Loạt bài “Nhà văn Chu Lai tha thiết với đề tài người lính trong văn chương” của tác giả Phùng Văn Khai vừa đoạt Giải A cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Thượng tá Phùng Văn Khai – Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội về chủ đề khá thú vị là việc các nhà văn mặc áo lính của Nhà số 4 (tên gọi thân thương của Tạp chí Văn nghệ Quân đội) viết về nhau.
PV: Vì sao ông chọn Chu Lai để viết một loạt bài khá công phu về chân dung một nhà văn quân đội vào dịp này?
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI: Trong số những cây bút Việt Nam hiện đại chuyên viết về chiến tranh và người lính, đương nhiên phải kể đến nhà văn Chu Lai. Thành quả văn chương của ông thật vang vọng và sừng sững. Nói đến bất kì nhà văn nào, tất yếu phải nói đến tác phẩm của người ấy. Khi viết về một nhà văn, điều quan trọng người viết phải tìm hiểu, phân tích các tác phẩm của nhà văn ấy. Từ đó mới có thể đưa ra những nhận định thật trúng, thật đúng, thật sâu về nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm, về sức làm việc, về vốn sống và sự hiểu biết, về cá tính văn chương của nhà văn. Nếu đã làm tốt các nội dung trên, người viết còn đưa ra được những thông tin sâu rộng về cuộc đời, gia đình, bạn bè và những tài năng ngoài văn chương của nhà văn, thì càng tạo được sự tin tưởng và thích thú của người đọc. Khi viết về nhà văn Chu Lai, có lẽ tôi đã phần nào làm được điều ấy.
Có lẽ, giai thoại về nhà văn Chu Lai đã lưu truyền trong giới văn nghệ thì khá nhiều, ông thú vị nhất với câu chuyện nào?
- Trong loạt bài này, tôi đã kể một câu chuyện rất thú vị. Đó là một nhân vật của ông hoặc là chính ông, giữa đạn bom mịt mùng xối xả, người lính bỗng được một nữ giao liên kéo ào xuống hầm trú ẩn và do quá chật chội đã vít chặt anh vào bộ ngực nóng hổi của mình. Bom đạn ngớt đi, người lính lúng túng mãi mới rời được khoang hầm chật chội. Sức nóng của bộ ngực người con gái dường như hơn cả bom đạn chiến tranh, đến mức tóc tai xoăn tít khiến chàng trai ngơ ngẩn. Trên truyền hình khi kể lại câu chuyện đó, Chu Lai chỉ ngay vào tóc mình nói rất thật: “Và từ đó, tóc của tôi xoăn đến tận bây giờ”.
Dẫn ra câu chuyện này, tôi muốn nói tới tài năng văn chương rất đa dạng của nhà văn Chu Lai. Viết về chiến tranh thì vô cùng ác liệt, dữ dội. Viết về người lính dũng cảm kiên cường nhưng cũng rất lãng mạn, trữ tình. Để có được số lượng tác phẩm đồ sộ như vậy, chắc chắn sự làm việc của nhà văn Chu Lai là vô cùng nghiêm túc và cần mẫn. Ông viết lúc nào cũng như võ sĩ lên đài. Những dằn vặt, đau đớn của người lính chiến thực thụ như ông đã lần lượt được gã thợ cày Chu Lai vật lên từng luống xếp hàng ngang dọc rất bắt mắt.
Sức làm việc của Chu Lai là như vậy. Ông làm việc rất nghiêm túc, vất vả, mất sức chứ không hề nhẹ nhàng, nhàn nhã. Nhưng cội nguồn để tạo nên sức làm việc như vậy chính là tài năng, là vốn sống, là sự khác biệt. Để viết được dài, vốn sống của nhà văn phải rất dài, thăm thẳm và khác biệt. Nếu không có sự khác biệt, không thể làm nên một nhà văn. Cái làm người đọc luôn yên tâm ở Chu Lai chính là sự kiên cường, ngạo nghễ, trận đánh nào cũng như trận đánh cuối cùng.
Từ riêng câu chuyện về nhà văn Chu Lai, theo ông, phẩm chất nổi trội nhất của các nhà văn quân đội nói chung và các nhà văn Văn nghệ Quân đội theo ông là gì?
- Ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, các nhà văn vào chiến trường rất sớm. Nhà văn Nguyễn Thi (bút danh Nguyễn Ngọc Tấn) năm 1962 nằng nặc xin vào chiến trường miền Nam. Ông đi bộ một mạch xuyên Trường Sơn đến Tây Nguyên dừng lại, chia tay với đồng nghiệp bằng một câu nói biểu tượng: “Chúng ta chỉ trở ra Bắc bằng Đường số 1 khi đã thống nhất đất nước. Nếu không nhất định sẽ không quay ra”.
