Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: Vượt bão dịch

Minh Phương - Thúy Hằng 21/06/2021 09:32

Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta đã và đang phải đương đầu với đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Tuy nhiên, cùng với cả nước, cộng đồng  doanh nghiệp Việt Nam vẫn vững vàng.

Ở đây, có phần không nhỏ sự đóng góp của báo chí trong việc tuyên truyền, cổ vũ khích lệ cũng như phản ánh kịp thời ý kiến đúng đắn của doanh nghiệp; thông tin các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến cộng đồng doanh nghiệp.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp khiến cho doanh nghiệp (DN) gặp khó chồng khó. Con số 60.000 DN buộc phải rút khỏi thương trường cho thấy, sức tàn phá ghê gớm của “giặc dịch”. Tuy nhiên, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, dù khó khăn như vậy, cộng đồng DN vẫn mạnh mẽ vững vàng vượt qua.

Quyết chí bền lòng

Là chủ một DN trong ngành dịch vụ, khách sạn, hơn 1 năm trở lại đây, đại dịch Covid-19 đã khiến cho chuỗi nhà hàng, resort tại Sa Pa (Lào Cai) và Pù Luông (Thanh Hóa) của ông Nguyễn Đạt Trường bất động.

Chưa dừng lại ở đó, một nhà hàng Việt Nam tại thủ đô Thimphu của Buhtan đã được ông Trường dày công gây dựng nhiều năm về trước cũng lao đao vì dịch bệnh. Tuyệt nhiên không có một giao dịch nào trong hơn 1 năm qua, và đến thời điểm này, những chuỗi nhà hàng, resort của ông Nguyễn Đạt Trường đã bị dịch bệnh “quật ngã” hoàn toàn.

Ông Nguyễn Đạt Trường.

Chuỗi nhà hàng với cái tên rất thân thương “Nhà hàng Dao đỏ” của vị giám đốc trẻ vốn nườm nượp khách du lịch quanh năm, giờ đây trở nên trống vắng, hoang sơ vì hơn 1 năm trời không có khách ghé thăm.

“Đại dịch thật khủng khiếp, nó làm tiêu tan bao nhiêu niềm hy vọng của vợ chồng tôi, chúng tôi đặt cược cả tâm tư, ý tưởng, cả sự nghiệp của mình vào chuỗi nhà hàng đó. Vậy nhưng, vừa mới trưởng thành chưa được bao lâu, “đứa con tinh thần” của chúng tôi đã bị dịch Covid-19 quật ngã” – ông Trường kể lại. Thiệt hại là không thể kể hết, bởi ngoài thiệt hại về tài chính, những ý tưởng mà vợ chồng vị giám đốc trẻ vẽ nên cho chuỗi nhà hàng “nên thơ” trên một triền dốc ở TP Sa Pa đã bị “san bằng” mới thực sự là đáng tiếc. “Cả một nhà hàng ở Thủ đô Thimphu thuộc đất nước hạnh phúc nhất - Buhtan mà tôi đã đặt vào đó bao công sức, niềm tin và hy vọng, giờ cũng tiêu tan” - ông Trường nhớ lại.

Giữa lúc quay quắt vì dịch bệnh, không thể nhìn những đứa con tinh thần cứ án binh bất động mãi, ông Trường quyết định chuyển hướng kinh doanh. Dịch Covid-19 không biết còn kéo dài bao lâu nữa, làn sóng đại dịch lần thứ 4 còn khủng khiếp hơn 3 lần trước, khi mà số ca nhiễm bệnh vẫn gia tăng từng ngày, độ lây lan nhanh và mạnh, thậm chí F5 cũng trở thành F0... là những điều khủng khiếp mà con virus Sar-CoV-2 ám ảnh xã hội, ám ảnh cộng đồng DN.

“Đặc biệt các DN ngành du lịch là những đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên vì Covid-19, nhưng lại hồi phục sau cùng bởi thiệt hại về kinh tế khiến cho người dân còn lâu mới “đủ lực” để nghĩ đến chuyện du lịch. Các DN ngành du lịch dịch vụ chính là những DN “chịu trận” nặng nề nhất”- ông Trường chia sẻ và cho biết, trong bối cảnh đó, thương mại điện tử chính là “cứu cánh” của các DN.

Nhận thấy, khi các kênh bán hàng trực tuyến phát triển mạnh mẽ, nhu cầu vận chuyển hàng là rất lớn, ông Trường quyết định chuyển sang làm ngành vận chuyển. Nghĩ là làm, vị giám đốc với khát khao chiến thắng dịch bệnh, không bị khuất phục trước khó khăn, đã thành lập Công ty Dịch vụ vận chuyển Vạn Phúc, chuyên về chuyển phát nhanh hàng hóa. Lúc đầu mới thành lập, công ty chỉ có hơn chục nhân viên, nhưng sau 1 năm, Vạn Phúc đã sở hữu gần 200 nhân viên vận chuyển, cùng với đó là việc đầu tư các trang thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ cho nhu cầu ngày càng lớn của thị trường.

