Quốc tế

Nỗ lực quay trở lại không gian

Bảo Thư 24/06/2024 13:41

Phát biểu tại Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế ILA Berlin 2024 (sân bay Brandenburg, phía Nam Thủ đô Berlin), Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, Liên minh châu Âu (EU) sẽ không để bị tụt hậu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

anh-1-bai-nho.jpg
Tên lửa Ariane 6. Nguồn: Spacenews.

Châu Âu không muốn chậm chân

Sở dĩ ông Scholz nói như vậy là do khoảng cách trong lĩnh vực này giữa EU với Mỹ, Nga, một số quốc gia châu Á dường như đang bị giãn rộng. Vì thế, được cho là đầy tham vọng khi ILA Berlin 2024 lấy chủ đề "Tiên phong trong hàng không vũ trụ". Với diện tích trưng bày rộng 150.000m2, các nhà triển lãm hiện trưng bày những cải tiến công nghệ mới nhất, bao gồm máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng bằng điện, hệ thống đẩy thân thiện với khí hậu cũng như các hệ thống vệ tinh và phòng không.

ILA Berlin 2024 có tới 600 công ty và tổ chức từ 31 quốc gia tham dự và các nước thành viên EU cũng đã cho thấy những tiến bộ rất đáng kể.

Tại triển lãm, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) Josef Aschbacher bất ngờ thông báo: Tên lửa Ariane 6 sẽ được phóng lần đầu tiên vào ngày 9/7 tới. Tên lửa được sử dụng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo này ban đầu được lên kế hoạch phóng vào năm 2020, nhưng đại dịch Covid-19 và nhiều vấn đề kỹ thuật khiến kế hoạch không triển khai được. Trước đó, phiên bản Ariane 5 đã "nghỉ hưu" vào tháng 7/2023 sau 27 năm phóng lần đầu tiên khiến EU không có phương tiện độc lập để tự đưa các vệ tinh vào không gian.

Vào hồi cuối tháng 11/2023, ESA thông báo kế hoạch phóng tên lửa Ariane 6 lần đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 15/6 - 31/7/2024. Ariane 6 được thiết kế để theo kịp sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường tên lửa, bao gồm cả SpaceX của tỷ phú Elon Musk trong lợi thế khám phá vũ trụ.

Trong bối cảnh cuộc đua khám phá vũ trụ đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết, ESA cũng không muốn chậm chân quá lâu; ít ra là đã bị trì hoãn 4 năm so với các cường quốc hàng không vũ trụ khác. Giám đốc ESA chia sẻ: "Ariane 6 là một bước tiến vô cùng quan trọng đối với công cuộc du hành vũ trụ ở châu Âu vì con tàu này sẽ giúp chúng tôi quay trở lại không gian. Chúng tôi không chấp nhận việc các quốc gia EU đánh mất khả năng tiến vào không gian vũ trụ. Việc phóng tàu lần này (dự kiến trong tháng 7) sẽ giúp chúng tôi có được sự độc lập với các đối tác khác".

Đại diện ESA cũng cho biết, đối với các phi hành gia, Ariane 6 sẽ là cơ hội để mở đường cho tương lai của ngành hàng không vũ trụ châu Âu và tạo nền tảng cho việc áp dụng các chuyến bay thương mại lên vũ trụ như một phương tiện đi lại hàng ngày.

Trong khi đó, bà Samantha Cristoforetti - phi hành gia lại nói: "Chúng tôi rất cần một phương tiện vận chuyển hàng hóa mới ở châu Âu bởi chúng tôi phải sẵn sàng cho viễn cảnh khi Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) không còn nữa, thay vào đó là các trạm vũ trụ tư nhân. Chúng tôi muốn trở thành nhà cung cấp chính trong ngành chứ không phải là khách hàng".

Bà Cristoforetti cũng khẳng định, EU muốn có được “kỳ tích công nghiệp thực sự” chứ không phải là “kẻ hưởng thụ”.