Có nhà văn đi bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đó là nhà văn Văn Phác với bí danh Tám Trần vào làm Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam. Ông căn dặn các nhà văn ở chiến trường: “Đang lúc chiến tranh, các nhà văn hãy viết ngắn. Mọi tư liệu đến hòa bình chúng ta sẽ viết. Viết ngắn! Nhưng vốn sống phải dài”.
Tôi vẫn luôn cho rằng, để làm nên những trang văn đậm đặc về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, góp phần xây dựng nên tượng đài chiến sĩ trong văn học, mỗi nhà văn trong đội ngũ nhà văn Quân đội đã xác định từ những dòng chữ đầu tiên, trang văn đầu tiên là hướng tới người chiến sĩ, nhân dân và Tổ quốc. Để có được sự xúc động và lay động từ những trang văn, người cầm bút luôn biết trân trọng máu xương của người đã khuất.
Trong hành trình vẻ vang của 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, có những người chiến sĩ với chức phận cụ thể của mình đã lặng lẽ góp trí tuệ, công sức, miệt mài để thực hiện một công việc vô cùng khó: Viết ra những trang văn về người lính, trong chiến tranh và hòa bình, trong đạn bom khốc liệt và thời cơ chế thị trường phức tạp.
Những người viết ra những trang văn ấy không chỉ giỏi chữ nghĩa, dày vốn sống mà cái chính yếu là phải có trái tim luôn cùng nhịp đập với người chiến sĩ, với nhân dân, với Tổ quốc trong toàn bộ cuộc đời mình. Chúng ta đã có những nhà văn như vậy.
Với riêng nhà văn Chu Lai, ai cũng biết, ông vốn xuất thân là người lính đặc công hoạt động ở vùng ven Sài Gòn. Chính vì thế mà ông hiểu chiến tranh ác liệt và tàn nhẫn đến mức nào. Ranh giới giữa cái sống và cái chết mong manh như làn khói mỏng. Nói thế để biết, ông rất có lợi thế khi viết về chiến tranh và người lính. Có lợi thế nhưng khi chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, cũng chẳng có ai bắt buộc ông phải viết về chiến tranh và người lính cả. Ông viết trước hết là để đáp ứng yêu cầu của chính mình, là để thỏa mãn cho mình. Tự ông thấy cần phải viết. Mỗi trang văn của ông đều là trả nợ nghĩa tình nước non, đồng đội, nhất là những người vợ, người mẹ trên đất nước.
Mảng đề tài thành công nhất của các thế hệ nhà văn Nhà số 4 có lẽ không thể nào khác chính là chiến tranh và người lính. Ông nói gì về đề tài này trong thời điểm hiện nay?
- Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, khắc họa về chân dung bộ đội Cụ Hồ thì rất nhiều nhà văn Nhà số 4 đã làm và số thành công cũng rất lớn. Xin được kể ra một số nhà văn: Hồ Phương, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nam Hà, Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy,…
Bộ đội Cụ Hồ cũng là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, nhưng trong cách nhìn của mỗi nhà văn lại có những nét rất riêng.
Trong mọi thời điểm, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, hay nói nôm na là việc chăm sóc phần hồn cho người lính là vô cùng quan trọng. Những trang văn, nhất là viết về người lính, mà người lính đọc thấy đồng cảm, thấy thích và hành động theo đúng mục tiêu, lý tưởng quân đội đặt ra, thì đó chính là sự đóng góp rất đáng kể của nhà văn.
Đất nước Việt Nam ta từ xa xưa đã phải trải qua các cuộc chiến tranh mà cuộc nào cũng mất mát, hy sinh không kể xiết. Đất nước hàng triệu người đã hy sinh cũng là hàng triệu bà mẹ, người vợ trở thành cô nhi quả phụ từ khi còn rất trẻ, có người còn chưa thuộc hơi chồng luôn là một đớn đau khủng khiếp dằng dặc. Viết về chiến tranh, về người lính là các nhà văn quân đội trả nợ nghĩa tình nước non, đồng đội, nhất là những người vợ, người mẹ trên đất nước.
Nhân dân đã trải qua bao nhiêu cơ cực, mất mát, đau thương với hàng triệu tính mạng bị chiến tranh lấy đi, cả vật chất và tinh thần để đi từ người nô lệ đến ngày thống nhất đất nước, đến cuộc sống hôm nay bút giấy nào viết hết?
Trở lại với nhà văn Chu Lai, ông cho rằng cái độc đáo nhất trên con đường văn của nhà văn nổi tiếng này là gì?
