Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn ủng hộ việc tu bổ và làm đậm thêm nét văn hóa Việt tại các ngôi chùa Việt, trong đó có việc gắn biển tên chùa bằng tiếng Việt.
Lễ khánh thành biển di tích chùa Khánh Vân, ngày 11/8/2016.
Năm 1889, hơn 100 năm sau khi du nhập vào Thái Lan, Phật giáo Việt tông được Nhà Vua Chulalongkorn (Vua Rama V) chính thức công nhận với tên gọi “Annam-nikai.” Từ đó, đích thân các Nhà Vua Thái ban tên cho chùa Việt và sắc phong cho các Hòa thượng trụ trì, Việt tông trở thành một trong hai tông phái Phật giáo nước ngoài duy nhất được thừa nhận tại Vương quốc Thái Lan, nơi Phật giáo là quốc giáo với 94% dân số là phật tử.
Lịch sử Phật giáo Việt tông tại Thái Lan gắn liền với lịch sử quan hệ hai nước. Gần 250 năm trước, một số người Việt sang Thái Lan lánh nạn, trong đó có Chúa Nguyễn Phúc Ánh, người sau này sáng lập ra triều đại nhà Nguyễn tại Việt Nam. Từ thời đó đến giữa thế kỷ XX, người Việt sang định cư tại Thái Lan, bất kể vì lý do gì, được chính quyền và nhân dân địa phương cưu mang, hỗ trợ. Họ luôn gìn giữ văn hóa Việt, xây dựng đền chùa và nhà thờ tại nơi sinh sống. Thời kỳ này, đã có tổng cộng 10 ngôi chùa Việt được xây dựng, phần lớn ở khu vực Bangkok, không kể nhiều đền thờ Trần Hưng Đạo tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Chùa Việt được các Vua Rama III, IV và V đặc biệt quan tâm và đích thân hỗ trợ, do đó có điều kiện phát triển mạnh tại Thái Lan. Chính qua cảm nhận về văn hóa và con người Việt Nam, thể hiện rõ nhất qua sự hiện diện của Việt kiều và các ngôi chùa Việt ngay tại thủ đô Bangkok, mà Hoàng gia và không ít chính quyền Thái sau này cũng như đông đảo người dân Thái đã đồng cảm, chia sẻ với Việt Nam. Trong một số giai đoạn lịch sử, hai nước đã cùng chung chiến hào trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Lễ khai trương biển tên tiếng Việt chùa Khánh An, ngày 9/2/2016.
Những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, các ngôi chùa Việt tại Thái Lan là địa chỉ tin cậy, nơi qua lại thường xuyên của các nhà cách mạng Việt Nam đi tìm đường cứu nước, trong đó có Thầu Chín, người sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên ở nước ngoài được đặt tại Bangkok, và hoạt động đối ngoại đầu tiên của cơ quan này là kỷ niệm tròn năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, tổ chức ở chùa Từ Tế, nơi Bác Hồ đặt chân tới đầu tiên khi Người tới Xiêm La (Thái Lan) tháng 7 năm 1928.
Thời chính phủ của Thủ tướng Pridi Banomyong, nhân dân Thái và cả các chùa Thái đã dang tay đón nhận và giúp đỡ phong trào kháng chiến của Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả hỗ trợ vũ khí. Trong những năm 1960 và 1970, mặc dù chính quyền Thái Lan có chính sách không thân thiện đối với Việt Nam và Việt kiều, nhưng các chùa Việt vẫn tiếp tục được xây dựng ở nhiều tỉnh, nơi có Việt kiều sinh sống, như là một minh chứng cho tinh thần từ bi bao dung của Phật giáo và thành ý của các vị hòa thượng Việt tông.
Mặc dù Phật giáo Theravada của Thái Lan có nhiều điểm khác so với Phật giáo Mahayana của Việt Nam, song nhiều người dân Thái vẫn năng lui tới chùa Việt. Một số đền, chùa trước đây thuộc Trung Hoa tông nhưng đã xin “cải giáo”, gia nhập Việt tông, như chùa Long Sơn ở tỉnh Kanchanaburi hay chùa Tam Bảo Công ở tỉnh Chachoengsao. Nghi lễ Công Đức của Việt tông đã trở thành một trong những nghi lễ không thể thiếu trong các lễ tang tại Hoàng cung, lễ Cúng sao giải hạn và lễ Vu Lan trở thành nếp sinh hoạt bình thường của người dân Thái.
Theo Công chúa Maha Chakri Sirindhorn, chùa Việt dù chính thức thuộc Phật giáo Thái Lan song có bản sắc riêng, độc đáo, làm giầu thêm cho Phật giáo sở tại. Do đó, Công chúa luôn ủng hộ việc tu bổ và làm đậm thêm nét văn hóa Việt tại các ngôi chùa này, trong đó có việc gắn biển tên chùa bằng tiếng Việt. Hiện nay tổng cộng đã có 21 chùa Việt được Thái Lan chính thức công nhận, hai chùa nữa ở Mukdahan và Sakaeo đang trong quá trình xem xét chấp thuận.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1976 – 2016), thêm sáu chùa đã được bà con Phật tử Việt kiều phối hợp với chính quyền địa phương và đại sứ quán gắn biển tên chùa bằng chữ Việt, bên cạnh các biển tên chữ Thái và chữ Nôm. Đặc biệt, dịp khai trương “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Thái Lan” 11 tháng 8 năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã cùng Thị trưởng Bangkok khánh thành biển di tích chùa Khánh Vân, ngôi chùa gắn liền với lịch sử quan hệ hai nước hơn 200 năm qua.
Khách du lịch Việt Nam cũng như các nước khi tới Thái Lan thường tìm tới các khu tưởng niệm Bác Hồ và chùa Việt. Những cuốn phim, câu chuyện về “Thầu Chín ở Xiêm” lôi cuốn du khách tới những nơi Bác Hồ từng đặt chân tới cũng như những ngôi chùa Việt lịch sử. Họ không chỉ muốn vãn cảnh chùa, nghe các nhà sư Thái tụng kinh bằng tiếng Việt, mà còn muốn tận mắt chứng kiến sự giao thoa của hai nền văn hóa Thái Lan – Việt Nam.
Những năm gần đây, Việt kiều đã cùng chư tăng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa tại chùa Việt. Ngoài lễ Kỵ Tổ, lễ Vu Lan được tổ chức trọng thể hàng năm tại nhiều chùa Việt. Riêng tại Bangkok, nơi có bẩy ngôi chùa Việt, lễ Vu Lan được tổ chức lần lượt tại các chùa để thu hút đông đảo bà con Việt kiều và du khách.
Chùa Khánh An ở tỉnh Udon Thani đã thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa thường xuyên của Việt kiều, tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ, dạy tiếng Việt cho thiếu nhi, mừng thọ các cụ già, tổ chức các lễ hiếu, v.v… Kể từ khi có biển tên tiếng Việt tháng 2/2016, chùa Khánh An thu hút sự quan tâm của Việt kiều cũng như người dân Thái tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và nhiều tổ chức, người dân Việt Nam.
Văn hóa là nền tảng và cũng là sức sống của hợp tác, hữu nghị giữa hai dân tộc. Tại Thái Lan, ngoài những đóng góp to lớn về văn hóa và ngôn ngữ của Việt kiều, các ngôi chùa Việt, áo dài và ẩm thực là những tài sản văn hóa vô giá, giúp phát huy giá trị Việt và vị thế của Việt Nam, đồng thời thể hiện tính “thống nhất trong đa dạng” của Cộng đồng ASEAN mà hai nước đều là những thành viên tích cực, có trách nhiệm. Khi quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, văn hóa là nhân tố ngày càng quan trọng giúp Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Danh sách chùa Việt đã được công nhận tại Thái Lan:
1. Chùa Quảng Phước (廣福寺, วัดอนัมนิกายาราม, Wat Annamnikaiyaram, tên Thái do Vua ban, chùa Việt đầu tiên, xây dựng khoảng năm 1787). Địa chỉ: 803/1 Pracharat sai 1, Bangsue, BANGKOK 10800 (làng Bangpho, quận Bangsue).
2. Chùa Khánh Vân (慶雲寺, วัดอุภัยราชบำรุง, Wat U Phai Rat Bamrung, chùa Việt thứ hai tại Thái Lan sau chùa Quảng Phước, xây dựng cuối thế thế kỷ 18). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra khai trương biển di tích lịch sử bằng ba thứ tiếng Thái, Việt, Anh ngày 11/8/2016. Địa chỉ: 864 Charoenkrung, Taladnoi, Samphanthawong, BANGKOK 10100.
3. Chùa Hội Khánh (會慶寺, วัดมงคลสมาคม, Wat Mongkol Samakhom, đã có biển tên chùa tiếng Việt, xây dựng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19). Địa chỉ: 48 Plaeng Nam Rd, Samphanthawong, BANGKOK 10100.
4. Chùa Khánh Thọ (慶壽寺, วัดถาวรวราราม, Wat Thavorn Wararam, tên Thái do Vua ban, xây dựng năm 1834, gắn biển tên chùa tiếng Việt ngày 29/6/2016). Địa chỉ: 3 Chaokhunnen Rd., Ban Nua, Amphor Muang, KANCHANABURI 71000.
5. Chùa Cảnh Phước (Chùa Ông Năm, 禛囯景福寺, วัดสมณานัมบริหาร, Wat Somananam Boriharn, tên Thái do Vua ban, xây dựng khoảng 1840). Địa chỉ: 416 Lukluang Rd., Mahanak, Dusit, BANGKOK 10300.
6. Chùa Phước Điền (福田寺, วัดเขตร์นาบุญญาราม, Wat Khetnaboonyaram, xây dựng khoảng năm 1840). Địa chỉ: 28 Khwang Rd., Tambon Watmai, Amphor Muang, CHANTHABURI 22000.
7. Chùa Phổ Phước (普福寺, วัดกุศลสมาคร, Wat Kusolsamakorn, xây dựng khoảng năm 1850-1860). Trụ sở An Nam Tông tại Thái Lan; trụ trì: Hòa thượng Thích Kính Chiếu, Tăng trưởng Phật giáo Việt tông. Địa chỉ: 97, Ratchawong Rd., Samphanthawong, BANGKOK 10100.
8. Chùa Thúy Ngạn (翠岸寺, วัดชัยภูมิการาม, Wat Chaiya Pumnikaram, xây dựng khoảng 1850-1860). Địa chỉ: 30 Yaowapanich, Chakkrawat, Samphanthawong, BANGKOK 10100.
9. Chùa Từ Tế (Chùa Cụ Ba, 慈濟寺, วัดโลกานุเคราะห์, Wat Lokanukor, xây dựng khoảng năm 1850-1860). Địa chỉ: 126 Ratchawong Rd., Samphanthawong, BANGKOK 10100.
10. Chùa Khánh Thọ (慶壽寺, วัดถาวรวรารามหาดใหญ่, Wat Thavorn Wararam Hatyai, xây dựng năm 1965). Địa chỉ: 33 Suphasarnrangsan Soi 1 Rd, Hat Yai District, SONGKHLA 90110.
11. Chùa Khánh An (慶安寺, วัดสุนทรประดิษฐ์, Wat Sunthorn Pradit, giấy phép xây dựng năm 1966, gắn biển tên chùa tiếng Việt ngày 9/2/2016). Địa chỉ: 44/3 Adulyadej Rd., Tambon Mak Heng, Amphor Muang, UDON THANI 41000.
12. Chùa Tam Bảo Công (三寶功佛寺, วัดอุภัยภาติการาม, Wat Uthai Patikaram, tên chùa tiếng Thái do Vua ban năm 1907, cải thành chùa Việt khoảng 1960 - 1970). Địa chỉ: 475/7K Suphakit Rd., Namuang, Amphor Muang, CHACHOENGSAO 24000.
13. Chùa Long Sơn (龍山寺, วัดถ้ำเขาน้อย, Wat Tham Khao Noi, 1883, cải thành chùa Việt khoảng năm 1960 - 1970, gắn biển tên chùa tiếng Việt ngày 29/6/2016). Địa chỉ: 18/1 Ban Muangchum, Moo 5, Tambon Muangchum, Amphor Thamuang, KANCHANABURI 71110.
14. Chùa Khánh Sanh (慶生寺, วัดมหายานกาญจนมาสราษฎร์บำรุง, Wat Mahayan Kanchana Mat Ratbumrung, xây dựng khoảng năm 1960 - 1970). Địa chỉ: 9 Mahaphat, Sateng, Amphor Muang, YALA 95000.
15. Chùa Ngọc Thanh (玉淸寺, วัดอนัมนิกายเฉลิมพระชนมพรรษากาล, Wat Anamnikai Chalerm Phrachomphansakal, xây dựng khoảng năm 1960 - 1970). Địa chỉ: 208 Moo 1, Tambon Don Manao, Amphor Songphinong, SUPHANBURI 72110.
16. Chùa Phổ Chiếu (普照寺, วัดศรัทธายิ้มพานิชวราราม, Wat Sattha Yim Phanich Wararam, xây dựng khoảng năm 1960 - 1970). Địa chỉ: 63/66 Nararat Uthit Rd., Tha Sai, Amphor Muang, SAMUT SAKHON 74000.
17. Chùa Hưng Thạnh (興盛寺, วัดธรรมปัญญารามบางม่วง, Wat Dhamma Panyaram Bang Muang, xây dựng khoảng năm 1960 - 1970). Địa chỉ: 107-108 Bang Chang, Sam Phran District, NAKHON PATHOM 73110.
18. Chùa Hưng Phước (興福寺, วัดเจริญบุญไพศาล, Wat Charoen Boonphaisan, xây dựng khoảng năm 1960 - 1970). Địa chỉ: 179 Ban Noong Fep, Moo 3, Tambon Tha Makham, Amphor Muang, KANCHANABURI 71000.
19. Chùa Phước Thọ (福壽寺, วัดนพรัตน์วนาราม, Wat Noparat Wanaram, xây dựng khoảng năm 1960 - 1970). Địa chỉ: Ban Thungbon, Moo 1, Tambon Padthawi, Amphor Makham, CHANTHABURI 22150.
20. Chùa Vạn Thọ (萬壽寺, วัดหมื่นปีวนาราม, Wat Muenpi Wanaram, xây dựng khoảng năm 1960 - 1970). Địa chỉ: 251 Moo 11 Ban Pakret, Tambon Pak Raet, Amphor Banpong, RATCHABURI 70110.
21. Chùa Hưng Vân (興雲寺, วัดศิริจรรยาธรรมปัญญาราม, Wat Sirisanya Thammapanyaram, cải thành chùa Việt tháng 5/2016). Địa chỉ: Rangsit Klong 7, PATHUM THANI.