Viện Goethe sẽ hợp tác cùng Nhà hát Tuổi trẻ trong một Dự án sân khấu về “Truyện Kiều” sẽ ra mắt khán giả vào tháng 10/2019.
Theo đó, 4 đạo diễn đã được mời tham gia gồm: Như Lai (Nhà hát Tuổi Trẻ), Trần Lực (đoàn kịch xã hội hóa LucTeam), Lê Quốc Nam (sân khấu kịch Hồng Vân) và nữ đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer sẽ dàn dựng mỗi người một tác phẩm có thời lượng 20-25 phút, theo một cách nhìn khác nhau được khai thác từ nguyên gốc “Truyện Kiều”.
Nàng Kiều vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của sân khấu.
20-25 phút cho một tác phẩm lớn như “Truyện Kiều” là một thách thức. Được biết, đạo diễn Như Lai (người từng diễn trong Kiều do NSND Lan Hương dàn dựng) có ý định nhờ tác giả Nguyễn Thu Phương chấp bút kịch bản với 4 chủ đề: Định mệnh, tình yêu, thân phận và tự do thông qua hình thức kịch đương đại và kịch đọc. Còn đạo diễn Lê Quốc Nam chọn việc khai thác phân đoạn Kiều trả thù những kẻ đã rắp tâm hãm hại mình, dùng thủ pháp kịch kinh dị bên cạnh sử dụng vũ đạo. Đạo diễn Trần Lực (với kịch bản của Đỗ Trí Hùng) sẽ trung thành với lối dựng kịch của Lucteam là sử dụng ngôn ngữ sân khấu ước lệ... Ngoài dự án này, năm 2019 còn là năm ghi nhận thân phận nàng Kiều trở lại trên sân khấu.
Trong đó, lần đầu tiên Kiều xuất hiện trên sân khấu kịch rối. Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa khởi công dàn dựng vở “Thân phận nàng Kiều” để chuẩn bị cho việc tham dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ tư diễn ra vào cuối tháng 10/2019. Một tác phẩm sân khấu thử nghiệm đang được chờ đợi với các mảng miếng, trò diễn múa rối.
Trước đó, tháng 6/2019, vở múa đương đại “Truyện Kiều” của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM đã ra mắt khán giả. Có thể nói đây là điểm nhấn đặc biệt về hình tượng nàng Kiều trên sân khấu trong năm 2019. Không xoáy mạnh vào thân phận bi đát của nàng Kiều như tác phẩm gốc hay các tác phẩm phái sinh khác, “Truyện Kiều” của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch nhấn mạnh vào cảm xúc. Vở múa cũng không có mặt đầy đủ các nhân vật của nguyên tác mà chỉ có sự hiện diện của Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư… Để có tác phẩm dài 1 tiếng 10 phút trình diễn trong 2 đêm, Nhà hát đã mất hơn một năm đầu tư. Biên đạo của tác phẩm này là nghệ sĩ Chun Yoo Oh người Hàn Quốc. Cô là người gần như ăn ngủ với vở diễn, “Trước khi biên đạo “Kiều”, tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần tác phẩm “Truyện Kiều” khi nó được dịch sang tiếng Hàn. Tôi gần như lúc nào cũng mang tác phẩm này bên người, mỗi ngày tôi đọc ít nhất 50 câu”. Trong vở múa, biên đạo Yoo Oh Chum đã mời tới 3 diễn viên đảm nhận vai nàng Kiều: Nghệ sĩ ballet Trần Hoàng Yến trong những màn múa thể hiện những cao trào xung đột và nội tâm phức tạp của nàng Kiều, diễn viên múa Nguyễn Thu Trang đảm nhận vai diễn thể hiện linh hồn của Kiều, còn Phan Tiểu Ly là nàng Kiều thứ ba – “tương lai của Kiều”. Đây là vở diễn được đánh giá là khá lộng lẫy của nghệ thuật đương đại.
Còn trong thời gian này một nàng Kiều khác đang được dàn dựng trên sàn tập và sẽ ra mắt khán giả vào tháng 8 tới. Đó là vở “Kiếp hồng nhan” của Nhà hát Thế giới Trẻ (TP HCM), kịch bản của tác giả Lê Chí Trung. Vở này lại chọn Hoạn Thư là một trong những nhân vật đa chiều và tạo nhiều điểm nhấn…
Thân phận nàng Kiều cho tới tận năm 2019 này vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của sân khấu. Trước đó, đã từng có dấu ấn với Kiều trên sân khấu, như năm 2012, NSND Lan Hương đã thể nghiệm tác phẩm “Nguyễn Du” với “Kiều” ở Đoàn kịch thể nghiệm - Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội. Năm 2016, “Truyện Kiều” lại được cố đạo diễn - NSND Anh Tú dàn dựng theo phong cách thể nghiệm trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam…