Chính thức khởi động ngày 16/4/2016 trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế - Hà Nội 2016 (VITM 2016), chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” sau gần một năm triển khai đã góp phần giảm thiểu những hình ảnh xấu xí của du khách Việt. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của những nhà quản lý thì việc giải quyết triệt để những ứng xử không văn minh trong du lịch thời gian qua vẫn luôn là câu chuyện “nóng”.
Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ bị nhiều du khách viết, vẽ bậy lên.
Vẫn chưa khắc phục được hình ảnh xấu xí
Ngày 9/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam – VITM 2017 , Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Câu lạc bộ Nhà báo du lịch phối hợp tổ chức buổi tọa đàm Chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt Nam – Một năm nhìn lại”.
Theo đó, chiến dịch đã đặt ra 10 hành động đẹp trong ứng xử khi đi du lịch gồm giữ nụ cười thân thiện, chào hỏi và nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi” trong giao tiếp; Xếp hàng trật tự, không chen lấn, xô đẩy, không gây ồn ào nơi công cộng; Không lãng phí thực phẩm, không lấy thừa thức ăn, đồ uống; Không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường; Hãy tôn trọng và ý thức nhường đường cho người khác, tuân thủ luật lệ giao thông; Giúp đỡ, ưu tiên người lớn tuổi, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em; Tôn trọng phong tục tập quán và văn hóa mỗi địa phương; Lắng nghe thuyết minh và tìm hiểu thông tin về các điểm du lịch khi tham quan; Không vẽ, chạm khắc, sờ vào những hiện vật của các di tích, các điểm trưng bày; Quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với các thành viên cùng đoàn khi đi du lịch.
Sau gần một năm thực hiện chiến dịch, theo đánh giá du khách Việt vẫn chưa khắc phục được những hình ảnh xấu xí. Nhiều khách du lịch Việt khi ra nước ngoài vẫn có hành vi xả rác bừa bãi, xâm phạm di tích tại các điểm du lịch trong nước hay như trốn ở lại nước ngoài; lãng phí thức ăn, hành vi chưa văn minh; vi phạm luật pháp và phong tục tập quán của nước sở tại… Những điều này đã ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín quốc gia, tác động không nhỏ đến cộng đồng du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Xuyên – Chủ tịch CLB Nhà báo Du lịch dẫn chứng những hình ảnh xấu xí của du khách khi đi du lịch bị cộng đồng lên án mạnh mẽ, đó là sự việc 2 thanh niên chụp ảnh khỏa thân ở đỉnh Pha Luông, Sơn La (tháng 10-2016); Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên-Huế) là bảo vật quốc gia đã bị nhiều du khách viết, vẽ bậy lên; du khách xả rác ở quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt đầu năm 2017; du khách ăn mặc phản cảm khi đi lễ chùa…
Còn dưới góc độ làm nghề, hướng dẫn viên Hồng Nguyên (Công ty Lữ hành HanoiTourist) cũng thẳng thắn thừa nhận khách du lịch Việt vẫn đang mắc những lỗi cơ bản như không chấp hành luật lệ giao thông, không xếp hàng, gây tiếng ồn, lấy thừa thức ăn buffer, xả rác… Hơn thế khách du lịch Việt Nam dường như vẫn chưa có khái niệm tôn trọng các hướng dẫn viên nói riêng và những người làm dịch vụ du lịch nói chung.
Pháp lý hoá quy tắc ứng xử
Cùng với chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt”, mới đây Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Bộ qui tắc ứng xử văn minh du lịch, Thủ đô Hà Nội cũng đã ban hành bộ Qui tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố…
Đây là những tín hiệu tích cực từ phía các cơ quan quản lý nhằm xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện. Song để những qui tắc ứng xử văn minh này phát huy tác dụng trong thực tiễn cần sự vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ từ các địa phương, người dân, du khách và nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ông Nguyễn Công Hoan - PGĐ HanoiRedtours cho biết: Nâng cao hình ảnh du khách Việt rất có lợi với doanh nghiệp lữ hành bởi nếu thực hiện tốt sẽ có những tour tốt.
Vì thế, ông Hoan kiến nghị các công ty du lịch khi làm tour cần gửi khuyến cáo cho du khách về những điều cần thiết, lưu ý khi tham gia tour. Ngoài ra, Bộ Qui tắc ứng xử cần được cụ thể hóa thành thông điệp truyền thông chung. Nên biểu tượng hóa thành những ký hiệu mà tất cả các du khách ai cũng hiểu được về cách ăn mặc, ko xả rác, phải xếp hàng…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó giám đốc Công ty TransViet phân tích việc tuyên truyền cần phải thực hiện tế nhị, đúng cách. Nhưng để giải quyết triệt để các bất cập cần có những chế tại xử phạt, khen chê rõ ràng. Thậm chí, với những công ty thực hiện tốt chương trình văn minh du lịch, cần được xét tặng các danh hiệu, giải thưởng du lịch hàng năm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Hanoitourist đề xuất: ngành du lịch cũng nên giám sát chéo nhau, nhằm phản ánh tích cực trên tinh thần xây dựng. Bên cạnh đó, xây dựng bộ quy tắc ứng xử cần có hướng dẫn đầy đủ, phải được pháp lý hóa với doanh nghiệp. Về phần doanh nghiệp cũng cần quán triệt tới các đơn vị, cơ sở để có ứng xử hợp lý.
Như thế, để đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp hơn 10% GDP; phấn đấu đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp không khói của Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. Mà việc bắt đầu thay đổi từ ý thức và hành vi của người đi du lịch cũng không phải là điều đơn giản.