Những người 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng' - Bài 3: Người gỡ 'nút thắt' cho đời

Phương Liên 12/05/2021 09:00

Nhiệt tình, tận tậm, luôn đặt việc chung và bình yên khu phố lên trên hết, ông Nguyễn Văn Bộc, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ được bà con khu phố nể phục bởi tài hòa giải, xóa bỏ mâu thuẫn mà nhiều người từng vướng phải.

Năm 1996, sau khi nghỉ công tác, ông Bộc tham gia làm Tổ trưởng tổ dân phố, Chủ tịch Hội khuyến học, Tổ trưởng Tổ hòa giải. Không chỉ tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, ông Nguyễn Văn Bộc còn là Tổ trưởng tổ dân phố có uy tín, được bà con nhân dân trong tổ tôn trọng, tin yêu.

Đặc biệt, từ nhiều năm nay, người dân tổ dân phố số 15, khu dân cư số 6, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ luôn coi ông là “ông hòa giải” gỡ những nút thắt để hóa giải các tranh chấp, mâu thuẫn, xích mích lớn nhỏ trong tổ dân phố. Gắn bó với công tác hòa giải ở cơ sở đến nay đã được 22 năm, ông Nguyễn Văn Bộc có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc trong quá trình hòa giải, bản thân ông cũng tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về hòa giải từ việc tranh chấp đất đai, phân chia tài sản thừa kế trong gia đình, đến việc mâu thuẫn vợ chồng xin ly hôn, tranh chấp giữa các hộ liền kề khi xây dựng nhà và các sinh hoạt khác trong đời sống cộng đồng... Trong đó, có những vụ việc phức tạp, kéo dài khiến ông phải lao tâm khổ tứ đi đến vận động, hòa giải nhiều lần mới thành công.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hòa giải, ông Nguyễn Văn Bộc cho biết, khi hòa giải ông thường chọn hướng giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp uyển chuyển, dùng phương pháp ông cha ta vẫn sử dụng đó là “mưa dầm thấm lâu” đồng thời lắng nghe những lời bộc bạch từ nhiều phía khác nhau để có hướng xử lý khách quan nhất. Nhờ có sự chia sẻ chân thành, có tình có lý của ông Bộc đã mang lại hiệu quả, các mâu thuẫn tranh chấp, xích mích ở tổ dân phố đều được ông hòa giải thành công.

“Mâu thuẫn xuất phát từ nhiều yếu tố, để giải quyết hài hòa mâu thuẫn có nhiều cách. Với tôi cái tình vẫn là yếu tố cốt lõi. Tôi mong muốn nhân dân nơi mình sinh sống luôn thân thiện, đoàn kết giúp đỡ nhau, nếu có tranh chấp hãy lấy phương châm “sống dĩ hòa vi quý”, lấy hòa hiếu trong đời sống làm điều quý trọng, làm nền tảng để ứng xử với nhau”. Vì vậy, khi được Ban Công tác Mặt trận ở KDC lựa chọn, giới thiệu vào vị trí này bản thân tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc.

Ông Bộc cho rằng, muốn thuyết phục được người khác không làm sai thì trước hết bản thân, gia đình mình phải làm đúng, phải gương mẫu. Như vậy lời nói, hành động của mình mới có giá trị. Theo ông, người làm hòa giải phải công tâm, không thiên vị, kiên trì và đặc biệt phải mạnh dạn, thẳng thắn góp ý. Việc hòa giải phải được kết hợp giữa hòa giải viên với các tổ chức, chính quyền, phải có sự tham gia, phối hợp của cảnh sát khu vực của cấp ủy, các chi hội đoàn thể…

Tuy nhiên, đến nay, tuổi ông Bộc đã cao, sức đã yếu. Ông đã mấy lần xin nghỉ nhưng lãnh đạo phường cũng như người dân vẫn tín nhiệm, mong muốn ông tiếp tục tham gia cống hiến nên ông chưa được ngơi nghỉ. Trong cương vị là người làm công tác cơ sở, sát dân nhất, ông Bộc là tấm gương tận tụy, không vụ lợi. Phần thưởng cho những đóng góp của ông chính là những tấm bằng khen mà thành phố Hà Nội cũng như quận Tây Hồ đã trao tặng cho ông trong nhiều năm qua. Có lẽ đây chính là nguồn động viên, là liều thuốc tinh thần giúp ông tiếp tục cống hiến, tiếp tục hóa giải những mâu thuẫn, những khúc mắc cho đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những người 'ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng' - Bài 3: Người gỡ 'nút thắt' cho đời