Nhật Bản đang chứng kiến một mùa hoa anh đào nở sớm do nhiệt độ tăng cao bất thường. Trong khi Hàn Quốc đang chìm trong màu vàng của bụi và cát sau một trận bão cát từ sa mạc Gobi. Những rủi ro vì biến đổi khí hậu đang hiện hữu.
Rủi ro bất thường
Tại Nhật Bản, nhiệt độ đang tăng lên và mùa hè đang đến rất nhanh, khiến hoa anh đào nở sớm hơn bao giờ hết. Tại Osaka, nhiệt độ tăng vọt lên 25 độ C vào ngày 22/3, một kỷ lục vào thời điểm đó trong năm. Cùng ngày, tại tỉnh Tottori ở phía Tây Nam, nhiệt độ đạt mốc 25,8 độ C. Theo nhà khí hậu học Maximiliano Herrera, đây là mức nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua, khi nhiệt độ của Tottori thường chỉ dao động trong khoảng 12 độ C vào tháng 3.
Khi nhiệt kế không ngừng tăng vọt và việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra biến đổi khí hậu vẫn đang gia tăng trên khắp thế giới, Nhật Bản chuẩn bị đón một mùa hè oi ả khác và có nguy cơ xảy ra lũ lụt và sạt lở đất ngày càng tăng. Quốc gia này đang cố gắng bảo vệ các cộng đồng khỏi sự nóng lên và đã cam kết cắt giảm lượng khí thải, nhưng trong thời gian ngắn, thời tiết xấu đi vẫn là một mối đe dọa.
Ông Yasuaki Hijioka - Phó Giám đốc Trung tâm Thích ứng với biến đổi khí hậu tại Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia ở thành phố Tsukuba nằm ở phía Đông Bắc Tokyo - cho biết: “Những rủi ro từ biến đổi khí hậu đang ở ngay trước mắt chúng ta. Về nguyên tắc, bạn có thể cố gắng thoát khỏi một trận lụt. Nhưng nhiệt độ ảnh hưởng trên diện rộng và hầu như không có lối thoát. Tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng”.
Nhật Bản hay gặp các loại thiên tai như động đất, sóng thần và bão. Cơ sở hạ tầng được thiết kế an toàn đã bảo vệ phần lớn người dân. Nhưng trước những rủi ro bất thường từ biến đổi khí hậu, các cộng đồng thường mất cảnh giác với các hệ thống được thiết kế riêng cho các điều kiện thời tiết từng chứng kiến trong quá khứ, không thích hợp với những rủi ro mới từ biến đổi khí hậu.
Hậu quả trước mắt là việc ngày càng có nhiều người bị ốm vì sốc nhiệt. Trong năm 2022, hơn 200 kỷ lục nhiệt độ đã bị phá vỡ tại các thành phố trên toàn Nhật Bản, khiến lưới điện hoạt động gần hết công suất và hơn 71.000 người phải nhập viện vì say nắng từ tháng 5 đến tháng 9. Theo số liệu của chính phủ, bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi nhưng cũng có khá nhiều trẻ em và người trung niên. 80 người đã thiệt mạng trong những đợt nắng nóng đó.
Thời tiết ấm lên cũng có thể giữ ẩm nhiều hơn, làm tăng thêm lũ lụt và sạt lở đất vào mùa hè, điều mà Nhật Bản cũng đã chứng kiến với tần suất ngày càng tăng.
Trong khi đó, Hàn Quốc lại gặp phải vấn đề với bão cát và bụi mịn. Ngày 12/4, hầu như cả đất nước chìm trong màu vàng của bụi và cát sau một trận bão cát từ sa mạc Gobi ở phía Bắc Trung Quốc và Mông Cổ, khiến chỉ số bụi mịn rơi xuống mức tồi tệ nhất trong năm.
Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết, đến 13h cùng ngày, bão cát và bụi mịn đã bao phủ phần lớn diện tích cả nước và tình trạng này kéo dài sang ngày 13/4. Hàn Quốc buộc phải ban bố cảnh báo bụi mịn trên toàn lãnh thổ.
Hành động ngay
Tại Nhật Bản, để ngăn ngừa tử vong do say nắng, một dự luật được đề xuất sẽ chỉ định một số tòa nhà nhất định trong cộng đồng, chẳng hạn như thư viện có máy lạnh, làm nơi trú ẩn. Loại luật này là chưa từng có ở cấp quốc gia tại Nhật Bản.
Dù Nhật Bản là một quốc gia có nền kinh tế phát triển, nhưng người dân vẫn ít sử dụng điều hòa, đặc biệt là ở những khu vực có thời tiết mát mẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các trường học ở miền Bắc Nhật Bản, chẳng hạn như ở Nagano, đã lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ do nắng nóng gay gắt.
Ông Hijioka cho biết: “Ở Nhật Bản, có nhiều người chết vì say nắng hơn là chết vì lũ lụt. Chúng ta cần xem biến đổi khí hậu là một thảm họa tự nhiên”.
Những năm qua, Nhật Bản đã đạt được một số tiến bộ trong việc hạn chế lượng nhiên liệu hóa thạch, nhưng nước này vẫn là nước phát thải nhiều thứ 6 trên thế giới. Sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, quốc gia này đã ngừng sản xuất điện hạt nhân và đã đầu tư vào các nhà máy điện than mới cũng như nhập khẩu dầu và khí đốt để duy trì hoạt động của lưới điện. Các nhà máy hạt nhân đã dần khởi động lại kể từ đó.
Về mặt tích cực, hệ thống giao thông vận tải công cộng với khối lượng lớn đáng kinh ngạc của Nhật Bản đã giúp loại bỏ những chiếc xe ngốn xăng khỏi các tuyến đường, giúp giảm lượng khí thải carbon của đất nước. Một số người Nhật Bản cũng đã tắt điều hòa không khí để tiết kiệm năng lượng, nhưng điều đó có ảnh hưởng đến sức khỏe, vì nó diễn ra đúng vào thời điểm nhiệt độ lên đến mức cao nguy hiểm.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, Nhật Bản có thể làm nhiều hơn nữa để tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Chính phủ có kế hoạch sử dụng năng lượng tái tạo để chiếm hơn 1/3 nguồn cung cấp điện của đất nước vào năm 2030 và loại bỏ dần việc sử dụng than vào khoảng những năm 2040. Nhật Bản cũng là một thành viên của Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) đã cam kết không sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện vào năm 2035.
Kết quả từ một nghiên cứu của ôngMichio Kawamiya - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mô hình và Ứng dụng Môi trường Nhật Bản - cho thấy, kể từ năm 1953, trung bình hoa anh đào tại nước này nở sớm hơn một ngày sau mỗi thập kỷ. Lá phong đổi màu chậm hơn 2,8 ngày sau mỗi thập kỷ. Nguy cơ bão tăng lên và lượng tuyết rơi đã giảm.