Suốt 30 năm qua, hơn 500 hộ dân ở xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) phải sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để có nước sử dụng, người dân xã này phải lấy nước từ mương, sông, ruộng, ao, hồ… để dẫn về dùng.
Dẫn nước mương, nước ao để sinh hoạt
Xã Gia Lạc đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, nhưng trong suốt hơn 30 năm qua, gần 500 hộ dân địa phương này phải sống trong tình trạng thiếu nước sạch. Trong đó, có 300 hộ dân thuộc xóm Lạc Thiện, Minh Đường đã phải sinh hoạt bằng nguồn nước từ ao, hồ, sông, mương trong suốt hơn 10 năm.
Trên con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào làng, chúng tôi gặp bà Trần Thị Thắm (58 tuổi, xóm Lạc Thiện) đang lúi húi cắm ống nước xuống lòng mương. Thấy có người lạ hỏi thăm, bà Thắm nói vội: “Trạm bơm mới xả nước vào mương để người dân dẫn vào đồng. Tranh thủ nước mới đang còn sạch, tôi cắm vòi xuống dẫn nước vào bể để sinh hoạt dần”. Theo quan sát, trên bề mặt thứ “nước sạch” mà bà Thắm đang dẫn vào bể là đủ loại rác thải như bì ni lông, hoa quả hỏng, lông ngan, lông vịt … Bà Thắm cho biết: Dù biết là nước bẩn nhưng nhà bà vẫn phải dùng, vì hơn 30 năm nay trong xóm không có nguồn nước sạch.
Tìm đến nhà trưởng thôn Lạc Thiện, chúng tôi gặp bà Phạm Thị Huê, vợ của trưởng thôn đang bơm nước từ chiếc vòi được cắm từ dưới sông lên bể. Theo ghi nhận, thứ nước sông mà gia đình bà Huê đang dùng có màu xanh nhạt, mùi hôi tanh. Bà Huê cho biết: Gần 30 năm nay, gia đình tôi dùng nước sông để sinh hoạt. Biết là bẩn nhưng chịu thôi, vì xã chưa bố trí kéo nước sạch về cho dân, nên giờ cũng đành phải dùng.
Cách nhà bà Huê một cánh đồng là nhà ông Nguyễn Văn Nghiêu (70 tuổi, thôn Minh Đường). Ông Nghiêu dẫn chúng tôi ra cánh đồng ngay sát nhà, chỉ tay vào hố nước nhỏ, nơi đang cắm vòi nước ở đáy. “Cứ bơm nước từ chỗ này lên bể, lắng bụi rồi dùng thôi. Nhà tôi dùng nguồn nước này hơn 13 năm rồi, cũng biết là bẩn lắm, vì thuốc trừ sâu hay rác thải ngấm vào. Nhưng thôi, đành chịu chứ biết làm gì hơn”- ông Nghiêu tặc lưỡi.
Đi dọc nhiều tuyến kênh của xã Gia Lạc, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc ống dẫn nước cắm sâu xuống lòng kênh để lấy nước vào bể. Theo đó, nguồn nước này sẽ được bơm trực tiếp vào bể chứa của các hộ dân sau đó lọc qua bằng cát và sử dụng. Tìm hiểu từ phía người dân được biết, vì đất xung quanh khu vực xã Gia Lạc bị nhiễm phèn nên nguồn nước từ giếng đào của người dân thì bị chua, còn nước từ giếng khoan lại bị mặn. Chấp nhận sử dụng nguồn nước bẩn để sinh hoạt, nhưng để ăn uống, người dân 2 xóm trên phải đi mua nước sạch từ thành phố hoặc các vùng phụ cận để dùng với giá 100.000 đồng/m3.
Trạm bơm quá tải, xuống cấp trầm trọng
Được biết, vào năm 1991, trên địa bàn xã Gia Lạc được xây dựng một trạm cấp nước sinh hoạt để phục vụ cho 600 hộ dân với công suất 25m3/giờ. Theo tìm hiểu, nguồn nước đầu vào của trạm này được lấy từ sông Hoàng Long, qua nhiều lần xử lý bằng các “công nghệ” thô sơ của những năm 90, nước sẽ được lọc qua 3 lần rồi cho vào bể, tiếp đó, nước sẽ theo đường ống dẫn tới các nhà dân.
Đến nay, sau 30 năm vận hành, trạm cấp nước này xuống cấp thê thảm. Bao phủ từ các bể lắng cho tới khu nhà chính là cỏ dại, rêu phong. Tại các bể lắng, bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy những vết nứt trên thành bể. Còn với các đường ống, sau thời gian dãi nắng dầm mưa, các ống nước bắt đầu bị bị giòn, có thể gãy hoặc nứt toác bất cứ lúc nào.
Về chất lượng nước, ông Đinh Văn Thạo, quản lý Trạm cấp nước sinh hoạt xã Gia Lạc cho biết: Suốt hàng chục năm qua, dù biết chất lượng nước không đảm bảo nhưng người dân trong xã vẫn phải dùng. Và cho tới nay, nguồn nước này vẫn là nguồn nước chính để người dân trong xã sinh hoạt.
Với tốc độ gia tăng dân số cực nhanh, hiện nay, trên địa bàn xã Gia Lạc có tới hơn 1.500 hộ dân. Do đó, trạm bơm đã quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu nước sạch sinh hoạt. Về vấn đề này, ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lạc cho biết: Xã đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết nước sạch cho người dân. Năm 2019, 2020 có doanh nghiệp về khảo sát để cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, nhưng không biết gặp vấn đề gì nên tới nay vẫn chưa thấy họ triển khai. Việc thiếu nước sạch thì người dân đã đề cập rất nhiều trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại, nhưng hiện vì kinh phí xã không có để xây mới hay nâng cấp trạm cấp nước nên cũng đành chờ cơ quan chức năng cấp trên.