- Như tôi đã viết trong loạt bài vừa được Giải thưởng, Chu Lai là một tượng đài văn chương. Những tác phẩm của nhà văn Chu Lai viết về người lính đến với bạn đọc gần nửa thế kỷ kể từ dấu mốc ông viết Nắng đồng bằng (1978), từ đó, một mạch từng dòng, từng trang, từng cuốn sách của ông nhất loạt đều hướng về người lính và chiến tranh cách mạng.
Cầm bút viết về chiến tranh là được đi đến tận cùng. Nói như Chu Lai: “Bước vào chiến tranh, con người ta bộc lộ tất cả tính cách. Chiến tranh giống như một loại dung dịch đặc biệt khiến cho tất cả những gì chạm tới đều phải lên hết màu, hết nét, từ sự giả dối thấp hèn đến sự cao thượng, thánh thiện. Chính vì thế, trong chiến tranh, các số phận nhân vật có quyền đẩy lên tận cùng của mọi buồn vui”.
Tôi từ lúc gặp nhà văn Chu Lai đến nay dường như vẫn thấy ông không có gì thay đổi. Ông không mấy già đi và dường như càng không viết ít đi. Tập sách này vừa ra đời, bản thảo khác đã thập thò nơi nhà xuất bản. Toàn tiểu thuyết “cục gạch” khiến văn giới trầm trồ.
“Cái tên Chu Lai đã quá quen thuộc với bạn đọc. Với ông, tôi càng thân thuộc. Cùng quê xứ nhãn Hưng Yên. Cùng cơ quan là Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cùng ở đất Long Biên, đi bộ mươi phút đã tới căn hộ lộng gió của ông nơi đầu cầu Long Biên cổ kính. Tinh sương đi làm, tôi đã thấy ông một mình đạp xe rèn luyện ở tuổi 80. Chu Lai sôi động là thế bỗng đột nhiên trầm mặc dù đang đi chiếc xe đua nam tính trên đường đê phơ phất cỏ bông lau. Tôi đi chậm phía sau ngắm ông một quãng dài càng thấy rõ rệt người lính chiến phía trước mình nổi hằn lên như một tượng đài chuyển động khi bình minh he hé mặt đê sông Hồng xôn xao gió sớm.
(Nhà văn Phùng Văn Khai)
Như tôi đã nói, để viết được dài, vốn sống của nhà văn phải rất dài, thăm thẳm và khác biệt. Nếu không có sự khác biệt, không thể làm nên một nhà văn. Cái làm người đọc luôn yên tâm ở Chu Lai chính là sự kiên cường, ngạo nghễ, trận đánh nào cũng như trận đánh cuối cùng. Ở đó, Chu Lai vừa là chỉ huy trưởng, vừa kiêm bộc phá cửa mở, đại liên yểm trợ, lưỡi lê cận chiến hết sức dũng mãnh trên cánh đồng chữ nghĩa phơi đầy xương máu mà kẻ yếu bóng vía nhìn vào chắc không nhấc nổi ngọn bút. Như trường hợp tiểu thuyết Mưa đỏ đoạt “giải kép” của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Quốc phòng gần đây vẫn cho thấy Chu Lai công lực còn dồi dào lắm, nhất là những pha cận chiến trên chiến trường bao nhiêu nhà văn đã viết nhưng cứ phải đến Chu Lai mới thực sự ác chiến, thực sự ám ảnh người đọc.
Chu Lai luôn cho chúng tôi niềm tin và lẽ sống từ những tượng đài chiến sĩ trong văn học ở các tác phẩm của ông. Chính bản thân ông, cứ vẻ ngoài mạnh mẽ có phần bặm trợn, ăn nói oang oang từ chuyện yêu đương ở phố phường tới chuyện lớn quốc gia trên sóng truyền hình, trả lời báo chí rất hút độc giả nhưng bên trong Chu Lai là thẳm sâu những nỗi niềm còn nhiều điều mọi người chưa biết. Đó chẳng phải ông cố tình tạo ra sự bí ẩn. Càng không phải Chu Lai muốn sắp đặt cuộc đời hấp dẫn như trong phim, mặc dù ông vốn là một bậc thầy về kịch bản phim và từ trẻ đã được đào tạo là diễn viên kịch nói.
Nhà văn Chu Lai là người luôn hiểu chính mình. Ông rất hiểu đường văn thăm thẳm đường đời muôn nỗi truân chuyên, nhất là đối với người chiến sĩ luôn đặt trên vai mình là nhân dân và Tổ quốc thì trách nhiệm càng nặng nề và những bước thực hành càng phải hết sức căn cơ. Người chiến sĩ đối với Chu Lai giống như nguồn sống, nguồn năng lượng không bao giờ cạn để ông xây đắp hình tượng chính họ. Đó vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là lẽ sống của Chu Lai đã được thể hiện ăm ắp trong các trang văn về người lính và chiến tranh cách mạng của ông.
