Thời gian qua, thay cho cách làm truyền thống, nhiều dịch vụ như điện, nước, mua bán hàng… đã được chuyển đổi sang hình thức thanh toán phi tiền mặt. Giới chuyên gia nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là thời kỳ hậu Covid-19.
Người dân vẫn giữ thói quen tiêu tiền mặt
Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. Mục tiêu này cho thấy quyết tâm trong việc chuyển đổi từ việc thanh toán truyền thống sang “nói không với tiền mặt”.
Tuy nhiên, phía cơ quan chức năng cũng nhận định, hiện nay tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử vẫn còn thấp. Nguyên do là bởi, việc thay đổi thói quen của người dân trong thanh toán từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt không hề đơn giản, cần phải có một quá trình dài.
Chị Lê Thị Huyền Trang (32 tuổi, ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, thói quen sử dụng tiền mặt để mua sắm đã ăn sâu vào tư duy, suy nghĩ của chính bản thân chị cũng như nhiều bà nội trợ, bởi vậy nên việc chuyển đổi sang kiểu thanh toán không tiền mặt là khá khó khăn. “Đi ra khỏi nhà, đi du lịch, mua sắm hay bất cứ làm gì, ở đâu, tôi cũng không thể chỉ cầm một chiếc thẻ ATM, vì như thế cảm thấy bất an lắm. Đi xa là tôi phải cầm nhiều tiền một chút, như thế mới an tâm”, chị Trang nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi (65 tuổi, ở Hoa Bằng, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bày tỏ, việc phải cầm một chiếc thẻ từ hoặc phải làm quen với công nghệ hiện đại trong giao dịch, thanh toán vốn với những người cao tuổi như bà là rất khó khăn. “Tôi rất ngại việc phải dùng chiếc điện thoại rồi bấm số, nhớ mật khẩu, rất nhiều thao tác mà những người cao tuổi như chúng tôi khó làm quen. Trong khi cầm tiền mặt để thanh toán tiền hàng hóa đơn giản hơn rất nhiều”, bà Chi nói và cho biết thêm, đó còn chưa kể, đi về quê hoặc đi du lịch đâu đó vào nơi mạng yếu (dịch vụ internet kém) thì việc thanh toán qua thiết bị công nghệ cao là bất khả kháng.
Có thể thấy, hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi được thói quen sử dụng tiền mặt. Rất nhiều người chỉ an tâm khi cầm tiền mặt trong tay khi đi du lịch hoặc đi mua sắm.
Tuy nhiên, nếu nói về tính an toàn, thì việc sử dụng dịch vụ thanh toán phi tiền mặt sẽ đảm bảo độ an toàn cao hơn rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho rằng, trên thực tế, một phần của nguyên nhân khiến tỉ lệ thanh toán không tiền mặt trong thương mại điện tử chưa cao là do niềm tin của người tiêu dùng đối với các giao dịch thương mại điện tử vẫn còn hạn chế, trong khi đó chính sách bảo vệ người tiêu dùng cũng chưa đồng bộ.
Hiện thực hóa mục tiêu
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ hướng tới 4 mục tiêu chính: Thứ nhất, tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt với mức tăng trưởng cao; phổ cập, đưa việc sử dụng các phương thức, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và tạo sự lan tỏa, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Thứ hai, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đổi mới, phát triển hạ tầng thanh toán, phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày một tăng, yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế. Thứ tư, phấn đấu đạt một số mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm, qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%…
Với những mục tiêu này, thời gian qua, nhà quản lý đang có nhiều nỗ lực để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Nhấn mạnh điều này, PGS.TS Hoàng Xuân Quế - Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho hay: Cơ quan quản lý nhà nước đã có những cơ chế thích hợp và các tổ chức cung ứng đã có những thay đổi mạnh mẽ để tạo nên một bức tranh tươi sáng về thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua tại Việt Nam. Trên thực tế, bước đầu đã thay đổi thói quen của người dân về thanh toán.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã nỗ lực triển khai ứng dụng công nghệ để thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, đại diện Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), cho biết: Ngân hàng đã triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác chuyển đổi số hoạt động để thực hiện các giao dịch một cách thuận tiện nhất, điều này góp phần rút ngắn thời gian giao dịch và tiết kiệm nhiều chi phí…
Để khuyến khích khách hàng tham gia nhiều hơn trong các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lê Thanh Hà - đại diện Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, vấn đề cốt lõi nằm ở chính sách giá và quản trị rủi ro. Với vai trò ngân hàng hiện nay, bên cạnh cung cấp sản phẩm, rất cần việc thực hiện chính sách về giá sao cho giá đến với người dân ở mức hợp lý và an toàn nhất.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một chương trình giáo dục cộng đồng về thanh toán không tiền mặt. Chương trình này cần được triển khai từ trong trường học đến các phương tiện truyền thông. Nhiều nước trên thế giới như Mỹ đã từng làm 20 năm trước. “Chúng ta phải làm sao đến năm 2025 thì 40% giao dịch thương mại là thanh toán không tiền mặt, 80% người dân có tài khoản ngân hàng”, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngành tài chính ngân hàng kỳ vọng.