Tuy bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch gây ra, năm 2021 vẫn chứng kiến hàng loạt bí ẩn được “vén màn" mang tính thuận lợi đối giới khảo cổ học. Cùng nhìn lại 4 trong số phát hiện lớn nhất trong năm nay, một trong số đó là nhân tố có thể “thay đổi lịch sử”.
Người Neanderthal mang những đặc điểm giống con người hơn chúng ta từng nhận định
Tiến sĩ Rebecca Wragg Sykes, một nhà khảo cổ học chuyên nghiên cứu về người Neanderthal, chi Người có họ hàng gần với người hiện đại, đã tuyệt chủng khoảng 40.000 năm trước.
Cô công bố phát hiện của mình liên quan đến dấu chân người Neanderthal có niên đại 100.000 năm tuổi trên một khu vực ven biển của bán đảo Iberia (Tây Ban Nha), thông qua một bài báo được xuất bản vào tháng 4 năm ngoái trên tạp chí Scientific Reports.
Mặc dù đây không phải là dấu chân người Neanderthal đầu tiên được tìm thấy, nhưng chúng vô cùng đặc biệt.
Wragg Sykes cho biết: “Điều khiến phát hiện này trở nên độc nhất là bởi đó là dấu chân của một nhóm người - độ tuổi hỗn hợp, bao gồm cả trẻ em, một số có tuổi đời còn khá trẻ.
Đây là chìa khóa giải đáp cho một giả định phổ biến, tin rằng người Neanderthal kiếm ăn một mình, người lớn tách đàn để tìm thức ăn cho con cái.
Thay vào đó, với khám phá trên, việc săn bắn và hái lượm là hoạt động mang tính tập thể và liên thế hệ.
Đáng chú ý, bài báo cũng lưu ý rằng một số dấu chân của trẻ em được "chụm lại trong một sắp xếp không có trật tự", như thể chúng đang chơi đùa với nhau.
Wragg Sykes chia sẻ: “Đó là một góc nhìn bị che khuất về cuộc sống của người Neanderthal mà chúng ta không thường xuyên được nhìn thấy” và thêm rằng khám phá này giúp mang lại cảm giác về một nền văn minh không cách xa quá nhiều so với người hiện đại.
Những người phụ nữ quyền lực thời Tây Ban Nha cổ đại
Tiến sĩ Brenna Hasset, một nhà khảo cổ học sinh học, mô tả công việc của mình phần lớn là hấp dẫn và thú vị, tuy nhiên cũng hơi “rùng rợn”.
"Công việc của tôi về cơ bản là khai quật những người đã chết. Do đó, tôi nghiên cứu về cuộc sống của họ trong quá khứ, nhằm tìm hiểu về cuộc sống của họ khi còn trên cõi đời, cũng như nguyên nhân dẫn đến cái chết".
Năm nay, Hasset tỏ ra vô cùng phấn khích trước bài báo được đăng tải trên tạp chí Antiquity về một lăng mộ 3.700 năm tuổi được tìm thấy ở Tây Ban Nha. Một ngôi mộ tại khu vực này chứa hài cốt của một cặp nam nữ, cùng với một số đồ đạc cá nhân.
Đáng chú ý, các nhà khai quật tìm thấy hài cốt của người phụ nữ được trang trí bằng một số đồ vật quý giá, chẳng hạn như vòng tay, vòng cổ, và một chiếc vương miện bằng bạc.
Hasset nhận định, điều này giúp chúng ta có cái nhìn khái quát hơn về về vai trò của một cá nhân nào đó trong xã hội thông qua những vật dụng được chôn cất theo họ.
Sự hiện diện của những đồ vật quý giá như vậy cho thấy, người phụ nữ có địa vị xã hội cao, thậm chí có thể là quyền lực chính trị.
