Khoản tiền hàng nghìn tỷ USD Mỹ đổ vào nỗ lực chống khủng bố và tái thiết đất nước tại Afghanistan đã tạo ra một nhóm được mệnh danh là "triệu phú 11/9" ở nước này.
Theo ước tính của dự án "Chi phí chiến tranh" của đại học Brown, Mỹ đã đổ 2.100 tỷ USD vào Afghanistan trong suốt 20 năm hiện diện quân sự ở nước này. Trung bình một ngày Mỹ đã tiêu tốn 290 triệu USD trên tổng cộng 7.300 ngày họ can thiệp quân sự vào quốc gia Afghanistan sau vụ khủng bố 11/9/2001.
Tuy nhiên, Taliban vào giữa tháng trước chỉ mất đúng 9 ngày lại giành lại quyền kiểm soát mọi thủ phủ của các tỉnh, giải tán quân đội và chính phủ do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn.
Những "triệu phú 11/9"
Nhiều người trong số họ đã tận dụng các mối quan hệ với các quan chức chính phủ hoặc địa phương ở Afghanistan để kiếm được hợp đồng béo bở từ tiền của Mỹ.
Trong những năm đầu tham chiến ở Afghanistan, khi các quân nhân Mỹ truy lùng các phần tử khủng bố Al-Qaeda - những kẻ chủ mưu vụ 11/9, cũng như các tay súng Taliban, ý tưởng về việc sử dụng các nhà thầu Afghanistan để hỗ trợ được xem là khá hiệu quả.
Mỹ từng nhận định rằng việc thuê người bản địa sẽ bơm tiền vào nền kinh tế địa phương, hỗ trợ cho người dân và cho phép Mỹ hiểu rõ hơn về bức tranh toàn cảnh ở Afghanistan.
Nhiều người Afghanistan đã trở thành triệu phú nhờ chớp được thời cơ như vậy. Ban đầu họ là phiên dịch cho quân nhân Mỹ, đồng hành cùng các binh sĩ Mỹ trong một số nhiệm vụ. Nhờ mối quan hệ này, họ đã kiếm được sự tin tưởng và sau đó đã trở thành các nhà thầu cho chính quân đội Mỹ.
Fahim Hashimy là một ví dụ. Ông từng là một giáo viên tiếng Anh ở Kabul vào ngày 11/9/2001. Khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan, Hashimy được thuê để làm phiên dịch. Sau đó, ông đã thành lập một công ty chuyên cung cấp hàng hóa và nhiên liệu cho các căn cứ quân sự của Mỹ.
Giờ đây, tập đoàn Hashimy đã trở thành một công ty lớn sở hữu đài truyền hình, cơ sở sản xuất, các bất động sản, hệ thống vận tải đường bộ và một hãng hàng không, tất cả đều có trụ sở tại Afghanistan.
Một "triệu phú 11/9" gây chú ý khác là Hikmatullah Shadman. Cũng như Hashimy, Shadman cũng từng là phiên dịch mà quân đội Mỹ thuê khi họ bắt đầu hiện diện quân sự ở Afghanistan.
Năm 2007, Shadman bắt đầu thuê một chiếc xe tải và vận chuyển nhiên liệu và đồ dùng cho các căn cứ Mỹ. Ông sau đó đã thiết lập một mạng lưới xe tải rộng khắp, và "hốt bạc" từ việc kinh doanh. Năm 2009, công ty của Shadman ký hợp đồng 45 triệu USD với Bộ Quốc phòng Mỹ. Từ năm 2007 tới 2012, công ty của Shadman nhận được các hợp đồng trị giá 167 triệu USD từ chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, năm 2012, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Shadman tội gian lận, cho rằng ông này đã trả tiền cho các quân nhân Mỹ và quan chức chính phủ Afghanistan để nhận được hợp đồng. Ngoài ra, Shadman bị cáo buộc đã thổi phồng chi phí và thu lợi trái phép từ chính phủ Mỹ với công việc chưa hoàn thành.
Shadman bác bỏ cáo buộc và một cuộc chiến pháp lý kéo dài đã xảy ra sau đó. Cuối cùng, vụ việc khép lại vào năm 2019 với việc Mỹ thu về được 25 triệu USD. Tung tích của Shadman vẫn là một điều bí ẩn.
Tuy nhiên, theo CNBC, không chỉ người Afghanistan hưởng lợi từ các hợp đồng béo bở của Mỹ trong 20 năm đóng quân tại đây. Một ví dụ điển hình là nhà cung cấp thực phẩm tươi hàng đầu của Mỹ là tập đoàn Supreme Group BV (trụ sở ở Hà Lan) do công dân Mỹ Stephen Orenstein lập ra. Doanh thu của công ty đã tăng gấp 50 lần trong một thập niên và Orenstein đã trở thành tỷ phú USD vào năm 2013, theo Bloomberg.
Năm 2014, tập đoàn Supreme nhận tội có hành vi gian lận kinh doanh khi tạo ra nhà thầu phụ giả và thu tiền của chính phủ Mỹ bằng nhà thầu phụ này. Supreme sau đó đã đồng ý nộp phạt và bồi thường 389 triệu USD, mức phạt lớn nhất từng áp cho một nhà thầu quốc phòng vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, theo CNBC, việc Orenstein và Shadman bị phanh phui hành vi sai trái chỉ là những vụ rất hiếm gặp, vì phần lớn các hành vi gian lận liên quan tới ngân sách của Mỹ đổ vào Afghanistan dường như không được báo cáo và cũng không bị trừng phạt.
Nạn tham nhũng ở Afghanistan
Tại Afghanistan, mỗi khu vực đường xá thường do một nhân vật quyền lực ở địa phương kiểm soát. Điều đó đồng nghĩa rằng, việc vận chuyển các vật tư cần thiết qua đường bộ cho quân nhân Mỹ thường yêu cầu các khoản phí để lưu thông một cách an toàn cho bên kiểm soát các con đường. Tại những khu vực do Taliban kiểm soát, tiền phí rơi vào tay Taliban.
Việc từ chối chi tiền cho bên kiểm soát con đường sẽ có thể gây nguy hiểm cho các quân nhân và nhà thầu. Nhờ điều này, các nhà thầu nhận nhiệm vụ chở hàng cho quân đội Mỹ có thể thu tiền của Washington ở bất cứ mức chi phí nào mà họ muốn.
Theo CNBC, dù hàng nghìn tỷ USD của Mỹ được đưa đi khắp Afghanistan, nhưng có một nơi mà nó không chảy vào: Túi tiền của những công dân nghèo khổ nhất.
Sau 20 năm Mỹ hiện diện ở Afghanistan, tình hình kinh tế của quốc gia này gần như vẫn "dậm chân tại chỗ". Theo Ngân hàng Thế giới, Afghanistan là quốc gia nghèo thứ 6 thế giới vào năm 2020, thứ hạng gần như không thay đổi từ năm 2002. Thu nhập bình quân đầu người chỉ là 500 USD.
Theo CNBC, các hợp đồng của chính phủ Mỹ dần dần đã châm ngòi cho một hệ thống tham nhũng hàng loạt đã nhấn chìm Afghanistan và khiến chính quyền tại đây sụp đổ nhanh chóng khi Mỹ rời đi.
Cựu đại sứ Mỹ tại Afghanistan Ryan Crocker nhận định rằng, vấn đề của Mỹ ở Afghanistan không phải là các cuộc nổi dậy, mà chính là nạn tham nhũng và gian lận tràn lan tại đây.