Kinh tế

Nỗ lực chuyển đổi năng lượng từ 'nâu' sang 'xanh'

NAM ANH 02/11/2024 09:16

Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang rất tích cực tham gia các nỗ lực quốc tế về biến đổi khí hậu và chủ động đưa ra các cam kết lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Để giảm phát thải, đạt phát thải ròng bằng 0, một trong những giải pháp quan trọng đó là phải chuyển đổi năng lượng từ “nâu” sang “xanh”.

duoi.jpg
Rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ chống biến đổi khí hậu mà còn mang lại nguồn lợi lớn từ bán tín chỉ carbon. Ảnh: M.Q.

Về lộ trình và thời điểm Việt Nam sẽ bắt đầu phân bổ hạn ngạch và triển khai thí điểm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS), ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho hay: Theo kế hoạch, đến tháng 6/2025 chúng ta sẽ tiến hành phân bổ hạn ngạch, sau đó thị trường bắt đầu tiến hành giao dịch, trao đổi hạn ngạch. Như vậy thời gian không còn nhiều. Trong thời gian tới, cần phải có phương án thiết kế và quản lý hệ thống ETS phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của Việt Nam. Nhiệm vụ đánh giá do Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) chủ trì thực hiện, kéo dài từ nay đến tháng 6/2025 nhằm phục vụ triển khai giai đoạn thí điểm.

Tại hội thảo khởi động “Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam” do Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu tổ chức mới đây, các chuyên gia đã cập nhật về những quy định quản lý thị trường carbon trong nước và giao dịch tín chỉ carbon quốc tế của Việt Nam; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xác định các phương án quản lý và đánh giá tác động đối với Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và giao dịch tín chỉ carbon quốc tế.

Dự kiến trong giai đoạn thí điểm, chỉ có khoảng 150 doanh nghiệp là các cơ sở phát thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất sắt, thép; xi măng; nhiệt điện được đưa vào thị trường carbon. Hạn ngạch sẽ được phân bổ 100% miễn phí trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức và quản lý các hoạt động trao đổi, thu hồi, nộp trả, vay mượn hạn ngạch. Sau đó, Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028 và dự kiến kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, khu vực từ sau năm 2030.

Các chuyên gia môi trường nhận định, để đạt được các cam kết xanh và mục tiêu giảm phát thải trên, thì một trong những biện pháp quan trọng là định giá carbon. Trong khi đó, tín chỉ carbon cũng sẽ được chuyển giao và đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia/cơ chế quốc tế khác. Đây cũng là nguồn thu giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính trong nỗ lực giảm phát thải của quốc gia. Đơn cử tại Anh, việc áp dụng thuế carbon trong ngành điện đã giúp giảm 26% lượng CO₂ liên quan đến sản xuất điện chỉ trong vòng 3 năm. Và từ ngày 1/10//2024, Anh đã dừng sản xuất điện từ than đá.

Tiến sĩ Robert Ritz (Đại học Cambridge) nhấn mạnh quy định hạn ngạch phát thải chính là yếu tố thúc đẩy việc định giá carbon. Tuy vậy, tiến sĩ Robert Ritz cũng lưu ý nhà quản lý cần tính đến hỗ trợ chính sách nhằm hạn chế việc chuyển chi phí carbon (hay tăng giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng) để bù đắp chi phí tăng thêm do giá carbon.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực chuyển đổi năng lượng từ 'nâu' sang 'xanh'