Hasset chia sẻ: “Bấy lâu nay, chúng ta luôn nghĩ rằng xã hội được điều hành bởi đấng mày râu, nhưng những vật dụng quý giá kia đã chứng minh điều ngược lại - một dạng quyền lực ở cánh phụ nữ”.
Voi ma mút 1 triệu năm tuổi
Tiến sĩ Victoria Herridge là một nhà cổ sinh vật học chuyên về các loài voi cổ đại. Cô đã chia sẻ báo cáo của mình về việc thành công giải trình tự DNA lấy từ răng của voi ma mút được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia, thông qua một bài báo được xuất bản trên tạp chí Nature vào tháng 2 năm ngoái.
ADN hơn một triệu năm tuổi này là ADN cổ nhất từng được giải trình tự thành công. Khám phá này đã “phá vỡ" giả thuyết cho rằng chỉ có một loài voi ma mút ở Siberia vào thời điểm đó.
Đối với Herridge, đó là độ tuổi của ADN loài voi ma mút trên khiến cô thích thú nhất, cho thấy ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng đối với cổ sinh vật học, khảo cổ học và một số lĩnh vực liên quan.
Cô chỉ ra rằng, mặc dù điều kiện lạnh giá của lớp băng vĩnh cửu đã giúp bảo tồn ADN, nhưng độ tuổi tuyệt đối của các mẫu vẫn mang tính đột phá.
Herridge cũng ghi nhận công lao của một trong những đồng tác giả bài báo, Patrícia Pečnerová, người có kỹ thuật sử dụng phòng thí nghiệm đã giúp cho việc giải trình tự ADN diễn ra được như ý.
"Tôi nghĩ, phát hiện này chứng minh cho ta thấy, không điều gì là không thể. Và vì vậy, có lẽ chúng ta không nên phớt lờ những thành quả và nỗ lực về công việc phòng thí nghiệm và phát triển kỹ thuật tối ưu trong nghiên cứu”.
Phương thức bảo quản những giá trị lịch sử cổ đại
Tiến sĩ Suzanne Pilaar Birch là Phó Giáo sư khảo cổ học và địa lý tại Đại học Georgia ở Athens. Cô đã giới thiệu một phân tích mới về dấu chân cổ đại được phát hiện vào những năm 1970 ở Tanzania, thông qua một bài báo được xuất bản gần đây trên tạp chí Nature.
Các nhà nghiên cứu đã quay trở lại địa điểm đó và sau khi kiểm tra lại, họ xác định rằng các dấu vết trên thuộc về một loài Tông Người - một tông trong Phân họ Người chỉ bao gồm các loài người, tinh tinh cùng các tổ tiên đã tuyệt chủng của chúng - không phải một loài động vật như gấu, như người ta vẫn nghĩ trước đây.
Được ước tính có niên đại lên tới 3,6 triệu năm tuổi, đây là bằng chứng lâu đời nhất về sự vận động hai chân của tổ tiên loài người.
Nell Greenfieldboyce của NPR đã đề cập đến những phát hiện này vào đầu tháng 12. Tuy nhiên, bà Pilaar Birch nhấn mạnh, vấn đề mấu chốt không phải ở những phát hiện phi thường về dấu chân cổ đại, mà là tìm ra nhu cầu bảo quản các giá trị khảo cổ của chúng ta một cách tốt hơn.
Pilaar Birch cho biết, chúng ta cần phải nâng cao quy trình bảo quản lâu dài các tài sản khảo cổ và quản lý hồ sơ. Trong bối cảnh nhiều tổ chức đang gặp khó khăn về kinh phí, bà cho biết, một phong trào vừa được thành lập để thay đổi điều đó, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu trữ và tổng hợp dữ liệu.
"Đó chắc chắn là một lĩnh vực mà chúng tôi nhận thấy có nhiều tiến bộ và Quỹ Khoa học Quốc gia rất sẵn lòng ủng hộ và tài trợ cho các sáng kiến dữ liệu mới”, bà Birch cho biết.