Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, các DN ngành này cần quan tâm đến vấn đề truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu.
Đó là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn Nông nghiệp bền vững Việt Nam-Châu Âu với chủ đề “Nông nghiệp 4.0: Tiềm năng tiếp cận thị trường châu Âu”. Sự kiện do EuroCham, VCCI, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đồng tổ chức sáng 19/9 tại Hà Nội.
Việt Nam được dự đoán là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất tại các thị trường ở EU nhờ vào Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) bởi thuế giảm sẽ làm tăng nhu cầu và đẩy mạnh xuất khẩu. Song, EU cũng là một thị trường khắt khe, khó tính, có tiêu chuẩn rất cao về nhập khẩu thực phẩm. Do đó, các DN Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị rất kỹ càng để có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe đó.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch EuroCham, ông Ywert Visser nêu quan điểm: Liên minh châu Âu có tiêu chuẩn rất cao về nhập khẩu thực phẩm, vì vậy, việc các doanh nghiệp châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam kết hợp với nhau để học hỏi và giúp phát triển một ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới tại Việt Nam với các sản phẩm an toàn, có chứng nhận xuất xứ… là điều cần thiết.
Nêu lên một thực trạng khiến cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam thường bị các thị trường thế giới “cảnh giác” đó là câu chuyện về tồn dư hóa chất, ông Vincent Gothknecht, Trưởng đại diện I.Schroeder KG cho rằng, thủy sản, nông sản của Việt Nam đã từng bị châu Âu trả về chỉ vì không đảm bảo được độ an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, khi mà nhiều lô hàng thủy sản bị phát hiện có tồn dư hóa chất cao.
“Xuất khẩu sang một thị trường khắt khe như châu Âu, tất cả những yếu tố liên quan đến hóa chất, dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép…đều phải được loại bỏ. Các DN Việt Nam phải hướng đến sản xuất xanh, sạch, phải tuân thủ các quy định từ phía nhà nhập khẩu, khi tuân thủ và được các đối tác nhập khẩu lớn tiếp nhận thì sẽ không khó để có thể tiếp cận với các đối tác nhỏ và vừa khác” - ông Vincent Gothknecht chia sẻ quan điểm.
Tiếp tục nhấn mạnh về cơ hội của nông sản khi EVFTA được ký kết, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ làm thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường; đồng thời thu hút đầu tư trong nước vào nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên bà Trang cũng chỉ ra những điểm yếu mà ngành nông sản nước nhà cần khắc phục, bởi để có thể chinh phục được thị trường châu Âu, không phải là điều đơn giản. “EU là thị trường khó tính, các sản phẩm xuất khẩu phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Những mặt hàng nông sản Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản… sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường châu Âu. Với gạo, người tiêu dùng ở lục địa này đã quen với gạo Thái Lan, Campuchia…, nên gạo Việt Nam phải cạnh tranh rất nhiều” – bà Trang chỉ rõ.
Tại Diễn đàn, nhấn mạnh đến việc xây dựng thương hiệu, ông Vincent Mourou Rochebois, Tổng giám đốc Công ty Chocolate Marou cho rằng, thương hiệu là yếu tố quan trọng nhất. Khi xây dựng được thương hiệu có nghĩa là DN đã đảm bảo được các yếu tố về chất lượng, xuất xứ, truy xuất nguồn gốc… đối với sản phẩm của mình.
Vị chủ DN nhấn mạnh: Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình, cần một thời gian dài chứ không chỉ là đặt một cái tên hay, hay một hình ảnh đẹp. Nó cần sự đầu tư về thời gian, trí tuệ, công sức, uy tín của DN. Có thương hiệu, DN sẽ dễ dàng tiếp cận với nhiều thị trường, không chỉ riêng thị trường châu Âu.