“Đến thời điểm này, có thể khẳng định tôi đã có lựa chọn rất sáng suốt. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, kênh mua hàng trực tuyến đã thay thế dần kênh truyền thống nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa của cả bên mua và bên bán rất lớn, mỗi ngày chúng tôi nhận hàng nghìn đơn hàng, doanh thu khá ổn định” - ông Trường nói và bày tỏ hy vọng: “Chuỗi nhà hàng khách sạn của tôi dù chưa thể khởi động lại nhưng trong tương lai không xa, khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi, tôi tin những đứa con tinh thần của tôi sẽ được hồi sinh”.

Nỗ lực chống dịch, phục hồi sản xuất

60.000 là con số DN phải rút khỏi thương trường trong 5 tháng đầu năm 2021. Trong thương trường, số DN không làm ăn được, buộc phải tạm ngừng sản xuất là chuyện bình thường, tuy nhiên, nếu nhìn vào con số khoảng 55.000 DN thành lập mới trong 5 tháng đầu năm, thì con số 60.000 kia thực sự là con số đáng quan ngại. Dù nằm trong số những DN đã có nguy cơ buộc phải rời khỏi thương trường, song với tinh thần “thép”, vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty Vạn Phúc đã “thoát hiểm”, giờ đây, ông cùng hàng trăm nhân viên trong công ty vẫn đang tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa duy trì hoạt động kinh doanh.

Ông Thân Đức Việt.

Trong số những ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngoài ngành du lịch, dịch vụ bị tác động mạnh mẽ, dệt may cũng là ngành lao đao vì Covid-19.

Gần như cả năm 2020, ngành dệt may ở cảnh “trống đơn hàng” khi các giao dịch thương mại bị đứt gãy. Xuất khẩu hàng may mặc luôn tăng trưởng cao các năm nhưng đã bị đại dịch “nhấn chìm”. Nhìn lại bức tranh của ngành may mặc trong năm 2020, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, đó là quãng thời gian khó khăn nhất của ngành dệt may nói chung và Tổng công ty May 10 nói riêng. Làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ nhất, các nước nhập khẩu đóng cửa hoàn toàn, các đối tác hủy bỏ hết các đơn hàng. Trong quý I và quý II của năm 2020, chúng tôi hầu như “trắng đơn hàng”.

Tuy nhiên, trong rủi có may, khi đó, nhận thấy nhu cầu sử dụng các thiết bị phòng chống dịch của thế giới lên cao, chúng tôi đã chuyển đổi sản phẩm, tập trung may các dòng sản phẩm chống dịch để xuất khẩu. Từ đó, mắt xích giao dịch được kết nối lại, các đơn hàng bắt đầu được đối tác ký kết. “Tuy nhiên, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này, thực sự khó khăn hơn rất nhiều” - ông Việt nói.

Theo vị Giám đốc May 10, các DN ngành may mặc nói chung đều sử dụng rất nhiều lao động, như tại May 10 là 12.000 lao động tại DN và công ty liên kết. Dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ với sự lây lan nhanh chóng và phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến các khu công nghiệp. Để sản xuất được ổn định, Công ty chúng tôi đã thường xuyên rà soát, truy vết, khoanh vùng người lao động có tiếp xúc hoặc ở gần bán kính ca nhiễm F0, F1.

“DN cũng rất chú trọng công tác tuyên truyền, yêu cầu người lao động tuân thủ triệt để các biện pháp phòng, chống dịch. Bởi nếu chỉ 1 ca nhiễm cũng sẽ ảnh hưởng toàn bộ dây chuyền và phải đóng cửa nhà máy, việc dừng sản xuất dù chỉ 1 ngày cũng ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ giao hàng và hoạt động DN do tính chất thời vụ của công việc” - ông Việt cho biết.

Công nhân Công ty May 10 an toàn làm việc trong dịch Covid-19.

Thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ yêu cầu, không chỉ tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, May 10 còn áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn cung về nguyên phụ liệu, lực lượng lao động cũng như các giải pháp về logistics.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nỗ lực áp dụng chuyển đổi số, sử dụng thương mại điện tử để tìm kiếm đối tác, tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, đó là những yếu tố quan trọng trong bối cảnh đại dịch hoành hành như hiện nay” - Tổng Giám đốc Công ty May 10 chia sẻ.

Có thể thấy, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng DN để có thể trụ vững trong bão dịch là rất lớn. Song, không ít chuyên gia kinh tế nhìn nhận, những DN có thể cầm cự được trong hơn 1 năm qua, đến thời điểm này sức khỏe cũng đã suy yếu rất nhiều. Sẽ không biết họ còn có thể trụ vững được bao lâu nữa nếu như đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành.

“Những DN lớn và vừa còn có thể trụ được, nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ đã “buông” từ lâu rồi” – một chuyên gia kinh tế đã nói như vậy khi “đo nhiệt kế” cho sức khỏe của DN thời điểm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: Vượt bão dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO