Gần đây xuất hiện những vụ lừa đảo nhắm vào đối tượng là các em học sinh khiến cho các bậc phụ huynh đứng ngồi không yên. Không ít sự vụ đã được các đối tượng dàn xếp trót lọt. Thống kê từ đầu tháng 3/2023 đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo tổng số tiền là 825 triệu đồng...
Trước hàng loạt nguy cơ mất an toàn, các nhà trường cần chủ động tuyên truyền, giáo dục học sinh phòng tránh cũng như phối hợp với gia đình để đảm bảo mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Ẩn họa bủa vây trường học
Thống kê từ đầu tháng 3/2023 đến nay, Công an TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo tổng số tiền là 825 triệu đồng. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo tinh vi, tự xưng là giáo viên thể dục, nhân viên y tế nơi học sinh đang học để gọi điện thông báo cho phụ huynh về việc con bị té ngã khi hoạt động thể dục, con bị tai nạn, dẫn đến chấn thương sọ não đang nhập viện nên cần tiền để mổ gấp.
Khi thấy phụ huynh có thái độ tin tưởng và thực hiện chuyển tiền, các đối tượng tiếp tục gọi điện thoại thông báo chưa nhận được tiền và yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản khác.
Ghi nhận tại nhiều địa phương khác trên cả nước cũng xảy ra các thủ đoạn lừa đảo tương tự gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho phụ huynh, học sinh, sinh viên về công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong các nhà trường và cơ sở giáo dục.
Ngày 4/4, tại một lớp 10 của Trường THPT Hà Đông (Hà Nội), 3 học sinh sau khi uống chai nước của một bạn cùng lớp đã có biểu hiện mệt, buồn nôn, khó chịu. Ngay lập tức, các em được nhà trường đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 103. Qua xác minh, học sinh này sau đó thừa nhận, đã nhỏ 2 giọt tinh dầu thuốc lá điện tử vào chai nước để trêu đùa bạn.
Trước đó, một số học sinh Trường Tiểu học Lại Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị người lạ dụ dỗ hút thuốc lá điện tử và cho thêm tiền nếu rủ được thêm bạn hút thuốc xảy ra vào cuối tháng 3/2023 khiến nhiều người lo lắng về tình trạng thuốc lá điện tử xâm nhập học đường. Tháng 12/2022, 8 học sinh Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phải nhập viện vì hút thuốc lá điện tử. Tháng 8/2022, 7 học sinh Trường THPT Yên Hưng, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) phải nhập viện vì chóng mặt, buồn nôn sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Bên cạnh đó là tình trạng bạo lực học đường đã được cảnh báo liên tiếp thời gian qua với những giải pháp ngăn chặn, song đâu đó vẫn xảy ra các vụ việc. Đơn cử, ngày 2/4, clip hơn 1 phút ghi lại hình ảnh một nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị dùng dép đánh liên tiếp vào vùng đầu, mặt một bạn khác gây bức xúc dư luận. Từ cuối năm 2022 đến tháng 3/2023, cháu K.V.G.B. (học sinh lớp 7, Trường THCS Xuân An, xã Xuân An, huyện Yên Lập) thường xuyên bị đánh hội đồng khiến bị thương, phải nhập viện điều trị…
Liên tiếp những vụ việc ảnh hưởng đến an toàn trường học nêu trên thực sự là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ có thể xảy ra đối với mọi học sinh ngay trong chính môi trường được coi là an toàn nhất đối với các em - trường học. Điều này đặt ra thách thức cho ngành Giáo dục cũng như các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo môi trường an toàn cho các em.
Cần sự chung tay cả xã hội
Nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn trường học, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của học sinh và phối hợp ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo về âm mưu, thủ đoạn của tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học; nguy cơ tội phạm tấn công khi để lọt, lộ không tin cá nhân; thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo học sinh sử dụng các sản phẩm độc hại, chất gây nghiện để giáo viên, học sinh và gia đình học sinh đề cao cảnh giác và tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.
Từ phía nhà trường, nhiều cơ sở giáo dục cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức cho học sinh. Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức buổi tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, kỹ năng khi gặp người lạ. Trường đã giới thiệu cho học sinh những dẫn chứng sinh động về sự nguy hại ảnh hưởng của thuốc lá điện tử đối với sức khỏe và môi trường thông qua các clip…
Ban giám hiệu Trường Tiểu học Phan Chu Trinh đã cùng các em học sinh đưa 7 biện pháp cụ thể để phòng tránh kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ, bắt cóc..., khuyến khích mỗi em là 1 tuyên truyền viên tới gia đình và mọi người xung quanh, kiên quyết nói không với thuốc lá điện tử và các tệ nạn xã hội.
Để giúp các em học sinh có thêm những hiểu biết, nâng cao ý thức cảnh giác, biết bảo vệ sức khỏe bản thân và tuyệt đối không sử dụng thuốc lá điện tử, ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội) tổ chức chương trình tuyên truyền về phòng, chống ma túy và thuốc lá điện tử.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), để tạo một môi trường học đường an toàn bền vững thì tất cả các môi trường của các em học sinh cũng phải có được bầu không khí có giá trị yêu thương, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Đầu tiên là gia đình, cần phải có môi trường an toàn trong gia đình bằng hành vi ứng xử của cha mẹ với con cái phải tích cực. Tiếp nữa là tạo môi trường an toàn cho các em từ nhà đến trường, gồm trách nhiệm của địa phương, cơ quan an ninh, các đoàn thể xã hội. Trong không gian nhà trường cần phải có các quy trình để kiểm tra, bảo đảm an toàn trong khuôn viên nhà trường. Bên cạnh đó, các em cần có đời sống lành mạnh, có quy tắc an toàn trên mạng xã hội.