Các thế hệ nhà văn Nhà số 4 đã để lại bài học và tấm gương như thế nào cho thế hệ những người cầm bút hôm nay?
- Vốn là nơi tập trung những nhà văn lừng lẫy của văn học với những Hồ Phương, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nam Hà, Hữu Mai... mà số trang văn của các ông phải dùng thước mét ra đo. Rồi đến thế hệ lớp sau như Lê Lựu, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thụy… mà đến lượt chúng tôi nhìn vào đó để tự răn mình.
Thế hệ nhà văn chống Mỹ, trong đó có nhà văn Chu Lai dường như đã hoàn thành trọng trách của mình. Những tên tuổi như Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bảo và Chu Lai với Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 đã và đang đi trọn cuộc đời mình với văn chương và người chiến sĩ. Văn chương và người chiến sĩ đã tượng hình lên các nhà văn cũng chính là vẻ đẹp nhất của cuộc sống trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đối với cánh nhà văn trẻ, Chu Lai luôn có cách thức rất đàn anh của mình. Chân thành. Trọng thị tài năng. Luôn biết khích lệ những người phía sau vượt qua những giới hạn của mình và tuyệt nhiên không dạy nghề, càng không lên tiếng nhiều về nghề nghiệp. Thành ra, chúng tôi sống với những đỉnh núi như Lê Lựu, Chu Lai mà cứ cảm thấy mình trong ngôi chùa quen thuộc lắm lúc coi ông bụt cũng thường thôi. Cơ mà chúng tôi cũng lập tức hiểu ra rằng thế hệ các ông không chỉ đóng góp máu xương mà còn vắt óc mình ra, nói như Chu Lai là múc óc mình ra để góp phần tạo nên những giá trị tinh thần, những hình tượng cao đẹp về con người, trong đó có người lính với nhân dân, Tổ quốc.
Thế hệ chúng tôi, lứa nhà văn trưởng thành sau dấu mốc Đổi mới 1986 luôn hết sức tự hào và cảm thấy sức ép không hề nhỏ từ thế hệ nhà văn đi trước. Viết về bộ đội hôm nay ra sao để không hổ thẹn với các lứa nhà văn đi trước và nhất là phải viết như thế nào về người chiến sĩ hôm nay?
Trong thời bình, sức lực, trí tuệ và cả máu của người chiến sĩ vẫn đổ xuống vì cuộc sống bình yên, vì sự phát triển vững vàng của đất nước trong những diễn biến, những chuyển động không ngừng của thời cuộc toàn cầu. Từ những nền tảng lớn ấy, từ vị thế của đất nước và trọng trách của người chiến sĩ với nhân dân, với Tổ quốc, những nhà văn mặc áo lính chúng tôi hôm nay phải sống và viết ra sao? Những câu hỏi lớn ấy luôn dội vào chúng tôi, đặt lên vai nhiệm vụ và phải bước những bước vững vàng tiếp bước cha anh, vững ngòi bút, vững niềm tin xây dựng và tô thắm tượng đài chiến sĩ. Trọng trách và niềm tin được đặt ra.
Xin cảm ơn nhà văn Phùng Văn Khai!
Nhà văn Chu Lai, trong tất cả các trang văn của ông, cái chất hào hoa của người ở Thủ đô từ tấm bé, luôn phảng phất như ngọn gió mùa thu thổi mãi. Những trang lẫm liệt nhất, bi tráng nhất thì cái chất hào hoa ấy càng tỏa ngát hương thơm. Chu Lai luôn nhất quán trong giọng văn, từ trang viết đầu tiên cách đây gần nửa thế kỷ đến hôm nay. Ông viết bút ký hay truyện ngắn cũng đều một chất hào hoa, ngang tàng mà trầm bổng loang thấm đến tim óc người đọc. Ông phát biểu cũng vậy. Ông trả lời phỏng vấn cũng vậy. Đều là một Chu Lai mạnh mẽ, phóng khoáng, trầm bổng, sâu sắc và thanh thoát.
Chu Lai sớm thành danh nhưng ông cũng rất biết văn chương là vô cùng tận mà tuyệt nhiên không sa vào những tranh cãi, xếp hạng viển vông. Đó cũng là đặc tính của lính trận đánh nhau chí chết xong, tạm nghỉ chơi đẹp rồi lại vào trận đánh tới cùng, tan trận lại nghỉ rong chơi. Đó cũng là đặc tính của những nhà văn đã tự biết mình, đạt đạo trong trường văn trận bút.(Nhà văn Phùng Văn Khai)