Quốc tế

Nội chiến tiếp tục tàn phá Sudan

Bảo Thư 04/11/2024 10:07

Nội chiến ở Sudan đã khiến hơn 14 triệu người, tương đương khoảng 30% dân số nước này phải di dời kể từ khi giao tranh nổ ra cách đây hơn một năm.

Anh bai duoi
Các bé gái xách nước trong trại tị nạn Zamzam (ngoại ô Darfur, Sudan).

Ngày 3/11, theo thông tin từ Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), trong số đó, 11 triệu người phải sơ tán trong nước và 3,1 triệu người đã chạy trốn sang các quốc gia láng giềng. Theo bà Amy Pope - Tổng Giám đốc IOM, quy mô của tình trạng di dời và nhu cầu nhân đạo đang tăng lên mỗi ngày. Trên thực tế, có tới một nửa dân số Sudan hiện cần được trợ giúp khi mà họ không được tiếp cận với nơi trú ẩn, nước uống sạch hoặc dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Với thực trạng trên, dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng và 50% dân số Sudan đang phải vật lộn để có được lượng thực phẩm tối thiểu để tồn tại. Bà Pope cho biết tình trạng đói kém đã xảy ra ở khu vực Bắc Darfur.

Nội chiến ở Sudan nổ ra vào tháng 4/2023 khi căng thẳng giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đối thủ leo thang thành bạo lực ở thủ đô Khartoum và lan rộng trên khắp cả nước.

Hơn 24.000 người đã thiệt mạng. Các hành động tàn bạo và tội ác chiến tranh đã diễn ra, bao gồm hiếp dâm và thanh trừng sắc tộc. Gần đây nhất, giao tranh dữ dội đã nổ ra ở khu vực Đông - Trung Sudan khiến 124 người thiệt mạng trong những cuộc tấn công của lực lượng RSF.

Một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng cuộc nội chiến ở Sudan có thể cướp đi vô số sinh mạng nếu không có hành động ngay lập tức, vì nạn đói và dịch bệnh lan rộng trong khi giao tranh ngày càng dữ dội.

"Trẻ em và bà mẹ suy dinh dưỡng đang chết vì không được chăm sóc. Dịch tả đang lan rộng ở nhiều nơi trên cả nước. Các nhân viên cứu trợ phải đối mặt với những thách thức lớn" - Giám đốc khu vực của WHO Hanan Balkhy phát biểu trong một cuộc họp báo tại Cairo và nhấn mạnh, ước tính số người chết lên tới hàng chục nghìn người, nhưng con số này rất không chắc chắn, trong bối cảnh đất nước Sudan bị chia rẽ do cuộc chiến giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) và các cơ sở y tế bị tê liệt.

Tại thủ đô Khartoum, 75% cơ sở y tế đã ngừng hoạt động, trong khi tình hình ở phía Tây và miền Nam nước này còn tệ hơn. Hơn 20.000 ca bệnh tả đã được ghi nhận trong năm nay tại một nửa trong số 18 bang của Sudan, đợt bùng phát dịch tả lây lan nhanh hơn bất kỳ đợt nào khác vào năm 2023 - ông Richard Brennan - Giám đốc cấp cứu khu vực của WHO, cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nội chiến tiếp tục tàn phá Sudan