mật từng bị bắt trước đó, bà một mực giữ vững khí tiết không khai báo. Không khai thác được thông tin gì từ bà, địch giam bà vào phòng biệt giam của Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn suốt ba tháng. Trong thời gian đó, cứ vài ngày, bà lại bị lôi lên tra tấn. Chúng đổ nước vào miệng, lấy chân đạp mạnh vào ngực cho nước thốc ra rồi lại đổ tiếp. Có những đêm, chúng treo ngược bà lên rồi đánh bầm tím tay chân, đập đầu xuống nền tráng xi măng…Mỗi lần như vậy, bà như chết đi sống lại nhưng tự dặn lòng quyết không khai báo để bảo toàn cho nhà in và cho đồng đội. Điều tra một thời gian không lấy được cung, chúng đưa bà lên giam ở Thủ Đức. Tại đây, bà cùng các chị em nữ tù nhân tiếp tục đấu tranh phản đối kịch liệt việc đánh chết cán bộ cách mạng trong tù. Sau đó, bà bị đưa đến khám Chí Hòa. Tại đây, bà nghe tin Bác Hồ từ trần. Nỗi đau xót trào dâng, anh chị em trong tù mặc áo đen, xé vải mùng làm khăn chít lên đầu, hát quốc ca… truy điệu Bác. Tức giận trước hành động đó, ban đêm, cảnh sát vụt lựu đạn cay, phóng phi tiễn…rồi kéo từng người một qua các bậc tam cấp đưa xuống tàu đày đi Côn Đảo.
Ở Côn Đảo, bị giam ở chuồng cọp với chế độ “ép xác” rất hà khắc, cực hình nhưng bà vẫn không nao núng tinh thần. Năm 1970, bà bị đưa về trại giam Tân Hiệp (Đồng Nai) và đến năm 1971 lại bị đưa ra Côn Đảo lần 2. Đến đầu năm 1972, địch đưa bà trở lại Tân Hiệp. Khi biết tin quân ta chuẩn bị chiến dịch Tổng tiến công, tù chính trị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần nổi dậy. Ngày 29/4/1975, quân ta tiến từ Biên Hòa về giải phóng Sài Gòn, lính gác của trại giam bỏ chạy, bà cùng chị em trong phòng giam đã lấy chiếc cưa nhỏ được gia đình gửi giấu vào thức ăn trước đó cưa cửa sắt và được sự hỗ trợ tích cực của các tù nhân nam ở trại giam Tân Hiệp thoát ngục vượt ra ngoài.
Sau những năm tháng tù đày gian khổ, được chứng kiến ngày Sài Gòn giải phóng, được đoàn tụ với người thân, trong đó có người bạn trai đồng thời cũng là người đồng chí từng hoạt động, chiến đấu trong phong trào học sinh, sinh viên… cùng bị đày đi Côn Đảo mà cả hai đều không biết tin nhau, được nhìn thấy hòa bình trở về trên mọi miền Tổ quốc lòng bà hạnh phúc vô bờ…. Sau ngày đất nước thống nhất, bà tiếp tục gắn bó với công tác Mặt trận với các chức vụ: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận 3, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ lòng yêu nước và trái tim nhiệt thành của tuổi trẻ, bà Từ Thanh Mỹ đã dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng rồi trở thành người cán bộ Mặt trận, bị đày đọa qua nhiều nhà giam, vượt qua những lằn ranh sinh tử trong những năm tháng kháng chiến hiểm nguy, gian khổ, tận tâm, tận lực cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh, thống nhất nước nhà, sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc nhưng người phụ nữ bản lĩnh kiên cường ấy rất khiêm nhường khi nói về mình. Bởi lẽ cũng như bao người cùng thế hệ, khi Tổ quốc lâm nguy, họ đã sẵn sàng kề vai chung sức gánh vác, tự nguyện hiến dâng thanh xuân cho lý tưởng, cho hòa bình, độc lập của dân tộc đâu ai nghĩ đến bản thân mình.