Lượng khách du lịch những tháng cuối năm đang tăng, giúp ngành du lịch tiến dần tới mục tiêu đón từ 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024. Khách du lịch tăng, nhưng nhân lực ngành du lịch... vẫn lo.
Phải có sức cạnh tranh
Hiện cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo chưa sát với thực tế, dẫn đến nghịch lý là dù nhu cầu nhân sự lớn nhưng rất khó tìm ứng viên phù hợp.
Theo sát thực tế, các chuyên gia nhận định, nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch còn thấp. Trong khi đó, để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia. Lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như Thái Lan, Philippines và Malaysia... Hiện nay, lao động Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam để làm việc khá nhiều, hầu như khách sạn 4 - 5 sao đều có lao động nước ngoài.
GS.TS Đào Mạnh Hùng - Chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam cho rằng, vấn đề phát triển nhân lực đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam. Đây cũng là tiêu chí đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững. Chỉ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực được quan tâm đúng mức và hợp lý mới duy trì được thương hiệu và chất lượng phục vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế. “Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng” - GS.TS Hùng nhấn mạnh.
Hiện mỗi năm ngành du lịch cần hơn 40.000 lao động, nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch ra trường hàng năm chỉ có khoảng 15.000 người. Trong đó, hơn 15% có trình độ cao đẳng, đại học; lao động có trình độ đại học và trên đại học mới chiếm 9,7%; sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm trên 50%; dưới sơ cấp là 39,3%. Trong số đó chỉ có 43% được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về các ngành nghề du lịch.
PGS.TS Bùi Thanh Thủy - Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, đối với ngành du lịch, nguồn nhân lực được xem là tài sản quý giá, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững của ngành. Thực trạng nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch còn thiếu về mặt số lượng, và chưa đảm bảo về chuyên môn. Chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường lao động du lịch được đánh giá chung là chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Năm 2024, Việt Nam nhận 3 giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á"; "Điểm đến di sản hàng đầu châu Á" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á". Các giải thưởng này đã cho thấy vị thế và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế ngày càng lớn.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thắng - Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Công nghệ Đông Á): Để phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ số, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, cần bắt đầu từ cơ sở đào tạo, phải đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đặc biệt quan tâm đến ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thực tế, thực hành, thực tập. Ngoài ra, từ vấn đề nội tại, mỗi người lao động trong ngành cần tích cực học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ. Đặc biệt là kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc, sẵn sàng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới phục vụ công việc của bản thân.
Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thị Trang Nhung (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) cho rằng, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải luôn được chú trọng. Thành lập thêm các cơ sở đào tạo du lịch, tăng chỉ tiêu tuyển sinh nhưng cần chú ý đến năng lực đào tạo (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy…). Không vì thiếu mà chạy theo số lượng rồi bỏ qua chất lượng. Đặc biệt đối với bậc đào tạo tiến sĩ du lịch, quy mô cả nước có 3 đơn vị đào tạo là không đủ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong khi bối cảnh hiện nay rất cần nguồn nhân lực có chất lượng cao.
“Đào tạo phải gắn liền và đáp ứng được nhu cầu xã hội, vì vậy phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Tăng cường đào tạo kỹ năng mềm, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên. Đẩy mạnh về liên kết đào tạo quốc tế với các trường có chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tốt trong khu vực và trên thế giới” - bà Nhung chia sẻ.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, đào tạo du lịch không chỉ là cơ sở đào tạo, quan trọng là đào tạo cho ai, ở đây chính là doanh nghiệp. Vai trò quan trọng của doanh nghiệp là cùng cơ sở đào tạo để có đầu ra là những người tốt nghiệp đáp ứng đủ phẩm chất, năng lực, kỹ năng và kiến thức cho yêu cầu của kinh doanh.
Hiện cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch; 55 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, 4 trung tâm về dạy nghề. Tuy nhiên, do các chương trình đào tạo chưa sát với thực tế, dẫn đến việc dù nhu cầu lớn nhưng rất khó tìm ứng viên phù hợp.