Đại dịch Covid-19 khởi nguồn ở Trung Quốc tháng 12/2019, nhưng phải sang tháng 1/2020, thế giới mới bắt đầu cảm nhận rõ hơn về một loại virus chết người. Với những người làm báo, đó cũng là thời điểm bắt đầu những ngày tháng rất đặc biệt...
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp rất quan trọng của báo chí. Theo Thủ tướng, sự đóng góp to lớn, trực tiếp, nhiều mặt của các cơ quan truyền thông, báo chí của nước nhà đã góp phần quan trọng vào chiến thắng trong công tác phòng, chống Covid-19, một đại dịch toàn cầu hơn 100 năm mới xuất hiện một lần.
Thủ tướng nói: “Ngành Tuyên giáo và các cơ quan báo chí, truyền thông, các giới văn nghệ sĩ của nước ta đã đóng góp rất quan trọng vào công cuộc phòng, chống dịch qua tác phẩm, những bài viết, sản phẩm mà các đồng chí đã đóng góp trong thời gian dịch dã vừa qua. Điều này là món quà quý giá để chúng ta đóng góp vào kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Tôi xin chúc mừng các đồng chí một lần nữa”- Thủ tướng chia sẻ.
Trước Tết Nguyên đán 2020, báo chí đưa tin về một virus lạ. Nhưng có lẽ hình dung rõ nét nhất về nguy cơ của một thứ dịch bệnh lại chỉ tới những ngày nghỉ Tết mới rõ ràng, Trước Tết, có vẻ còn là chuyện về một bệnh lạ ở đâu đó, thì tin tức giữa những ngày Tết càng ngày càng cho thấy không phải là chuyện thường rồi. Những ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện vào ngày cận Tết (ca đầu tiên ngày 23/1 tức 29 Tết âm lịch) do từ bên ngoài nhập cảnh vào.
Sau kỳ nghỉ Tết, trong tình hình ở Trung Quốc, Vũ Hán đã bị phong tỏa, Bắc Kinh đã thực hiện giãn cách, Việt Nam đã có những bệnh nhân người nước ngoài, việc trở lại trường học của trẻ em trở thành một nỗi hoang mang. Nghỉ học hay không, rồi có đóng cửa biên giới đường bộ với Trung Quốc hay không? là vấn đề đau đầu với các nhà lãnh đạo đất nước và báo chí cũng còn không ít phân vân về quan điểm vào thời điểm ấy.
Nhưng rồi rất nhanh virus SARS-Cov-2 đã cho thấy sự nguy hiểm kinh hoàng của nó. Nó xuất hiện ngày một nhanh, một nhiều ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc đại lục. Còn ở Vũ Hán đó là những ngày đau thương khi số người tử vong tăng cao.
Trong tình hình ấy, bạn tôi - nhà báo Bích Thuận, phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam sau kỳ về Việt Nam nghỉ Tết đã cùng các đồng nghiệp trở lại Bắc Kinh. Các chuyến bay đi Trung Quốc đã ngừng hẳn, họ phải đi bằng đường bộ qua cửa khẩu và gần như là những người cuối cùng xuất cảnh trước khi cửa khẩu biên giới Việt Nam -Trung Quốc tạm dừng xuất nhập cảnh. Những hình ảnh, bài viết Thuận gửi về từ Bắc Kinh sau đó làm bạn bè nao nao cảm giác về những phóng viên tác nghiệp thời chiến.
Và chúng tôi không hình dung được chỉ một thời gian sau đó, tình hình tác nghiệp ở Việt Nam cũng không khác gì. Khi bắt đầu xuất hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhất là kể từ khi xuất hiện bệnh nhân số 17. Và nhất là sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 15, rồi Chỉ thị 16. Nhiều cơ quan, công sở thực hiện giãn cách xã hội, có thể làm việc ở nhà. Nhưng đối với báo chí, thì chiều chuyển động là ngược lại, càng có sự kiện nóng, việc của phóng viên là lao vào điểm nóng. Là những người làm nghề, chúng tôi hiểu đằng sau mỗi bản tin thời sự, những hình ảnh nóng hổi từ bệnh viện, từ sân bay, từ khu vực cách ly… của các anh chị đồng nghiệp ở các cơ quan truyền hình, phát thanh là đồng nghĩa với việc có những nhà báo có thể cả tháng trời không về nhà.
Sau này nghe một đồng nghiệp ở VTV kể, nhiệm vụ chính trị đặt ra vào thời điểm đó là bản tin thời sự bằng mọi giá phải lên sóng đầy đủ, cập nhật kịp thời nên đã đặt ra các tình huống như nếu tòa nhà VTV có bị phong tỏa, phóng viên thời sự có người nhiễm thì bản tin thời sự vẫn phải ra đều. Ê kíp thực hiện chia ca, đội tác nghiệp hiện trường thì không được về khu vực sản xuất chương trình và có những phóng viên 3 tháng không về nhà.
Một đồng nghiệp khác của chúng tôi phụ trách một kênh truyền hình kể lúc anh tiễn nhóm phóng viên gồm 4 người vào tác nghiệp ở bệnh viện Bạch Mai thời điểm bệnh viện bị phong tỏa, cảm giác cũng khá bâng khuâng. Cả nhóm ở lại bệnh viện đúng 20 ngày, cùng cách ly với các bác sĩ.
