Những ngày qua, 80 cô trò tại khu lẻ Trường Mầm non Tân Phúc và hàng chục hộ dân thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) hết sức lo lắng khi đồi Na Lo - một ngọn đồi nằm ngay phía sau trường xuất hiện vết nứt lớn.
Thông tin từ UBND huyện Lang Chánh cho biết: Các hộ dân sinh sống dưới chân đồi Na Lo đang bị đe dọa bởi vết nứt xảy ra từ đầu năm 2023. Đặc biệt là vào thời gian gần đây, vết nứt trở nên rộng hơn, đất đá bắt đầu trôi trượt. Đến nay, vết nứt đã có chiều dài hơn 60m, rộng khoảng 4cm, một số vị trí đã bị sạt trượt. Hiểm họa tiềm ẩn này đang ảnh hưởng trực tiếp tới 80 cô trò tại khu lẻ Trường Mầm non Tân Phúc (73 cháu và 7 giáo viên) và 18 hộ với 71 khẩu đang sinh sống ngay phía dưới chân đồi.
Sau khi nhận báo cáo của UBND xã Tân Phúc về nguy cơ sạt lở, UBND huyện Lang Chánh đã chỉ đạo các phòng chức năng kiểm tra và xác định nguyên nhân của việc sạt trượt tại đồi Na Lo. Đồng thời, giao UBND xã Tân Phúc thường xuyên cắt cử người theo dõi tình hình khu vực đồi Na Lo để có cảnh báo nguy cơ sạt lở cho nhân dân được biết. Trong những ngày có mưa lớn yêu cầu toàn bộ các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở di chuyển đến nới trú tránh an toàn.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: Nguy cơ sạt lở tại khu đồi Na Lo là rất cao, đe dọa trực tiếp tới tính mạng và tài sản của người dân địa phương. Huyện cũng đã tính đến phương án bố trí nguồn kinh phí để xử lý vết nứt nhưng cần tới kinh phí là rất lớn (dự kiến mức đầu tư vào khoảng trên 20 tỷ đồng), quá sức của một huyện còn nhiều khó khăn như Lang Chánh. “Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa khẩn trương đầu tư khu tái định cư tại chỗ cho các hộ dân dưới chân đồi Na Lo để các hộ dân an tâm khi mùa mưa đến” - ông Thanh nói.
Trước tình trạng sạt lở tại thôn Tân Lập, ngày 24/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cùng đoàn công tác đã có mặt tại Lang Chánh để thị sát và có chỉ đạo đối với địa phương. Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND huyện Lang Chánh phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ. Trường hợp di dời các hộ dân, phải tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.
Đồng thời, giao UBND huyện Lang Chánh khẩn trương chỉ đạo các phòng chức năng kiểm tra và xác định nguyên nhân của việc sạt trượt, thường xuyên cắt cử người theo dõi tình hình khu vực này để có cảnh báo nguy cơ sạt lở cho nhân dân được biết, trong những ngày có mưa lớn yêu cầu toàn bộ các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở di chuyển đến nới trú tránh an toàn.
Lang Chánh là huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Địa hình tương đối phức tạp, có nhiều đồi núi cao, độ dốc lớn và chia cắt mạnh bởi sông, suối. Độ cao trung bình toàn huyện từ 500m -700m (so với mặt nước biển), cao nhất là đỉnh núi Pù Rinh 1.291m. Điều kiện kinh tế - xã hội của huyện này còn gặp nhiều khó khăn, việc xử lý hiện tượng đồi Na Lo bị nứt gãy cần sớm được triển khai nhằm tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Lang Chánh và các đơn vị liên quan, tổ chức khảo sát, đánh giá cụ thể về nguyên nhân sạt lở, giải pháp xử lý, sự cần thiết và quy mô đầu tư; căn cứ các quy định hiện hành và tình hình thực tế, có ý kiến đề xuất, tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 5/9/2023.