Xã hội

Những nhịp cầu nối tình đoàn kết - Bài 2: Một hành trình ấm áp yêu thương

Tú Uyên-Thanh Tiến 06/03/2024 08:55

“Bao năm đi vận động xây cầu, phần thưởng, sự vinh danh lớn nhất tôi nhận được chính là tình yêu thương của bà con” - ông Nguyễn Hải Quân - nguyên Trưởng ban Dân vận, nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh Đồng Tháp mở đầu câu chuyện về hành trình hơn 10 năm cùng Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp nối hơn 1.500 nhịp cầu yêu thương ở những vùng quê khó khăn tại miền Tây.

anh-to.jpg
Ông Nguyễn Hải Quân (phải) trong ngày khánh thành cây cầu Hy vọng 255 ở ấp Tân Bình, xã Phong Hòa (huyện Lai Vung, Đồng Tháp): Tú Uyên.

Phải hẹn rất nhiều lần mới gặp được ông, cũng bởi vì chúng tôi là phóng viên của tờ báo Mặt trận, chứ trước nay, ông Hải Quân vốn rất ít khi muốn kể về thành tích của mình.

anh-nho(2).jpg
Ông Nguyễn Hải Quân. Ảnh: Thanh Tiến.

Duyên nợ với những cây cầu

“Hơn 10 năm đi vận động xây cầu, chuyện thì nhiều lắm, nhưng trước tiên tôi muốn nói là mình có duyên với những cây cầu. Thời điểm là Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp, năm 1988, Báo Tiền Phong ủng hộ cứu trợ lũ lụt 5 triệu đồng, tương đương 3 cây vàng. Lúc đó, Tỉnh Đoàn đặt tại Sa Đéc, không bị lũ lụt nặng như các khu vực khác nên tôi bàn với Tỉnh Đoàn dùng số tiền đó xây cầu. Tôi nói với Bí thư và Phó Bí thư Huyện Đoàn Châu Thành khảo sát và vận động thêm kinh phí để bắc 2 cây cầu gỗ - đó là công trình chào mừng ngày thành lập Đoàn 26/3/1989” - ông Hải Quân nhớ.

Ngày đó, ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Đồng Tháp còn rất nhiều cầu khỉ nên việc đi lại của người dân gặp vô vàn khó khăn. Sau thành công của 2 cây cầu gỗ đầu tiên, ông Hải Quân cùng Tỉnh Đoàn Đồng Tháp quyết tâm phải xây dựng thêm nhiều cây cầu nữa bởi bà con mình ở nhiều vùng đi lại còn khó khăn quá.

“Sau khi bắc được 2 cây cầu này, tụi tôi làm khẩu hiệu “Xóa cầu khỉ - giảm cầu vĩ - tăng cầu ván”. Tôi tìm lên tận các lâm trường ở Đắk Lắk mua gỗ căm xe, gỗ cà chít để bắc cầu cho bền. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thời đó nói với tôi, anh ráng thêm một vế nữa trong khẩu hiệu là “Xóa cầu khỉ - giảm cầu vĩ - tăng cầu ván - ráng cầu xây” - ông Hải Quân kể và bảo rằng, ông Long nói rất đúng, rất trúng.

Và ông đã ráng nỗ lực từ ngày đó đến nay. Trong suốt quá trình công tác từ Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số tỉnh, Bí thư Huyện ủy rồi đến Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp cho đến ngày nghỉ hưu, ông Nguyễn Hải Quân luôn canh cánh trong lòng về món nợ xây cầu cho người dân những vùng còn khó khăn.

Thế rồi, cũng là cái duyên. “Về hưu, tôi trị bệnh hết 2 năm. Sau đó, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp Nguyễn Văn Cống qua nhà vận động thành lập Hội Cầu đường, ông Cống làm Phó Chủ tịch, tôi làm Chủ tịch. Thấy đây chính là cơ hội để mình thực hiện món nợ năm xưa nên tôi nhận lời luôn. Những ngày đầu tiên đi vận động làm cầu cũng gặp không ít khó khăn. Thế rồi cây đầu tiên, cây thứ hai, thứ ba... Niềm vui cứ nối niềm vui, lan tỏa từ địa phương này sang địa phương khác. Càng làm tôi càng thấy ham, đến quên cả ăn, quên cả bệnh” - ông cười.

Những tấm lòng hào hiệp và số cầu kỷ lục

Đồng Tháp có hơn 2.200 cầu nông thôn, nhưng có đến 1.600 cây cầu cần được xây mới vì đã xuống cấp lắm rồi. Và hơn 10 năm qua, ông Hải Quân cùng những người trong Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường miệt mài đi vận động, kết nối rất nhiều tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước. Hơn 1.500 cây cầu với tổng kinh phí vận động lên đến khoảng 1.000 tỷ đồng.

1.500 cây cầu là con số thực, cũng là tình cảm, tấm lòng hào hiệp không thể đong đếm của rất nhiều người muốn chung tay cùng Nhà nước, bắc những nhịp cầu đoàn kết, yêu thương. Vậy làm sao có thể tạo được niềm tin để ông và các thành viên trong Hội vận động được một tiền lớn như vậy? Tôi hỏi ông.

Ông Hải Quân cười bảo, đó cũng là câu hỏi mà nhiều người đã hỏi. Khoảng 1.000 tỷ đồng, một con số quá lớn. Ai cũng bảo, sao các ông có thể đi vận động được nhiều như vậy? Tôi nói, anh em tôi làm bằng cái tâm và chữ tín. Tâm thì mình làm hết sức, hết lòng vì bà con. Còn chữ tín chính là sự minh bạch, rõ ràng, trân trọng từng đồng tiền đi vận động. Có như vậy mới tạo được niềm tin, sự lan tỏa.