Ở báo Đại Đoàn kết, khi có Chỉ thị 15, chúng tôi đã bắt đầu hình dung những khó khăn phía trước. Tòa soạn tạm ngừng các cuộc giao ban toàn cơ quan, nhưng các cuộc giao ban bàn nội dung mỗi buổi sáng thì vẫn giữ. Đã bắt đầu xuất hiện trường hợp có người trong cơ quan thuộc diện F2. Tờ báo giấy thì vẫn phải đảm bảo ra hàng ngày và trong dòng chảy chung của báo chí, vẫn phải đảm bảo thông tin về các điểm nóng. Những phương án dự liệu cho tình huống xấu nhất đã được tính đến, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho toàn cơ quan, ngay cả trong trường hợp có người nhiễm hoặc người bị cách ly, thì tờ báo giấy vẫn phát hành, báo điện tử vẫn được cập nhật. Ban Biên tập lên một phương án sẵn, phân công rất rõ ràng.
Phải nói rằng đó là thời điểm khó khăn với tất cả các cơ quan báo chí, nhưng với báo Đại Đoàn kết, khó khăn gấp bội. Bởi vì tờ báo vừa trải qua những thay đổi với nhân sự lãnh đạo, cả ban biên tập chỉ có một phó tổng biên tập phụ trách (nhà báo Nguyễn Quốc Khánh). Tình huống xấu nhất là trong trường hợp Phó Tổng biên tập phụ trách bị cách ly thì sao, trong cuộc họp giao ban lãnh đạo gần như là cuối cùng trước khi bước vào giai đoạn “thời chiến”, chúng tôi đặt ra câu hỏi ấy.
Ngay sau đó, một quyết định phân công đã hình thành, nếu người này bị cách ly thì người khác sẽ chịu trách nhiệm cho phần việc của người kia thế nào. Thú thực là khi ngồi họp bàn về các phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh, tôi cũng chỉ nghĩ là đó là những tình huống đặt ra như một giả thiết. Nhưng tình hình diễn biến nhanh đến mức chỉ 1 tuần sau những gì chúng tôi đặt ra đã không còn là chuyện lo xa nữa. Một tòa soạn khác đã có phóng viên bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá trình tác nghiệp. Một số tờ báo giấy bị phong tỏa, cách ly đã phải tạm dừng phát hành.
Báo Đại Đoàn kết áp dụng một cơ chế làm việc mới. Phóng viên tác nghiệp ngoài hiện trường có thể không đến cơ quan, nhiều phóng viên khác có thể làm việc tại nhà. Bộ phận hành chính trị sự chia ca trực để hạn chế thấp nhất số người phải có mặt ở cơ quan, đảm bảo đúng tinh thần giãn cách của Chỉ thị 16. Nhưng Tòa soạn thì vẫn phải duy trì, đảm bảo để mỗi sáng mai tờ báo vẫn đến tay độc giả.
Bao trùm lên, vào những ngày ấy, tôi vẫn thấy được sự không chùn bước của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên trong cơ quan. Thông tin về tiếp nhận hỗ trợ Covid-19 của Mặt trận Trung ương và Mặt trận các cấp vẫn đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Đại Đoàn kết tham gia vào định hướng dư luận, trấn an nhân dân, tin tưởng, đồng lòng cùng với Đảng, Chính phủ phòng chống đại dịch.
Chúng tôi cũng động viên kịp thời các bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang, các lực lượng khác đang ở tuyến đầu chống dịch. Phóng viên Đại Đoàn kết có mặt tại các điểm nóng như Trúc Bạch, Hạ Lôi, Bệnh viện Bạch Mai, các khu vực cách ly… Phóng viên ảnh Quang Vinh xông xáo tác nghiệp và để an toàn cho người thân cũng như các đồng nghiệp, anh gửi vợ con về quê, hàng ngày tác nghiệp xong là về nhà tự cách ly, cũng không đến cơ quan. Ban Thư ký tòa soạn giữa những ngày cả xã hội hạn chế ra đường để đảm bảo giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16 thì vẫn không một ngày bỏ vị trí, các biên tập viên và bộ phận kỹ thuật chia ca, đảm bảo công việc trôi chảy.
Có những ngày đến cơ quan để sản xuất ấn phẩm Tinh hoa Việt, ngồi một mình trên tầng 2 nhìn ra đường Bà Triệu, tôi cảm nhận rất rõ cảm giác làm báo của những ngày đặc biệt, ở tòa nhà biệt thự 3 tầng bên kia, Phó Tổng biên tập phụ trách Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng ban Thư ký tòa soạn Hà Trọng Nghĩa mỗi người ngồi một phòng. Hai anh không bỏ cơ quan ngày nào suốt cả thời gian cao điểm phòng chống dịch Covid-19.
Rồi khó khăn cũng đã qua đi…
Điều mừng nhất là tờ báo Đại Đoàn kết trong điều kiện hết sức khó khăn vẫn nỗ lực vượt qua. Tờ báo vẫn đảm bảo tốt nhất thông tin tuyên truyền góp phần tạo ra sức mạnh cùng báo chí cả nước đóng góp hết sức quan trọng trong chiến dịch phòng, chống Covid-19 như đánh giá của Thủ tướng Chính phủ. Mà hơn hết, là đảm bảo an toàn cho toàn thể mọi thành viên trong cơ quan.
Đại dịch tạm thời đã qua đi qua ở Việt Nam, nhưng đối với những người làm báo thì không bao giờ quên những ngày tháng này, những ngày tháng có cảm xúc thật đặc biệt. Dịch bệnh Covid-19 sẽ đi vào lịch sử và chúng ta đã sống những ngày lịch sử đầy đau thương của nhân loại, đồng thời cũng tự hào vì Việt Nam là quốc gia thành công trong phòng chống đại dịch. Và chúng tôi được là những chiến sĩ báo chí trong những ngày tháng vô cùng đặc biệt ấy.