Những người 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng' - Bài 2: Người gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở

Phương Liên 12/05/2021 00:00

Hơn 10 năm nay, ông Lê Đình Can, hòa giải viên tổ 16 phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, nguyên là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương vẫn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hòa giải hết vụ việc này đến vụ việc khác. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động công việc hòa giải đã để lại trong ông những ấn tượng đặc biệt cùng những kỷ niệm khó quên.

Theo hòa giải viên Lê Đình Can, quận Cầu Giấy là một trong những quận đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ nên những vướng mắc, tranh chấp liên quan đến đất đai của người dân rất nhiều. Trước đất đai chưa có giá thì không sao nhưng nay tấc đất tấc vàng, chỉ cần xê dịch một chút là xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp.

Là người vốn có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật cho nên khi ông Can tham gia công tác hòa giải ông luôn mong muốn hóa giải được những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, góp phần đưa pháp luật đến gần hơn với người dân. Hơn 10 năm tham gia tổ hòa giải với tấm lòng nhiệt huyết và sự đam mê của mình, ông Lê Đình Can chẳng ngại nắng mưa để hóa giải những mâu thuẫn, góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm, hàn gắn tình cảm anh em, vợ chồng cho biết bao gia đình.

Trước đây, ông Lê Đình Can từng giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương. Năm 2009, ông nghỉ chế độ. Tháng 5/2009, ông tham gia công tác xã hội tại phường. Hiện nay, ông là Trưởng ban tư vấn về Dân chủ pháp luật MTTQ quận Cầu Giấy, Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Trưởng ban Pháp chế HĐND, Thường trực MTTQ phường Mai Dịch.

Năm 2009, nhận chế độ nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước nhưng ông Can vẫn thấy mình vẫn nặng lòng, chưa thể nghỉ ngơi. Ông vốn quen lao động từ bé, giờ nghỉ hưu thấy chân tay buồn mỏi trong khi bản thân ông có nhiều kiến thức trong lĩnh vực pháp luật mà có thể giúp địa phương, giúp bà con nhân dân được. Nghĩ vậy nên ông Can tham gia công tác xã hội của phường để tư vấn pháp luật, hòa giải mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày của bà con nhân dân.

Gắn bó với công tác hòa giải từ năm 2010, hòa giải viên Lê Đình Can cùng các thành viên của tổ hòa giải đã hòa giải rất nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn. Đơn giản có, phức tạp có nhưng vụ việc nào ông cũng khéo léo kết hợp hài hòa giữa lý và tình.

Chia sẻ về bí quyết của những thành công đó, hòa giải viên Lê Đình Can cho biết, trên cơ sở các quy định của pháp luật, các phong tục tập quán tốt đẹp trong ứng xử, tôi tìm mọi cách giải thích cho người dân hiểu để từ đó giúp người dân có được thái độ đúng, hành động đúng. Một bài học quý nữa phải có tác phong nêu gương. Hòa giải viên có gương mẫu thì nói người ta mới tin, mới nghe, mới hòa giải được cho người ta. Từ đó, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là sau khi Luật Đất đai 2013 được Quốc hội thông qua, hòa giải viên Lê Đình Can cùng các hòa giải viên của tổ hòa giải thông qua hoạt động của mình đã thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật đến với người dân.

“Có lẽ chính nhờ cách giải quyết công việc có lý, có tình, quan tâm đến quyền lợi hợp pháp cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân như vậy mà trong quá trình đô thị hóa, nhiều trường hợp giải phóng mặt bằng ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy thời gian qua không có trường hợp nào chính quyền phải tiến hành cưỡng chế”, ông Nguyễn Đình Can chia sẻ.

Từ kinh nghiệm hơn chục năm gắn bó với “nghề” hòa giải, ông Can tổng kết, mâu thuẫn phát sinh nhiều nhất vẫn là từ những xích mích, bất hòa liên quan đến quan hệ gia đình như: vợ chồng đánh chửi nhau hay mâu thuẫn bất hòa giữa mẹ chồng và nàng dâu, mâu thuẫn giữa các gia đình với nhau liên quan tranh giành đất đai.

Ông Can tâm sự, càng gắn bó lâu ông càng thấy yêu nghề, nhưng cũng trăn trở nhiều hơn, bởi thực trạng hiện nay, khi kinh tế - xã hội càng phát triển thì những mâu thuẫn phát sinh ngày càng nhiều bởi mỗi khi chứng kiến cảnh bà con làng xóm mâu thuẫn với nhau ngay từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống khiến ông không khỏi trăn trở, tự nhủ lòng mình cần phải cố gắng dốc sức hơn nữa trong công việc đem niềm vui đến với mỗi gia đình, giữ bình yên cho xóm làng.

Với những cống hiến thầm lặng của mình, ông Lê Đình Can đã góp phần hóa giải mâu thuẫn, giữ bình yên cho khu phố, cụm dân cư, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng' - Bài 2: Người gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở