Nỗi buồn bên những công trình nghìn tỷ - Bài 1: 13 năm đói nghèo

Phạm Hưởng 25/08/2017 08:35

Cơn sốt thủy điện chưa bao giờ hết nóng. Chỉ riêng hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã có hàng trăm thủy điện lớn nhỏ vây ráp khắp các dòng sông, gây xáo trộn lớn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và làm suy giảm diện tích đất canh tác cũng như đất rừng trên địa bàn.

Rời làng mang theo bao niềm hi vọng thoát nghèo, nhưng 13 năm nay, hàng trăm hộ dân hai thôn tái định cư Kon Lanh Te và Kon Vol 1, xã Đắk Rong, huyện Kbang (Gia Lai) vẫn đang vật lộn với đói nghèo. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề khiến nhiều người dân phải di tản tìm sinh kế.


Nơi rừng thiêng nước độc mà người dân cũng phải mua nước về để sinh hoạt.

Nhà xây để ngắm, nước mua từng giọt

Vào năm 2004 có gần 80 hộ dân thuộc hai thôn Kon Lanh Te, Kon Vol1, xã Đắk Rong, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) phải rời làng để nhường lại đất cho chủ đầu tư Dự án thủy điện Vĩnh Sơn (Cty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh). Đổi lại, chủ đầu tư đã xây dựng một khu tái định cư khang trang, với đầy đủ các công trình phụ kèm theo như trường học, nhà Rông, khu vui chơi cho trẻ em đến cả công trình nước sạch, trông rất bắt mắt.

Đến thôn Kon Lanh Te, nếu phóng tầm mắt có thể ngắm trọn hồ C của thủy điện Vĩnh Sơn, nhưng ngặt một nỗi, cả khu tái định cư lại nằm chót vót trên đỉnh đồi, giữa bốn bề núi rừng, tựa như cái “gông” khiến cuộc sống của người dân, bao năm qua vẫn thiếu thốn, khó khăn trăm bề.

Anh A Sen - Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Kon Lanh Te, nguyên ở huyện Kon Plông (Kon Tum) về đây cưới vợ, cho biết: Cuộc sống của bà con chẳng có gì thay đổi, nhiều hộ còn nghèo đi, điều mà anh thấy bất ngờ nhất là tận nơi rừng thiêng nước độc, người dân phải mua từng giọt nước về sinh hoạt. “Nước sinh hoạt phải mua do thủy điện Vĩnh Sơn bơm lên, mỗi mét khối gần 4.000đ, bà con cứ hai tháng trả một lần. Thôn có kiến nghị làm nông thôn mới, làm ruộng, đường giao thông, kiến nghị miết về nước dùng cho bà con nhưng đến nay vẫn vậy” - anh A Sen ngao ngán.

Không có đất rẫy sản xuất, nước sinh hoạt phải mua, ở trong căn nhà to, đẹp mà lo cái bụng đói, nhiều người dân đã lặn lội lên núi, xuống sông tìm kiếm phụ phẩm từ thiên nhiên để sống qua ngày. Ngồi trầm ngâm trong căn nhà tái định cư, Anh Đinh Văn Vào (26 tuổi), than vãn: Trước đây rẫy nhiều lắm, nhưng giờ ngập hết rồi”.

Là người con của thôn Kon Lanh Te, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Rong Đinh Văn Chá thừa nhận cuộc sống bà con hiện rất khó khăn về đất sản xuất và nước sinh hoạt. Khi hồ nước dâng lên, toàn bộ diện tích vùng bán ngập hơn 300ha bị ngập hết. Trong xã còn một thôn tái định cư khác cuộc sống cũng vô cùng khó khăn là thôn Kon Von1 “vì đất tái định cư quá xấu, làm ruộng không được, đào ao cũng không xong” - ông Chá nói.

Điều thay đổi lớn nhất trong thôn mà bà con không muốn nhắc tới đó là số hộ gia đình ngày một tăng lên sẽ thiếu quỹ đất canh tác cũng đồng nghĩa với việc bà con sẽ đối diện với nguy cơ đói nghèo.

“Di dân chứ chưa an dân”

Ông Đinh Nào - Chủ tịch xã Đắk Rông cho biết, người dân ở đây có kiến nghị mỗi khi HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri, đến giờ chưa có cách nào giải quyết. Việc thiếu đất sản xuất và đất ở cho bà con là do trước đây khi thực hiện tái định cư không tính toán quy hoạch, không có quỹ đất dự phòng cho làng, tái định cư chỉ xây nhà còn hệ thống thủy lợi dẫn nước chưa đảm bảo, mưa xuống xói mòn khiến đường ống hỏng.

Trao đổi với PV, một cán bộ phụ trách công tác đền bù, di dân tái định cư Ban QLDA Cty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cho biết: “Hồ C thủy điện Vĩnh Sơn được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2004, các hạng mục khác đi kèm như thủy lợi, nước sinh hoạt, công trình phụ trợ như giao thông… sau khi nhà thầu thi công và bảo hành một năm đã giao lại cho xã, huyện quản lí. Sau này bị hỏng, huyện đã đề nghị hỗ trợ, phía Công ty đã hỗ trợ, hàng năm Công ty cũng thăm hỏi, hỗ trợ bà con”.

Về việc thủy điện tích, xả nước khiến nhiều ruộng vườn của bà con bị ngập, vị lãnh đạo này nói: “Bà con người đồng bảo chỉ thích làm rẫy chứ không muốn làm lúa nước, ruộng ở vùng bán ngập đã giao hết cho dân canh tác, họ vẫn canh tác ở đó, chỉ mùa mưa mới bị ngập”.

Phó Chủ tịch huyện Kbang Phạm Xuân Trường thừa nhận sự bất cập trong các khu tái định cư hiện nay, không riêng gì 2 thôn tái định cư xã Đắk Rong mà 5 thôn định cư tại xã Đắk Smar và Lơ Ku của thủy điện An Khê - Ka Nak cũng tương tự. Các khu tái định cư không có quỹ đất dự phòng, khi người ta tách hộ ra nên thiếu đất ở và đất sản xuất, người dân phải kêu ca.

Theo ông Trường, rất nhiều khu tái định cư khi hoàn thành giao lại cho địa phương quản lí, họ cứ nghĩ như thế là xong rồi nên phớt lờ trách nhiệm.

“Vừa rồi làm việc với mấy Sở và đi khảo sát thực tế, chúng tôi có kiến nghị Cty thủy điện Vĩnh Sơn phải lập Quỹ phúc lợi xã hội, bởi vì thực ra chủ đầu tư chưa quan tâm đến vấn đề giữ rừng. Hiện nay chủ đầu tư mới chỉ di dân chứ lòng dân chưa an” - ông Trường nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗi buồn bên những công trình nghìn tỷ - Bài 1: 13 năm đói nghèo