Theo thống kê của các cơ quan chức năng, số tiền chậm, nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến thời điểm này khoảng 14.000 tỷ đồng. Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu lao động đang bị doanh nghiệp (DN) nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên, trong đó hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do DN đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn.
Hà Nội là một trong những địa phương tình trạng nợ BHXH, BHYT dai dẳng. Đến hết tháng 2/2023, các cơ quan chức năng TP Hà Nội ghi nhận 87.000 đơn vị, DN chậm đóng BHXH với tổng số tiền là 5.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.552 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022. Trong đó, tỉ lệ chậm đóng BHXH phải tính lãi hiện là gần 1.875 tỷ đồng, bằng 2,92% so với tổng số tiền cần thu; chậm đóng kéo dài từ 12 tháng trở lên là hơn 1.716 tỷ đồng, bằng gần 31% tổng số nợ hiện hữu.
Đáng chú ý có hơn 23.000 đơn vị, DN chậm đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng trở lên. Có hàng chục DN chậm đóng trên 10 tỷ đồng, trong đó Công ty CP LILAMA 3 chậm đóng hơn 42 tỷ đồng, Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu VIT Garment (hơn 33 tỷ đồng), Công ty CP Cầu 12 (hơn 30 tỷ đồng)…
Còn tại TPHCM, tính đến hết tháng 2/2023, có 1.077 đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động trên 6 tháng với tổng số tiền từ 300 triệu đồng trở lên.