Những ai đã từng tới quán cà phê Mơ Phố của Hội Bác sỹ tình nguyện tại số 54, ngách 82/15, phố Yên Lãng hẳn sẽ đặc biệt nhớ tới ban nhạc biểu diễn tại đây. Họ là những người không nhìn rõ được từng phím đàn nhưng luôn chơi đàn và cất lên tiếng hát bằng cả trái tim.
Từ tháng 3/2017, Ban nhạc Mơ Phố đã đồng hành cùng Hội bác sỹ tình nguyện (Hội BSTN), tham gia gây quỹ cho các chương trình chung sức vì sức khỏe cộng đồng của Hội BSTN. Qua hơn 4 năm hoạt động, ban nhạc của những nghệ sĩ Mơ Phố đã vượt rất nhiều chặng đường xa xôi đến với các vùng quê nghèo khó ở Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Mỗi chuyến đi là một lần các anh được cống hiến và cháy hết mình cho âm nhạc, cho đam mê cuộc đời mình.
Anh Quốc Hoàn, người chơi guitar và đàn bầu trong Ban nhạc Mơ Phố, cho biết: “Cảm xúc được đứng trước mọi người, đặc biệt là người dân miền núi nó khác lắm. Mình hạnh phúc khi được góp sức mình cho các hoạt động tình nguyện, được giúp đỡ mọi người. Khi ấy chỉ có mình và âm nhạc, hòa vào với niềm vui chung và tinh thần phấn khởi của tất cả mọi người”.
Hơn 1 năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ban nhạc khó tập hợp được đầy đủ. Ở Hà Nội hiện tại, chỉ có anh Nguyễn Văn Linh và anh Quốc Hoàn còn thường xuyên qua chơi nhạc và dạy học ở Mơ Phố. Các thành viên còn lại ở xa và do điều kiện dịch bệnh nên thi thoảng với ghé qua.
Anh Nguyễn Văn Linh, người chơi sáo trúc của ban nhạc, chia sẻ, mỗi tối được đến quán cà phê Mơ Phố biểu diễn là một niềm vui lớn. Anh bộc bạch: “Dù bản thân tôi khiếm khuyết, nhưng tôi cảm thấy mình vẫn vô cùng may mắn vì có thể theo đuổi ước mơ âm nhạc. Đó là động lực sống, là tình yêu và là niềm tự hào mà mình có”.
Trong Chương trình Điều ước số 7 số 207, anh Linh đã từng chia sẻ rất mộc mạc rằng: “Mọi người sống và cảm nhận những điều xung quanh bằng hình ảnh, bằng những âm thanh, bằng niềm vui và cảm xúc, còn người như tôi thì tất cả được lưu lại trong ký ức. Những người bình thường có hình ảnh, nhưng tôi thì cũng có hình ảnh nhưng là hình ảnh do mình tưởng tượng thôi. Mọi hình ảnh, sự vật mình chỉ cảm nhận bằng đôi tai, cảm nhận bằng mùi hương”.
Có lẽ khi tạo hóa lấy đi của ta đôi mắt, đổi lại chắc chắn ta sẽ có một đôi tai nhạy cảm. Đôi tai ấy giống như một cánh cửa giúp người nghệ sĩ có thể chạm vào từng nốt nhạc, từng giai điệu cuộc đời.
Khi mới đến với Mơ Phố, có nhiều người thắc mắc, tại sao ban nhạc chủ yếu chọn hát và chơi những bản nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nói về điều này, anh Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hội trưởng Hội BSTN, cho biết: “Nhạc Trịnh là dòng nhạc tôi rất yêu thích, cũng là một thể loại âm nhạc đặc biệt, mang dấu ấn riêng. Các nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn gửi gắm thông điệp về tình yêu con người, đề cao lòng nhân ái. Đó cũng là mục đích mà Mơ Phố và Hội bác sĩ tình nguyện hướng tới, chung sức vì sức khỏe cộng đồng, lan tỏa lòng nhân ái đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Năm nay, dù dịch Covid-19 hạn chế nhiều hoạt động của Hội BSTN nói chung, và Ban nhạc Mơ phố nói riêng, nhưng có một tin vui: Album độc tấu một số tác phẩm chọn lọc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được thực hiện và sẽ ra mắt vào ngày 27/11 tới. Người yêu nhạc Trịnh sẽ được đón nghe những bản độc tấu bằng sáo trúc và đàn bầu các tác phẩm nổi tiếng như: Đóa hoa vô thường, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Ướt mi… Album là thông điệp mà Ban nhạc Mơ Phố và Hội BSTN muốn gửi gắm: Những điều nhỏ bé trong đời khi góp lại sẽ lan tỏa một sự ấm áp lớn lao!