Sau khi dần được hoàn thiện trong năm 2016, tòa tháp MahaNakhon cao 314 m được mệnh danh là tòa nhà cao nhất ở đất nước Thái Lan. Đưa ra không gian để mở khu trung tâm mua sắm hạng sang và các văn phòng cho thuê đắt đỏ nhất ở thủ đô Bangkok, tòa tháp từng có thời là biểu tượng của một thành phố đang trỗi dậy.
Tòa tháp Sathorn Unique Tower, nằm giữa thủ đô Bangkok, bị bỏ hoang kể từ lúc gần hoàn thiện vào năm 1997. (Nguồn: AP).
Thế nhưng trong bối cảnh bùng nổ ngành xây dựng ở thủ đô Bangkok, nhiều tòa nhà cao tầng ở thành phố này bị bỏ hoang và giờ chỉ còn trơ lại phần khung xương, và tòa tháp MahaNakhon cũng không phải ngoại lệ. Những tòa nhà chọc trời này đến nay vẫn trụ vững, được xem là tượng đài của một thời kỳ sụp đổ kinh tế ở Thái Lan.
Chỉ cách tòa tháp MahaNakhon khoảng 20 phút lái xe, một tòa nhà chọc trời khác có tên Sathorn Unique Tower cũng trong tình trạng bị bỏ hoang suốt gần 2 thập kỷ qua. Những bức tường của tòa tháp giờ phủ đầy rêu phong và nghiêng ngả theo thời gian.
Cũ kỹ và hoang tàn
Những tòa tháp "ma" của thủ đô Bangkok đã trở thành một địa điểm nổi tiếng thu hút nhiều nhiếp ảnh gia. Một trong những số này là nhiếp ảnh gia Dax Ward, người đã ghi lại hình ảnh của khoảng 20 địa điểm bị bỏ hoang như vậy trên khắp lãnh thổ Thái Lan. Những bức hình mà nhiếp ảnh gia người Mỹ này ghi lại đã hình thành nên một bộ sưu tập mà anh gọi là "Vùng đất lãng quên".
"Tôi chưa từng cảm thấy khó tả hơn thế này" - Ward mô tả về những tòa tháp bỏ hoang - "Điều tôi tự hỏi khi nhìn ngắm chúng là tại sao những khoảng không gian rộng lớn như vậy lại bị bỏ hoang ngay giữa trung tâm của một đô thị sôi động như Bangkok".
Các tòa nhà chọc trời bị bỏ hoang của Bangkok cũng thu hút rất nhiều các nhà khám phá đô thị và cả giới trẻ ưa thích khám phá. Vẻ kỳ quái của của tòa tháp Sathorn Unique Tower cũng khiến nó trở nên hết sức nổi tiếng do được lấy làm bối cảnh thực hiện các bộ phim truyền hình. Giới trẻ Bangkok đã đổ xô đến đây sau khi bộ phim kinh dị có tên "The Promise" công chiếu hồi tháng 9 năm nay lấy bối cảnh tòa tháp bị bỏ hoang.
"Nền văn hóa ở địa phương đóng vai trò trong việc khơi dậy sự hứng thú khám phá những nơi bị bỏ hoang như vậy. Nó được lấy bối cảnh cho các bộ phim và show truyền hình về thảm họa hoặc kinh dị trong suốt 1 thập kỷ qua" - Ward nói.
Tượng đài của khủng hoảng
Trước đây, với địa điểm nằm ở khu vực trung tâm và có tầm nhìn đẹp thẳng ra con sông Chao Phraya, tòa tháp 47 tầng Sathorn Unique Tower từng được xây dựng để cung cấp 600 đơn vị nhà ở cho người dân, cùng với các khu mua sắm, thương mại ở các tầng thấp.
Nhưng vào năm 1997, nền kinh tế Thái Lan bắt đầu chững lại sau nhiều năm có đà tăng trưởng cao. Được biết đến với cái tên cuộc khủng hoảng "Tom Yum Kung", sự dụp đổ của đồng Baht của nước này đã gây ra tình trạng bất ổn tài chính sâu rộng ở nhiều phần của khu vực châu Á.
Trong bối cảnh hàng loạt công ty phá sản, thất nghiệp gia tăng, rất nhiều tòa nhà cao tầng trên khắp đất nước Thái Lan buộc phải tạm ngừng do các nhà đầu tư cạn vốn.
"Tòa tháp này đã hoàn thiện được khoảng 85-90%" - chủ sở hữu tháp Sathorn Unique Tower, ông Pansit Torsuwan, nói - "Chúng tôi đã lắp đặt xong hệ thống thang cuốn, thang máy và trang bị xong hết nhiều phòng của trong tòa tháp này".
Trong khi đang phải đối mặt với một vụ tranh chấp pháp lý kéo dài, tương lai của tòa tháp này hiện vẫn còn rất mập mờ. Ông Torsuwan nói rằng giờ khu vực tòa tháp này đang được rao bán, bởi ông muốn bù lại một phần nào đó khoản tiền thất thoát khổng lồ bằng cách cho phép các công ty khác thực hiện chiến dịch quảng bá cho nó.
Đợt bùng nổ mới
Hiện nay, khi đợt bùng nổ ngành xây dựng lại xuất hiện ở Thái Lan một lần nữa, một số dự án nhà cao tầng còn dang dở ở Bangkok là điều nhắc nhở cho nhiều người nhớ về cuộc khủng hoảng năm xưa.
"Thậm chí trong thời điểm hiện tại, Thái Lan vẫn còn hàng loạt các dự án bị bỏ dở, một di sản của đợt bùng nổ xây dựng trước đây" - Tim Leelahaphan, nhà kinh tế hoạc thuộc Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, nhận định - "Xây dựng hiện đã hạ nhiệt, nhưng nó bắt đầu phục hồi khi nền kinh tế Thái Lan chuyển hướng tập trung vào xuất khẩu, dịch vụ và chế tạo".
Sinn Phonghanyudh, giám đốc quản lý của công ty kiến trúc Plan Architect có trụ sở ở Bangkok, nhận định rằng sẽ cần thời gian để xem liệu các nhà phát triển đô thị có học được bài học từ quá khứ hay không.
"Có thể sẽ có thêm nhiều tòa nhà bị bỏ hoang mọc lên do tình trạng cung ứng thừa thãi trong nền kinh tế" - ông Phonghanyudh nhận định, thêm rằng các tòa nhà bị bỏ hoang hiện nay sẽ vẫn có một tương lai vô định.