Đúng giờ này tuần trước, Hà Nội ồn ã với chuyện cá chết ở Hồ Tây-một trong những hồ nước đẹp và nổi tiếng nhất của Thủ đô. Sức nóng của vấn đề khiến cho TP đã phải huy động tổng lực làm sạch môi trường nước của hồ Tây. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng nhiều lần xuống hiện trường chỉ đạo. Bảo đảm sự trong lành cho nước sông, hồ ở Hà Nội là quyết tâm lớn của chính quyền Thủ đô.
Lực lượng chức năng đang nỗ lực xử lý cá chết trên Hồ Tây hôm 3/10.
Vào giữa tuần trước, trong cuộc họp BCH Đảng bộ Hà Nội, đích thân Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng đã lên tiếng chỉ đạo không để tiếp diễn tình trạng cá chết ở hồ Tây và cho biết thêm: Bộ Công an đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ việc này.
Theo như kết luận ban đầu của cơ quan chức năng Hà Nội thì sự cố cá chết là do mức oxy đã về 0 (vào thời điểm cá chết); không có đủ dưỡng khí để duy trì cuộc sống bình thường của các loài thủy sản nước ngọt trong hồ.
Biện pháp cấp bách đã được thực hiện ngay đó là đưa các máy tạo oxy để “tái tạo” lại nước hồ Tây. Nguyên nhân cá chết là do thiếu oxy. Còn vì sao thiếu oxy thì hiện chưa xác định cụ thể. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, để xảy ra sự cố như vậy là chúng ta quản lý chưa tốt, “phải kiên quyết làm việc này, không để xảy ra một lần nữa”.
Nói chung, những gì cấp bách Hà Nội đều đã làm; giờ là lúc người ta nghĩ đến những giải pháp lâu dài để cứu hồ Tây khỏi cơn “đại họa” vừa qua. Ấy mới là việc cần thiết!
Cũng nhờ chính sự cố ấy, người ta mới giật mình nhìn lại: chính mình đã vô tình khiến nước sông, hồ ô nhiễm. Tốc độ đô thị hóa nhanh ở mức chóng mặt, dân số tăng lên người ta xây thêm nhiều chung cư để phục vụ nhu cầu của người dân- điều ấy tốt thôi.
Nhưng, lấp hồ, lấp dòng chảy để lấy đất làm nhà đã đành; để cho tiện và giảm thiểu chi phí rất có thể hệ thống xử lý nước thải cũng được tiện thể cho đấu nối vào các hồ nước, sông suối gần nhất.
Chính vì thế, Hà Nội đã lên chương trình hành động nâng tỷ lệ xử lý nước thải của thành phố từ 22% lên 40-50% trong thời gian tới. Với riêng hồ Tây, rồi đây sẽ phải có trạm quan trắc nước, rà soát, đầu tư các hệ thống thu gom nước thải…
Trong một nỗ lực khác, hôm cuối tuần qua, Hà Nội đã khởi công xây nhà máy xử lý nước thải nghìn tỷ, làm “sống lại” sông Tô Lịch. Dự án này có tên là Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trên diện tích hơn 4.800 ha, từ 7 quận, huyện và sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Nhuệ với tổng vốn đầu tư hơn 16 ngàn tỉ đồng.
Dự án sẽ xử lý nước thải sinh hoạt trên diện tích hơn 4.800 ha từ 7 quận, huyện: Ba Đình, Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì và 2 con sông trong thành phố với công suất 270 ngàn m3/ ngày đêm và hệ thống thu gom, cống bao… dài đến hơn 50km.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, công trình Yên Xá được kỳ vọng sẽ góp phần làm sống lại các con sông vốn nổi tiếng khi xưa trên địa bàn Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.
Một nỗ lực cứu môi trường rất đáng hoan nghênh của Hà Nội; một quyết tâm rất đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đã nổi lên như một vấn nạn. Và, nói như Bí thư Hoàng Trung Hải, “Hà Nội không nằm ở ven biển mà đợi một cơn gió thổi hết mọi thứ ra khơi để có không khí sạch. Thành phố ở trong nội địa do vậy bắt buộc phải xử lý môi trường tại chỗ tốt”.
Nhưng, muốn cho nước sông, nước hồ trong sạch thì nỗ lực của chính quyền là chưa đủ nếu bản thân người dân không ý thức đầy đủ về môi trường sống của chính mình.
Chính quyền có thể đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh nhưng chỉ cần thiếu ý thức một chút thôi, mọi nỗ lực có thể sẽ không là gì cả. Chỉ một chút thiếu ý thức và một chút lơ là, sẽ lãnh đủ, mà sự cố hồ Tây là một ví dụ buồn.
Nếu ở địa phương khác, chuyện ô nhiễm nước như ở hồ Tây hay chuyện ô nhiễm ở các dòng sông bao quanh TP chưa chắc đã được quan tâm nhiều. Nhưng với một Thủ đô thì khác. Xử lý câu chuyện ô nhiễm của Hà Nội, bảo vệ môi trường sống của Hà Nội thế nào? Đó là điều người ta nhìn vào để từ đó “đo” thái độ ứng xử của người Thủ đô với nhau, với môi trường xung quanh.