“Mà những cây cầu chính là bằng chứng thật nhất, nó thay mọi lời nói. Có những cây cầu bắc xong dư gần 200 triệu đồng, chúng tôi báo cáo công khai và xin phép nhà tài trợ sử dụng số tiền đó cùng số tiền kêu gọi vận động thêm để bắc những cầu khác. Khi nhà tài trợ đồng ý, chúng tôi mới làm” - ông Hải Quân chia sẻ.

Thêm một điều nữa mà các mạnh thường quân tin tưởng và gửi gắm tới Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp đó chính là chất lượng và trị giá số tiền xây mỗi cây cầu.

Ví dụ một cây cầu xuống cấp, người dân khi lưu thông vô cùng nguy hiểm. Địa phương lập dự toán xây mới hết khoảng 5 tỷ đồng, tuy nhiên Nhà nước chưa có kinh phí. Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường đã đi vận động tài trợ xây cầu này, thi công xong chưa hết 1 tỷ đồng.

“Sở dĩ giá thành cầu thấp hơn nhiều là do Hội tiết kiệm được nhiều chi phí. Ví như chi phí lập dự toán, chi phí nhân công hầu như không tốn đồng nào vì đa phần bà con làm thiện nguyện” - ông Hải Quân giải thích.

Một điều khá thú vị là hầu hết các cây cầu từ thiện ở Đồng Tháp có bề ngang trên 3,5m để xe tải nhỏ và ôtô 16 chỗ có thể tránh được xe máy trên cầu, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Để làm được điều này, cũng là do sự uyển chuyển, khéo léo của những người vận động xây cầu từ thiện, đặc biệt, ông Hải Quân lại là người Mặt trận, có rất nhiều kinh nghiệm.

“Khi mọi người đi vận động, nhiều nhà tài trợ nói họ chỉ bắc cầu cho xe máy đi thôi. Tôi nói làm vậy là tội lắm. Họ thắc mắc là đã tài trợ bắc cầu làm phước sao có tội. Tôi mới giải thích, nếu bắc cầu nhỏ quá, người ta mua bán, vận chuyển hàng hoá không được. Thứ hai, cầu nhỏ quá, khi xe lưu thông dễ va quệt, gây tai nạn. Rồi chúng tôi thuyết phục họ tài trợ thêm hoặc để Hội vận động nguồn tài trợ khác hùn vào bắc cầu lớn hơn. Nghe hợp tình, hợp lý nên đa phần các nhà hảo tâm đồng tình” - ông Hải Quân nói.

Cái được nhiều nhất là dân thương

Khi được hỏi về những vui buồn trong suốt hành trình hơn 10 năm vận động xây cầu thiện nguyện, ông Hải Quân cười bảo, cái được nhiều nhất trong chính là được dân thương, thứ hai là thấy bà con ngày thêm đoàn kết, gắn bó hơn.

“Tôi cứ nhớ mãi lúc bắc được cây cầu giáp ranh giữa 2 xã Phú Cường (huyện Tam Nông) và xã Bình Tấn (huyện Thanh Bình), ngày thông xe, mười mấy hộ dân 2 bên đầu cầu không ai hẹn ai, mỗi người làm một món ăn. Cái bàn tròn mà họ để đồ ăn lên nhiều đến mức không còn chỗ để chén đũa. Trong bữa ăn, có người chạy lại nói với tôi, chú ơi, bắc cây cầu xong dưa hấu lãi liền 400 đồng/kg. Tôi nghe xong, tự nhiên nước mắt rơi” - ông Hải Quân kể.

Ở xã Phú Cường và Bình Tấn, trước khi chưa có cầu, mỗi khi thu hoạch người dân phải chở dưa ra bờ kênh rồi đưa xuống ghe. Cứ một người trên bờ tung trái dưa cho người đứng dưới đỡ. Người nào bắt dưa giỏi thì hao hụt 5%, 100 trái rớt bể 5 trái. Còn trung bình sẽ hao hụt nhiều hơn. Chưa hết, khi đưa ghe dưa hấu qua bờ kênh phải chuyền dưa hấu lên bờ. Người đứng trên bờ chụp lại hao hụt thêm 5% nữa.

Bởi vậy mới thấy, mỗi cây cầu bắc xong nó chở theo rất nhiều niềm vui và hạnh phúc. Hạnh phúc của người đi làm thiện nguyện và hạnh phúc của những người đang ngày ngày chạy xe bon bon trên những cây cầu bê tông vững chãi.

Có người nói cần đề nghị tuyên dương Anh hùng cho ông Nguyễn Hải Quân. Ông biết được đã lập tức xin từ chối. Bởi với ông, phần thưởng lớn nhất chính là tình thương yêu của người dân, là nhìn thấy đời sống bà con ngày càng đổi thay.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan Văn Thắng cho biết, lãnh đạo tỉnh đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực và kết quả đạt được trong thời gian qua của Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Đồng Tháp trong xây dựng cầu, đường nông thôn. Bên cạnh xây dựng cầu, đường, Hội còn góp phần tích cực trong việc tạo sự gắn kết cộng đồng khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những nhịp cầu nối tình đoàn kết - Bài 2: Một hành trình ấm áp yêu thương