Có cũ - mới ở đời nên có bao điều để nói, có căn nguyên để lý giải, có những buồn vui, hạnh phúc và đớn đau... Cũ là gì, trông thấy sẽ là bạc thếch bạc thơ, sứt mẻ chứ có vẹn nguyên đâu. Có khi không trông thấy mà đau vẫn đau, nhớ vẫn nhớ và yêu vẫn yêu...
Cũ đẹp, nhiều người thấy vẻ đẹp in dấu thời gian nên kiếm tìm tất thảy những xưa cũ để ru mình, an ủi mình, để thấy cái tình tri kỷ mà những hôm nay, những mới họ không thấy rung động. Bởi thế, người đời chưa bao giờ thôi ngưỡng vọng cũ, người ta kiếm tìm, nương tựa, đôi khi trốn trong đó. Trong những cũ nhìn thấy, trong những cũ chỉ còn trong tâm tưởng.
Đó là cũ.
Cũ, cũ lắm! Tự cái thuở giời đất còn hỗn mang, con người ta khác xa bây giờ, người xưa vẫn truyền miệng mỗi ngày, mỗi đêm để người đời sau biết và gọi nó là cổ tích, truyền thuyết. Kỳ diệu thay, dấu tích cũ xưa ấy vẫn còn với rất nhiều minh chứng. Người Việt ta vẫn thấy ở thành Cổ Loa với những vòng xoáy trôn ốc. Sau những oan khuất người Việt vẫn đủ bao dung thương lấy nàng Mỵ Châu, người có giọt nước mắt mà xưa kia con trai ăn phải đã biến thành ngọc quý.
Cũ xưa đấy nhưng câu chuyện cây khế vẫn chưa bao giờ thôi nhắc người đời về sự tham lam. Tiếng đàn Thạch Sanh cũng vậy, kẻ cướp công kia vẫn được kể, nhắc người đời biết phải làm gì trước sự cám dỗ kẻo lại bị gắn vào mình bản tính Thạch Sanh.
Thời gian làm nên cũ mới mỗi ngày để so sánh. Thành quách cũ, với những thịnh suy sau vời vợi thời gian, sau những được mất, đớn đau, suy tính đủ để cho người đờ i suy ngẫm. Bài thơ tạc trên đá, cây trúc bám vào tường thành đến nghìn năm còn đây. Ngàn năm như ngọc, xôn xao trong câu chữ người xưa đã viết, trong màu lá xanh và rễ bền bỉ bám vào tường thành. Cùng đó, sơn thếp vàng phai là dấu thời gian đã từng, có mùa vụ, tháng năm, có những phận người, phận làng, thấy để tìm lại, để nhắc mình, để rưng rưng chuyện cũ.
Nhớ, năm ấy vỡ đê, mất mùa, nước cuốn trôi cả miếu ngoài đê, nước ngập đến lưng cột đình, người không chạy kịp bị nước cuốn trôi, thóc không chạy kịp đói cả làng. Nhiều người đã phải bỏ xứ mà đi. Thế nên mới có những chi họ ngụ mãi tận miền sơn cước. Thế nên miếu làng mới có hai bia đá, một bia ghi công đức năm miếu được xây lại. Những chi họ dắt díu nhau đi vì đói năm ấy đã thành danh nơi đất khách quê người, chuyện cũ đã nhiều đời, nhắc lại vẫn như đâu đây, ngay cả khi dòng sông đã khan nước, như có thể lội qua.
Cũ là trang sách đã từng đến trong hân hoan, từng đến theo cách chào đời của đứa con tinh thần mà tác giả thai nghén. Rồi có ngày, nó có mặt ở hàng sách cũ, chủ nhân sau tìm thấy niềm hân hoan như xưa, hơn xưa. Có thể nói hiệu sách cũ là một con đường trở lại quá khứ hấp dẫn bởi chính sự khám phá, bởi chính sự đã từng có mặt của nó trên đời.
Sách cũ, lời còn đây, đôi khi đọc lên vẫn thấy sợ, thấy đớn đau, thấy những sai lầm vấy máu, thế nên họ không còn muốn nhìn thấy, hoặc có thể nghĩ con cháu mình không thể đọc thứ ấy. Nhưng không, có người cần tìm lại, dẫu thế nào đi chăng nữa cũng cần nhìn nhận lại, để tránh những sai lầm, hoặc để so sánh khi cần.
Cũ như thời bao cấp, đến buồn vui cũng giống nhau, lo lắng cũng như nhau, loanh quanh những cơm áo, đói no. Vui vì được ăn tươi, mua được tấm vải mới, buồn như mất sổ gạo... nếu không từ nhân chứng kể mỗi hoài niệm, không vì những cuốn sách mà khi đọc cứ vừa khóc vừa cười vừa khó tưởng tượng thì làm sao lớp trẻ biết được ngày xưa ấy.
