Tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đã tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng.
Nỗi lo nợ xấu phình to
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022 của các ngân hàng, nợ xấu đang có chiều hướng tăng. Tại ngân hàng Ngân hàng Quốc tế (VIB), tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,32% đầu năm lên 2,45%. Còn với TPBank, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,82% lên 0,84%. Thậm chí, có ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3% khi kết thúc năm 2022...
Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính quý IV năm 2022 của 27 ngân hàng niêm yết, dư nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2022 đã tăng đến 35% so với hồi đầu năm, lên trên 136.400 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Quốc dân (NCB) là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3, 4, 5) trên tổng dư nợ cao.
Lý giải về việc số dư nợ xấu tăng cao trong năm qua, NCB cho biết, do ngân hàng đã thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng do dịch Covid-19 hết hạn vào ngày 30/6/2022. Vì thế, ngân hàng đã thực hiện thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của NHNN.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng nhận định, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng năm 2023 sẽ tăng nhẹ lên 1,65%. Nguyên nhân một phần do Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Ngoài ra, nợ xấu còn có thể tăng lên do các vấn đề liên quan đến việc thị trường bất động sản trầm lắng, các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ.
Thực tế từ đầu năm tới nay, một số doanh nghiệp bất động sản đã thông báo mất khả năng thanh toán, không trả nợ gốc, lãi trái phiếu đúng hạn. Các chuyên gia cho rằng, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm qua.
Riêng trong hoạt động quản lý nợ xấu lĩnh vực bất động sản, số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy, dư nợ tín dụng của lĩnh vực bất động sản cuối năm 2022 đã lên tới 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% so với năm 2021. Đây là mức cao nhất trong 5 năm qua. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này năm 2022 đã tăng lên mức 1,81%, trong khi năm 2021 chỉ ở mức 1,67%.
Khó xử lý nợ
Tình hình chung về nợ xấu đã cho thấy một bức tranh không nhiều màu sáng, đặc biệt, khi xét cụ thể theo các nhóm nợ thì vấn đề nợ xấu của ngành ngân hàng lại đáng lo ngại hơn khi nhóm nợ khó thu hồi đều có xu hướng tăng cao.
Hiện các ngân hàng đều đang nóng lòng muốn xử lý dứt điểm những khoản nợ xấu khó đòi bằng cách rao bán tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, NCB hiện đang liên tục đăng thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của cá nhân, doanh nghiệp là bất động sản, nhà máy… thậm chí mới đây là lô hàng (tài sản hình thành từ vốn vay) của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thuận Phát, nhưng chính NCB cho biết, tài sản đảm bảo đã bị tẩu tán, khó có khả năng thu hồi. Tương tự, không ít ngân hàng cũng đang phải đưa ra thông báo bán đấu giá khoản nợ và tài sản đảm bảo, không chỉ rao bán một lần mà nhiều tài sản còn được rao bán nhiều lần, chấp nhận hạ giá nhưng vẫn khá “ế ẩm”.
Thực tế là vấn đề xử lý nợ xấu ngân hàng đã liên tục được nhắc đến trong các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Chỉ có một tín hiệu đáng mừng duy nhất, đó là nợ xấu tăng lên nhưng lợi nhuận của các ngân hàng vẫn đủ khỏe để hỗ trợ, tăng cường trích lập dự phòng. Tổng lợi nhuận các ngân hàng thương mại niêm yết tăng trưởng khoảng 24% trong quý IV/2022 và tăng 37% trong cả năm 2022. Vì vậy, các ngân hàng thương mại chủ động cân đối tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng hiện nay được nhận định ở mức khá cao.
Các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, dù nợ xấu đang cơ bản được kiểm soát dưới ngưỡng 2%, nhưng vẫn còn nhiều khả năng tăng lên trong năm 2023 do nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp còn khó khăn.
Ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank dự báo, nửa đầu năm 2023 sẽ có những khó khăn, trong đó thị trường bất động sản và một số lĩnh vực liên quan vẫn đình đốn sẽ khiến nợ xấu gia tăng. Các ngân hàng cần tiếp tục quản trị rủi ro một cách chặt chẽ để nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát.
Kiểm soát rủi ro đầu tư trái phiếu của ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản trả lời cử tri TP Hà Nội về thanh tra, kiểm tra các ngân hàng trong phát hành, tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Văn bản này được NHNN phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện.
Cụ thể, NHNN cho biết, năm 2022, thanh tra, giám sát ngành ngân hàng đã triển khai 1.420 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó 1.034 cuộc theo kế hoạch và 385 cuộc thanh kiểm tra đột xuất. Riêng với hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng, NHNN thông tin đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm. NHNN khẳng định sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng để xảy ra các vi phạm đã cảnh báo, ngân hàng chậm khắc phục sai phạm. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế về hoạt động thanh tra theo hướng chặt chẽ và phù hợp chuẩn mực quốc tế.
Theo báo cáo tài chính, tính tới cuối năm 2022, các ngân hàng thương mại cổ phần đang nắm giữ gần 190.000 tỷ đồng TPDN. Trong đó, 5 ngân hàng nắm giữ TPDN nhiều nhất là MB, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB. MB, trong đó, VPBank là ngân hàng có mức tăng trưởng đầu tư TPDN lớn nhất năm 2022 với mức tăng 18%.