Niềm tin tiêu dùng

Cẩm Anh 21/05/2016 13:55

Công bố của Nielsen – một tổ chức thông tin và đo lường toàn cầu –cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong quý I/2016 tăng lên hạng 5 toàn cầu với 109 điểm, tăng 1 điểm so với quý trước. Như vậy, là giữa chồng chất nhiều thông tin bất lợi của đời sống như thực phẩm nhiễm bẩn, cá chết hàng loạt ở miền Trung…, chỉ số niềm tin trong tiêu dùng của người Việt vẫn tăng lên.

Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Ảnh: TL.

Có thể hiểu niềm tin tiêu dùng theo định nghĩa là chỉ số đo niềm tin của người tiêu dùng trong một nền kinh tế được thể hiện qua mức độ lạc quan về nền kinh tế, về thu nhập, và mức độ chi tiêu của người dân. Nếu người dân lạc quan vào tương lai, họ sẽ tiêu dùng nhiều hơn, và ngược lại. Từ đây có thể thấy nền kinh tế sẽ mở rộng hay thu hẹp.

Cũng theo công bố của Nielsen, người Việt vẫn đứng đầu bảng trên toàn thế giới về xu hướng tiết kiệm chi phí. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao thì xu hướng thay đổi thói quen chi tiêu để cắt giảm chi phí sinh hoạt tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của người Việt.

Theo Nielsen, trên 80% người Việt đã điều chỉnh thói quen tiêu dùng trong 1 năm qua để tiết kiệm, trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng chi tiêu sau khi đã trang trải đầy đủ các chi phí sinh hoạt thiết yếu. Khoảng 4 trong 10 người Việt cho biết sẽ sử dụng tiền nhàn rỗi cho các mục đích: du lịch (38%), giải trí bên ngoài (34%), mua sắm các sản phẩm công nghệ mới (32%), cũng như trang hoàng nhà cửa (31%)…

Lý giải về việc niềm tin tiêu dùng tiếp tục giữ vững ở vị trí cao trong khi thị trường kinh doanh tại thời điểm hiện tại tăng trưởng ở mức độ vừa phải, đại diện của Nielsen tại Việt Nam cho biết, chỉ số này không phản ánh trực tiếp hoạt động và hiệu suất của thị trường mà thể hiện hi vọng về tương lai của người tiêu dùng Việt.

“Nguyên nhân để có thể lý giải cho điều này đó là đất nước chúng ta là một quốc gia có dân số trẻ, với 57% dân số dưới 35 tuổi, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường tăng 60%trong vòng một thập kỷ qua. Một yếu tố khác để lý giải cho sự lạc quan này đó chính là trung bình người tiêu dùng Việt chi nhiều tiền hơn cho bản thân họ để cải thiện lối sống và họ khát khao được có cuộc sống tốt hơn mỗi ngày. Hôm nay họ có thể nhìn thấy một vài thách thức trước mắt nhưng điều đó cũng không ngăn cản họ suy nghĩ và tin tưởng những điều tốt hơn ở tương lai”.

Có thể có nhiều người nghi ngờ tính chính xác và toàn diện trong con số khảo sát của Nielsen. Nhưng rõ ràng xét trên thực tế đời sống, phương pháp khoa học trong cách thăm dò niềm tin của người tiêu dùng của họ không phải là không có căn cứ thực tiễn. Chỉ trong vòng mấy năm gần đây, không cần phải chờ đến cả thập kỉ như lúc đầu chúng ta dự đoán, cho đến thời điểm này, người Việt đã có niềm tin hoàn toàn vững chắc vào hàng Việt Nam.

Cũng như trong hàng loạt thông tin cực kỳ bất lợi cho thị trường nông sản Việt cộng với thảm hoạ môi trường ở miền Trung bất ngờ xảy ra, người Việt vẫn bình tĩnh, thận trọng chắt lọc, để biết nên ứng phó với cuộc sống thế nào. Không hề xảy ra bất cứ một cuộc tẩy chay tiêu dùng nào trong thời gian gần đây cho thấy điều ấy. Tất nhiên, tâm lý hoang mang là không thể tránh khỏi, nhưng xét toàn cục, đa phần người Việt Nam vẫn có đủ niềm tin vào thị trường, vào tương lai, vào cuộc sống.

Chỉ số của Nielsen đưa ra vào thời điểm này không khiến chúng ta lạc quan tếu. Mà đang cho thấy người Việt ngày càng trưởng thành hơn sau những chập chững không tránh khỏi của thời kỳ đầu hội nhập. Tâm lý đám đông, a dua dù vẫn còn biểu hiện rõ trên mạng xã hội thì ngoài đời sống có vẻ như đã bớt đi tương đối so với thời kỳ cả xã hội đổ xô đi buôn đất hay chứng khoán.

Tuy nhiên, từ chỉ số của Nielsen về niềm tin tiêu dùng, và từ làn sóng thông tin về thực phẩm nhiễm bẩn vừa qua đang cho chúng ta một bài học lớn để tránh những đổ vỡ của nền kinh tế trong thời buổi hội nhập toàn cầu. Bài học ấy cũng không gì khác chính là bài học về niềm tin.

Khi trong mỗi người tiêu dùng có một niềm tin vững vàng thì nói như đại diện của Nielsen ở Việt Nam: những khó khăn trước mắt không ngăn cản họ suy nghĩ và tin tưởng những điều tốt hơn ở tương lai. Nói ví dụ như trong việc thông tin về thực phẩm bẩn vừa qua, thật may là số đông người tiêu dùng đã nhanh chóng thức tỉnh để nhận ra không phải tất cả những nông sản Việt do người nông dân sản xuất ra đều là sản phẩm bẩn.

Hãy thử tưởng tượng nếu không còn có niềm tin tiêu dùng, nếu chúng ta đánh đồng tất cả rồi xuất hiện những làn sóng tẩy chay nông sản Việt, hoặc 1 sản phẩm nào đó, thì cả nền kinh tế sẽ điêu đứng thế nào. Cảnh báo thực phẩm nhiễm độc phải được chỉ mặt gọi tên cụ thể từng sản phẩm, từng đơn vị sản xuất, không thể tiếp tục là những thông tin chung chung hay tin tức vu vơ, đồn thổi, sắp đặt thiếu kiểm chứng. Bài học này chính truyền thông phải tự vấn một cách nghiêm khắc và đau đớn nhất.

Niềm tin tiêu dùng không thể xây dựng chỉ bằng… niềm tin. Cũng không thể giữ mãi chỉ số niềm tin ở mức cao bằng sự lạc quan tếu. Mức độ chi tiêu của người dân là thước đo sức khoẻ của một nền kinh tế. Cái chỉ số niềm tin nghe mơ hồ ấy được đo bằng những con số rất thực và cụ thể. Để giữ được niềm tin tiêu dùng, là một câu chuyện lớn và khác nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm tin tiêu dùng