Thế nhưng, cũng từ thân ái, từ những ngày xưa thân ái ấy người ta chẳng nỡ nặng lời với nhau, cho nhau vay đủ thứ từ gạo, đến dầu thắp, xà phòng... để cùng đi qua chặng ấy. Câu chuyện về thời bao cấp vẫn được nhắc lại dưới nhiều hình thức, một thời gian khó, đói khổ, kiệt quệ, muốn gục ngã, nhưng cũng lại dồi dào tin yêu. Trong cái đói, sau cái đói người với người vẫn tin nhau. Thế là đủ, đủ để bây giờ ngồi lại, cùng lau nước mắt và cười nói với nhau rằng:
- Không hiểu sao mình đã đi qua được chặng ấy.
Có những cái cũ được tìm lại, trân trọng cất giữ, 1 cái tăng, 1 tấm dù, 1 mảnh máy bay được mài thành lược, 1 bức thư ố màu... những tháng ngày xưa cũ ấy còn trong kí ức và những kỉ vật này. Đã có khi người ta không muốn nhìn thấy nữa, nhưng cũng có những người gom lại, để rồi có những gian trưng bày nho nhỏ, của mình, của đồng đội, hay cho những người muốn tìm lại. Trở đi trở lại những đề tài chiến tranh cũng là lựa chọn của những người viết. Người viết cũng có cả một khoảng thời gian bình tĩnh hơn để nhìn lại.
Cũ, là quá khứ, là hôm qua, người trân trọng tìm lại nhiều mà người nặng lời, lên án cũng không thiếu. Người ta cho rằng những kẻ mê cũ xưa kéo lùi lịch sử, không cấp tiến, thiếu văn minh, nhiều khi người ta muốn loại trừ những người này ra khỏi hành trình của mình để khỏi vướng bận.
Đó là những kẻ huênh hoang, không biết rằng, không có cũ, lấy đâu ra mới, không có những tiền đề, thì chính họ sẽ là những kẻ dò dẫm tìm đường, không biết cũ, nên những gì mình biết đều cho là mới cả. Mà cái mới của kẻ không biết kia đã cũ từ lâu, đã sai lầm, lạc hậu... Đương nhiên là thất bại. Khu đất họ san phẳng kia đầy nhọc nhằn và chứa đựng mọi ngô nghê, chỉ có cỏ dại chứ không thể có hoa thơm trái ngọt.
Cũ, cũng có khi là “bình cũ, rượu mới”, bổn cũ soạn lại. Người vô tâm có thể bỏ qua, nhưng người nhớ là nhớ hết. Nên dẫu có cơ hội hay đánh tráo khái niệm thì người am tường vẫn nhìn nhận ra.
Cái áo cũ còn ấm hơi người, còn in dấu mồ hôi của những ngày đã qua. Người bạc, người vô tâm quên hoặc chẳng muốn thừa nhận. Nó không đẹp như họ mong muốn, khác xa với hiện tại nên dứt, hoặc chối bỏ. Cũ ấy bị lãng quên, chối phắt không bao giờ được nhắc đến. Cho đến khi, có lý do mà chủ nhân phải chạm đến, xót xa nhìn lại, có khi nhận ra, lại đã quá muộn. Cũ mới lộn xộn trong họ, họ đã cuồng mới mà không biết rằng cũ chính là nền móng để có mới, tránh những sai lầm, về đích.
Cũ, tường rêu mái cũ ngôi nhà xưa, nơi có ông bà, mẹ cha, nơi có những tháng ngày yên ấm, nơi cả nhà chào đón bước đi ban đầu. Nơi thời gian có thể bào mòn gạch lát, dột mái nhà, nhưng tình yêu bao giờ cũng đủ ấm đủ để cảm nhận bình an.
Cũ, cũ như mái tóc của bà không còn bạc hơn được nữa. Cũ như ông trong bức ảnh truyền thần trên ban thờ. Cũ như câu chuyện bà kể về cái đận ông phải xa nhà đi buôn bán mãi tận trên ngược. Ông đi 3 năm, người làng cứ bảo ông bị người ta chài ở trên ấy đẻ con với vợ người dân tộc rồi. Nhưng bà tin, ông không phải người như thế.
Tết năm ấy ông về, vợ con không chỉ có áo mới, mà bà còn được cất đi dăm chỉ vàng. Ra Giêng bà cứ nghĩ bán vàng đi để mua lợn giống và thầu cái đầm của làng để thả cá. Nhưng ông bảo “Hẵng còn tiền đây”. Từ gột lợn, gột cá con mà nhà có của ăn của để từ đó. Ba năm sau thì xây được nhà, xây được cái bể to nhất xóm, lại còn lo được cho chú út ăn học...
Cây trong vườn bà trồng năm ông đi ngược cũng đã thành cổ thụ. Bà đã về chốn xa xanh với ông cũng đã thật lâu. Chắc là bà vẫn thường vừa têm trầu vừa nói những chuyện cũ như thế với ông.
Những cũ xưa ngọt ngào ngân ngấn nước mắt nhớ thương.