Niềm tin vào Davos?

Thế Tuấn (theo Davosinterviews WorldFinance) 19/10/2019 07:00

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 17/10 đã công bố chủ đề “Cùng vì một thế giới gắn kết và bền vững hơn”, đánh dấu cuộc họp lần thứ 50 tại khu nghỉ mát Davos của Thụy Sĩ. Theo Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành WEF, thế giới đang ở ngã ba quan trọng và Davos tới đây cần hình dung lại chính mình để lấy lại niềm tin.

Niềm tin vào Davos?

Davos không còn giữ được uy tín.

Cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn vào năm 1971 nhằm phát triển ý tưởng của GS Schwab rằng các doanh nghiệp nên phục vụ tất cả các bên liên quan - khách hàng, nhân viên, cộng đồng, cũng như các cổ đông. WEF muốn chứng minh rằng các mục tiêu phát triển bền vững và lan truyền sự thịnh vượng tới nhiều người hơn là tương thích với tăng trưởng kinh tế. WEF cũng muốn chứng tỏ rằng họ tìm cách gương mẫu trong việc kiềm chế các tác động của biến đổi khí hậu khi khuyến khích tất cả những người tham gia sử dụng các chuyến bay thương mại hơn là chuyến bay riêng.

Thế giới cũng chưa quên, tại Diễn đàn Davos mùa Hè 2019, diễn ra từ ngày 1-3/7 tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) người ta đã bàn về nhiều lĩnh vực, trong đó có trọng tâm về xu thế toàn cầu hóa. Tham dự Diễn đàn có hơn 1.900 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia, trong đó có nhiều nguyên thủ và người đứng đầu các tổ chức quốc tế.

Còn nhớ, Diễn đàn Davos mùa Hè 2019 có chủ đề “Sự lãnh đạo 4.0: Con đường thành công của toàn cầu hóa trong thời đại mới”, nhằm hướng thế giới tới công nghệ. Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng. Cũng cần lưu ý rằng, cùng với Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) được tổ chức vào mùa Đông, Diễn đàn Davos mùa Hè ra đời từ năm 2007, được luân phiên tổ chức tại 2 thành phố lớn của Trung Quốc là Đại Liên và Thiên Tân, nhằm thảo luận, nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và sáng tạo khoa học kỹ thuật từ góc nhìn châu Á.

Tại WEF diễn ra vào tháng 10 năm 2018, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom phát biểu trước các Bộ trưởng đến thứ 75 nước trên thế giới nhấn mạnh rằng: “Thương mại điện tử đã trở thành hiện thực ở phần lớn các khu vực trên thế giới, vì vậy, chúng ta có trách nhiệm đối với các công dân và giới doanh nghiệp trong việc đề ra môi trường trực tuyến an toàn, hiệu quả cho thương mại”.

Trở lại với Davos lần này, giới quan sát cho rằng Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ bất ổn toàn cầu sâu sắc do những đột phá công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng sự sắp xếp lại địa - kinh tế và các lực lượng địa - chính trị. Toàn cầu hóa đã mang lại tăng trưởng và phát triển ở cấp độ quốc tế, nhưng nó cũng đã tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng lớn. Đối với làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo- “Toàn cầu hóa 4.0”- các nhà lãnh đạo cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ, xây dựng xã hội hòa nhập hơn và bảo vệ tốt hơn những cộng đồng dễ bị tổn thương. Để cải thiện đời sống cho con người trên toàn cầu, quản trị ở các cấp doanh nghiệp, chính phủ và toàn cầu phải thích nghi đầy đủ với bối cảnh kinh tế, chính trị, môi trường và xã hội mới.

Nói như người sáng lập và là Chủ tịch WEF, ông Klaus Schwab thì “Làn sóng toàn cầu hóa lần thứ tư cần phải tập trung hơn vào con người, toàn diện và bền vững. Toàn cầu hóa cần quan tâm hơn đến những đối tượng dễ bị tổn thương, thiệt thòi và quan tâm đến tiếng nói của giới trẻ”.

Nhưng nhìn chung, người ta đã không còn tin nhiều vào Davos, vì rằng về lý thuyết thì đúng nhưng thực tế không phải như vậy. Vì thế, Davos năm nay chuẩn bị cho 2020 cũng chỉ là “sự tham khảo” mà thôi- theo Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Niềm tin vào Davos?