Điều ít biết về nữ phi hành người Nga Valentina Tereshkova

Những nỗ lực và quyết tâm của EU, mà cụ thể là Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) khiến người ta nhớ lại chuyến bay lịch sử trên con tàu Vostok 6 khi nữ phi hành gia người Nga Valentina Tereshkova bay 3 vòng quanh Trái đất.

anh-2-bai-nho.png
Valentina Tereshkova cùng con tàu huyền thoại Vostok 6.

Bà Valentina, sinh năm 1937 trong một gia đình nông dân tại một ngôi làng nhỏ ở miền Trung nước Nga. Sau chuyến bay của nhà du hành Gagarin - người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ (12/4/1961), Liên Xô (cũ) đã quyết định cử một đại diện phụ nữ bay lên vũ trụ với tiêu chí khắt khe, trong đó phải biết nhảy dù. Bà Valentina, khi đó đang là công nhân, đã vượt qua 400 ứng viên sau khi thực hiện thành công hơn 120 lần nhảy dù.

Sau đó, bà phải trải qua một quá trình huấn luyện thể chất và tâm lý cực kỳ nghiêm ngặt, bao gồm mô phỏng không gian không trọng lực và huấn luyện sinh tồn một cách đơn độc. Bà cũng được hướng dẫn về kỹ thuật điều hướng tàu vũ trụ và kiến thức thiên văn học. Ngày 16/6/1963, Valentiana bước vào khoang tàu vũ trụ Vostok 6, để thực hiện bay vòng quanh Trái đất 48 lần trong 3 ngày, với tổng lộ trình gần 2,5 triệu km.

Khi đó, người ta chỉ biết đến thành công vang dội của người phụ nữ “làm nên lịch sử” hàng không vũ trụ thế giới mà thôi. Mãi đến khi sinh nhật lần thứ 70, bà Valentina mới tiết lộ rằng đã xảy ra một số sự cố kỹ thuật khiến bà tưởng mình không về được trái đất.

"Chương trình đã lập sau khi hoàn thành nhiệm vụ con tàu sẽ bay theo hướng hạ xuống đất, nhưng nó lại bay theo hướng lên quỹ đạo. Tôi không tiếp giáp được với mặt đất mà mỗi vòng bay, con tàu lại cách xa dần mặt đất" - bà Valentina nhớ lại và cho biết, chỉ sang ngày thứ hai, sau khi các nhà khoa học đưa số liệu mới vào chương trình, quỹ đạo bay mới được chỉnh sửa để bà cùng nhóm phi hành gia về được Trái đất.

Kể lại điều đó, bà Valentina muốn nói rằng, bay vào vũ trụ là điều vô cùng khó khăn. Nhưng dẫu thế thì con người cũng sẽ không bao giờ thôi khát vọng chinh phục vũ trụ. Thực tế thì chuyến bay của bà Valentian đã thu hút sự chú ý toàn thế giới khi chứng minh rằng phụ nữ có thể thực hiện các nhiệm vụ giống như nam giới. Tại Ấn Độ, bà Valentina được xem như "hình mẫu chuẩn mực nữ quyền mang thông điệp hy vọng cho phụ nữ" - theo The Washington Post. Bà cũng mở đường cho Svetlana Savitskaya trở thành người phụ nữ thứ hai du hành vũ trụ vào năm 1982.

Cũng ít người biết rằng, ở tuổi 26, Valentina Tereshkova được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Sau đó, bà tốt nghiệp xuất sắc và trở thành giáo sư tại Học viện Kỹ thuật Không quân mang tên Zhukovsky. Bà cũng là người phụ nữ Liên Xô đầu tiên được phong hàm Thiếu tướng không quân và là thành viên của Đội du hành vũ trụ (1962 - 1997).

Valentina Tereshkova cũng từng là thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới và được Liên hợp quốc tặng Huy chương Hòa bình. Tên của bà được đặt cho một ngọn núi lửa trên mặt trăng, một tiểu hành tinh, cũng như một loạt các tuyến phố trong và ngoài nước Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực quay trở lại không gian