Báo Đại Đoàn Kết đã giới thiệu toàn văn Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, do Bí thư Trung ương ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; cùng với “Phụ lục 1” của Báo cáo. Đại Đoàn Kết xin trích giới thiệu nội dung cơ bản kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; tại “Phụ lục 2”.
(Tiếp theo kỳ trước)
Bộ Giáo dục và Đào tạo
(Công văn số 4154/BGDĐT-VP ngày 16/9/2019)
Nội dung kiến nghị: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có giải pháp hữu hiệu khắc phục các yếu kém: Một số quy định của ngành giáo dục và chính quyền địa phương vẫn còn bất cập.
Bộ đã thực hiện: Rà soát, hoàn thiện các quy định về giáo dục và đào tạo:
Trình Quốc hội thông qua Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Rà soát, phân tích những tác động tích cực và hạn chế của Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009, tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Giáo dục hiện hành để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020).
Triển khai Luật Giáo dục năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 26/7/2019 ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Theo đó, Bộ GDĐT được giao chủ trì xây dựng 5 nghị định thời hạn trình tháng 4/2020. Đồng thời, Bộ GDĐT tổ chức soạn thảo, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục năm 2019 để các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống.
Hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, nâng cao chất lượng đào tạo…
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và một số bộ, ban ngành triển khai sơ kết, đánh giá 5 năm việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT và Báo cáo Ban Bí thư…
Bộ đang thực hiện: Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51- KL/TW với 06 nhiệm vụ cụ thể: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện Nghị quyết. (2) Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân. (3) Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở; xây dựng xã hội học tập. (4) Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. (5) Tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục, đào tạo. (6) Ðẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục.
Xây dựng kế hoạch để tổng kết việc thực hiện các mục tiêu đổi mới toàn diện GDĐT giai đoạn 2011-2020 và xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Nội dung kiến nghị: Giải pháp khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục đào tạo.
Bộ đã và đang thực hiện: Tổ chức tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo trong toàn ngành về đổi mới hoạt động dạy học; không chạy theo điểm số, chỉ tiêu thi đua trong dạy học.
Chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 3/10/2017. Theo đó, các cơ sở giáo dục được tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục; tiếp tục tinh giản nội dung dạy học đảm bảo không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình; tăng cường hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa để tiếp nhận và vận dụng kiến thức; thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, không nặng về kiểm tra kiến thức nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh, khắc phục hiện tượng chạy theo thành tích trong dạy học.
Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GDĐT đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, bảo đảm yêu cầu giảm tải, giảm hàn lâm, gắn với thực tiễn; thực hiện tốt phương pháp giáo dục tích cực, tăng cường hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm cho học sinh; kiểm tra, đánh giá, thi cử nhẹ nhàng, không nặng về kiểm tra kiến thức mà tập trung đánh giá sự phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Bộ GDĐT xem đây là giải pháp quan trọng nhằm từng bước khắc phục “bệnh thành tích” trong giáo dục.
Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản không còn phù hợp, dễ dẫn tới bệnh thành tích; tinh giản các cuộc thi để giảm áp lực cho giáo viên, học sinh phổ thông; xây dựng các tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực để đánh giá sự tiến bộ của từng tập thể, cá nhân.
Nội dung kiến nghị: Giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực học đường.
Bộ đã và đang thực hiện: Trình Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục 2019, quy định nhiệm vụ và quyền của người học, quy định trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục; quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục (Điều 23), nhiệm vụ của người học (Điều 82); quy định rõ trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp trong việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo điều hành khác nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống tội phạm tệ nạn xã hội và bạo lực học đường.
Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên. Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tích hợp giáo dục kỹ năng sống trong các môn học và hoạt động giáo dục, đổi mới nội dung, phương pháp trong môn đạo đức, giáo dục công dân…; tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện; xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục… Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh, trong đó gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình học sinh về hoạt động của nhà trường…
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo; việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; kịp thời nắm bắt các thông tin xử lý tại địa phương và tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng, tuyên truyền rộng rãi trong toàn ngành các tấm gương người tốt, việc tốt.
Nội dung kiến nghị: Rà soát, hạn chế những “lỗ hổng” trong thi phổ thông quốc gia trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Bộ đã thực hiện: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để tổ chức tốt hơn kỳ thi năm 2019 với một số điểm mới: + Quy định rõ nội dung đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và đồng thời tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT (70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp THPT: 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh; thay vì tỷ lệ 50:50 như trước đây) để đảm bảo đúng mục tiêu, ý nghĩa, tính chất của Kỳ thi THPT quốc gia. + Điều động các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH,CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình. + Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, các thí sinh tự do, thí sinh là học viên giáo dục thường xuyên phải thi chung Điểm thi với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT (tỷ lệ ít nhất 60% trong tổng số thí sinh của điểm thi); thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi, lưu trữ, bảo quản đề thi, bài thi tại Điểm thi và Hội đồng thi. + Bộ GDĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử”; đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do sở GDĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra. + Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời với chỉ đạo các sở GDĐT, các trường ĐH,CĐ thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy định của quy chế; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan Công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng hơn, được Thủ tướng Chính phủ và nhân dân ghi nhận, dư luận xã hội đánh giá cao.
Nội dung kiến nghị: Xử lý cán bộ vi phạm thuộc thẩm quyền của Bộ.
Bộ đã và đang thực hiện: Tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham gia kỳ thi THPT năm 2018 nhằm nhìn nhận thẳng thắn vấn đề, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và đề ra giải pháp khắc phục để triển khai tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và những năm tiếp theo; đề nghị các địa phương cùng với việc xem xét, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức và phụ huynh có hành vi gian lận điểm thi cho con em, cần cương quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục địa phương những cán bộ giáo viên có sai phạm.