Các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế được xem như “cánh tay nối dài” của chính quyền, góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn miền núi, vùng biên giới.
Những năm gần đây, huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước chuyển mình vươn lên về mọi mặt. Đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ngày một được nâng lên. Có được kết quả này có phần đóng góp của các già làng, trưởng bản, người có uy tín.
Già làng Quỳnh Rêh (bản A Đeeng Par Lieng 2, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới) cho biết, năm 2005, khi tuyến đường Hồ Chí Minh qua xã Bắc Sơn hoàn thành, ông đã bàn bạc với những người thân trong gia đình tự nguyện hiến một phần đất của gia đình để mở con đường dài 700m, rộng 2,5m nối từ đường Trường Sơn vào khu dân cư để bà con đi lại thuận tiện. Không chỉ hiến đất mở đường, già làng Quỳnh Rêh còn tự nguyện hiến luôn khu đất trồng cây keo của gia đình để xây trường học mẫu giáo.
Hỏi lý do cùng con cháu hiến gần 1ha đất canh tác để xây trường mẫu giáo, già làng Quỳnh Rêh nói việc mình và các con cháu bớt một ít đất để làm trường học cho con trẻ thì không có gì tiếc. “Mình cũng sống trong thôn này mà. Thôn đẹp và văn minh, mình thấy sướng con mắt, vui cái bụng là thỏa mãn rồi” - già Quỳnh Rêh nói.
Ngoài ra, già làng Quỳnh Rêh còn là người nhiệt thành truyền đạt kiến thức, dạy dỗ thế hệ sau, nhất là con cháu trong gia đình trở thành những cán bộ, đảng viên gương mẫu.
Huyện A Lưới có hơn 80% dân số là đồng bào các DTTS. Đây là địa phương có số hộ nghèo cao nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế. Những năm gần đây, với sự nỗ lực trong lao động, sản xuất, người dân ở các làng, bản thuộc các xã miền núi huyện A Lưới đã và đang hồi sinh, biến những đồi núi “trọc” thành những cánh rừng trồng xanh tốt.
Đặc biệt, được sự hướng dẫn, động viên của lãnh đạo chính quyền địa phương cùng các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, nhiều hộ dân ở vùng miền núi nơi đây đã từng bước thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế.
Già làng Hồ Văn Hạnh (trú xã Hồng Trung, huyện A Lưới) cho biết, ngoài công tác tuyên truyền, già cùng với các cán bộ trong bản và chính quyền địa phương thường xuyên hướng dẫn bà con làm những công việc cụ thể, cố gắng lao động tạo ra được của cải để chăm lo cho cuộc sống gia đình và từng bước thoát nghèo. Bản thân già làng Hạnh luôn tích cực đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, vận động bà con từ bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, giúp người dân địa phương từng bước thoát nghèo, xây dựng quê hương no ấm.
Những năm qua, cùng với Bộ đội biên phòng, Công an… nhiều người dân ở huyện miền núi A Lưới là già làng, trưởng bản, người có uy tín đã trở thành nòng cốt trong công tác xây dựng quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, các già làng, người có uy tín tiêu biểu tại địa phương chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Kô, Tà Ôi, Pa Hy, Vân Kiều, không chỉ phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân mà còn làm tốt công tác tuyên truyền, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với nhân dân. Tiếng nói của các già làng, người có uy tín như cán cân để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng. Già làng nói - dân bản nghe, già làng làm - dân bản làm theo. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các già làng, trưởng bản đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, các trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn tỉnh là những người gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào của địa phương, là người “giữ lửa” ở các thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố; là những tuyên truyền viên tích cực trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS đã góp phần vào việc ổn định tình hình an ninh nông thôn và phát triển kinh tế, xã hội ở địa bàn miền núi, vùng biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế.