Nhờ vai trò công tác vận động, tuyên truyền cùng với sự quyết liệt của chính quyền cơ sở, chỉ sau một thời gian ngắn TPHCM đã chuyển hóa được hàng nghìn “điểm đen” về ô nhiễm rác thải.
Những năm gần đây xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi xuất hiện nhiều bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường sống của người dân. Theo ông Lê Văn Lâm - người dân tại tổ 5, ấp 1 (xã Bình Mỹ), trước đây do một địa điểm trường mẫu giáo ở ấp 8 xã Bình Mỹ chuyển về cơ sở mới, khiến địa điểm cũ bị bỏ hoang. Nơi đây đã trở thành điểm tập kết đủ loại rác thải sinh hoạt tự phát. “Nhiều người thiếu ý thức đã biến nơi đây thành một điểm xả rác tự phát của địa phương” - ông Lâm cho biết.
Ủy ban MTTQ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi và các đoàn thể của địa phương đã quyết định thực hiện công trình chuyển hóa “điểm đen” xả rác thành khu dân cư xanh sạch đẹp. Để thực hiện mô hình, các cán bộ mặt trận và cán bộ Ban Công tác Mặt trận ấp 8, xã Bình Mỹ đã đến từng nhà người dân để tuyên truyền, vận động.
Từ việc đồng thuận và tự giác ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh, nhiều người dân đã cùng chung tay đóng góp, người góp sức, người ủng hộ vật liệu xây dựng để thực hiện công trình khu dân cư xanh sạch đẹp của địa phương.
Không chỉ riêng địa bàn huyện Củ Chi, đầu năm 2023, người dân khu phố 1, phường Cát Lái (TP Thủ Đức) còn biến một khu đất bỏ hoang nhiều năm và là nơi tập kết rác thải tự phát gây bức xúc tại địa phương này trở thành một “vườn rau xanh”.
Theo bà Lê Thị Nguyệt - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Cát Lái, từ nhận thức chung và quyết tâm xanh hóa “điểm đen” rác thải này, MTTQ và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường cùng các đoàn thể đã cùng nhau vận động người dân địa phương chung tay cải tạo khu đất trở thành một vườn rau xanh sạch và biến khu đất hoang hóa này trở thành công viên tập thể dục, vui chơi giải trí cho bà con trên địa bàn.
Cũng theo bà Nguyệt, hiện nay những sản phẩm rau, củ, quả tươi sạch từ mô hình “vườn rau” được cung cấp cho Bếp ăn nghĩa tình của MTTQ phường Cát Lái, để tặng cho người nghèo, người khó khăn trên địa bàn cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Ông Trần Minh Quân - Chi cục trưởng Chi cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, mô hình chuyển hóa “điểm đen” rác thải hiệu quả sẽ được nhân rộng để biến các “điểm đen” này trở thành các địa điểm sinh hoạt cộng đồng, công viên cây xanh hoặc sân chơi thiếu nhi phục vụ người dân.
Cũng theo ông Quân, chỉ qua 2 năm đầu tiên tổ chức mô hình này, toàn thành phố đã ghi nhận 1.900 điểm/công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường, trong đó có gần 200 điểm ô nhiễm chuyển hóa thành các khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên, khu sinh hoạt cộng đồng.
Ngoài chú trọng công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân ở các khu dân cư, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cũng dự thảo trình UBND TPHCM kế hoạch triển khai thực hiện “Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025”. Chương trình này nhằm mục tiêu phấn đấu có ít nhất 70% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn và có từ 98% trở lên chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý ngay tại nguồn đến năm 2025.