No tai nhưng… đói bụng

Đơn Thương 27/05/2016 22:00

Đi cơ sở, gần dân, thực tế, cầm tay chỉ việc cho dân lâu nay đã là chủ trương của Trung ương và các cấp chính quyền. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhất là khu vực miền núi, nhiều cán bộ đã không thực hiện chủ trương và quy định này nên dẫn đến hiện tượng công việc triển khai không hiệu quả, thậm chí lại đem đến sự mất niềm tin, nghi ngờ của người dân.

Để các dự án cho vùng cao có hiệu quả, cần những cán bộ nói đi đôi với làm.

Khái quát vấn đề này, đã có một câu nói mang tính triết lý: “Mọi lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi”. Cô đúc là thế, nhưng hiểu theo một cách nguyên nghĩa của bài viết này, thì tạm biết, từ lý luận, đến thực tiễn là cả một khoảng cách. Sách vở đến lý thuyết là cả một khoảng cách, nó cần những cán bộ có tâm, có tầm, rất thực yêu quý dân và biết xót cho ngân sách nhà nước được chi trả mới làm được.

Để tránh tình trạng lý luận suông, xa vời thực tiễn, nhiều khu vực miền núi, đã triển khai hình thức “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) của lãnh đạo với nhân dân. Nghĩa là có gần dân, ăn với dân, ở với dân và làm với dân mới biết dân cần, dân thiếu cái gì, để từ đó biến lý luận và kiến thức sách vở thành thực tế cho dân.

Tuy nhiên hiện nay, do hạn chế về nhận thức, một số cán bộ lười nên vẫn tồn tại tình trạng nói và “dạy dân làm” trên sách vở, nên khi dân triển khai thì rất bỡ ngỡ, thậm chí không biết, dẫn đến các hình thức phát triển kinh tế, các điều kiện xã hội đều xa và không phù hợp với thực tế, như vậy ngân sách tốn kém.

Đi nhiều vùng, gặp những cán bộ, đến với dân, dùng văn bản nói nghe hoành tráng lắm. Nhưng khi hỏi, hay dân yêu cầu thực tế thì cán bộ ấy đành lắc đầu, nói không biết. Chỉ nói suông, không biết thực hành, gặp những cán bộ ấy, đồng bào đều bảo: Đấy là cán bộ cho dân no cái lỗ tai nhưng… đói cái bụng.

Nhiều lần đi vùng cao, gặp những chương trình của các cán bộ thuộc diện “cho dân no tai chứ không no bụng” này thấy lo lắm. Đơn giản như chuyện trồng cà phê ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc những năm về trước người ta vẫn rầu lòng lắm. Những năm ấy, chả hiểu sao, cái mảnh đất rất lạ lẫm với cây cà phê tự dưng có dự án trồng cà phê về.

Các cán bộ thuộc diện “cho dân no tai không no bụng” ấy đem đề án xuống “chém” với dân. Dân nghe nhiều, tin và làm theo. Rồi rốt cục, cà phê không sống được, đổ bể dự án, dân nghèo gánh thêm nợ.

Tưởng rút kinh nghiệm nhiều, nhưng thực tế hiện nay những cán bộ thuộc diện này vẫn tồn tại. Gần đây nhất, trong một lần đi Tây Nguyên, người viết vẫn gặp cán bộ này. Cũng lại đề án, cán bộ ôm sách và dự án về, “chém” với dân gần 3 ngày. Kết thúc, hỏi ý kiến, một già làng đại diện đứng lên phát biểu: Dự án cán bộ nói hay lắm. Nhưng 3 ngày “theo cán bộ”, chúng tôi chỉ thấy… no tai thôi chứ bụng vẫn còn đói lắm!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    No tai nhưng… đói bụng