Dù đã thực hiện nhiều giải pháp, song tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn có dấu hiệu gia tăng khi đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn gặp khó khăn về đơn hàng. Có thể thấy, việc nợ bảo hiểm đang gây ra “tổn thương” đối với chính sách an sinh xã hội, khiến nhiều người lao động lâm vào cảnh khốn khó.
Khó truy thu số tiền chậm đóng
BHXH TPHCM vừa công bố danh sách đơn vị chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên (số liệu nợ tính đến hết ngày 30/6, cập nhật ủy nhiệm chi đến hết ngày 4/7). Theo danh sách này, TPHCM có đến 21.515 DN chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên, tăng thêm 842 DN so với thời điểm ngày 31/5. Trong đó, có những DN nợ số tiền chỉ vài triệu đồng nhưng cũng có những DN nợ số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Theo BHXH TPHCM, tình trạng DN trốn đóng, chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đã diễn ra nhiều năm. Quy định của pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tuân theo nguyên tắc đóng - hưởng. Chính vì thế, khi DN chậm đóng, trốn đóng, tất cả các quyền lợi BHXH của người lao động đều bị ảnh hưởng.
Tương tự tại Cao Bằng, thống kê từ BHXH tỉnh cho biết, đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh còn 150 đơn vị, DN sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền 12,5 tỷ đồng.
Phản ánh từ các địa phương cho biết, việc xử lý chậm nộp BHXH hiện rất khó khăn. Do tình hình DN khó khăn thu hẹp sản xuất nên rất khó thu hồi các khoản chậm nộp. Thực tế theo BHXH Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, ngành BHXH đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 9.013 đơn vị. Qua đó, ngành đã ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 15 tỷ đồng; yêu cầu truy thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN của 23.118 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN số tiền hơn 37,6 tỷ đồng tiền hưởng các chế độ không đúng quy định.
“BHXH Việt Nam đã đổi mới, kết hợp thanh tra truyền thống với thanh tra theo phương thức điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra... Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện và nâng cấp phần mềm hoạt động thanh tra, kiểm tra và bổ sung các dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm, tuy nhiên việc xử lý cũng như truy thu số tiền chậm đóng vẫn còn rất khiêm tốn” - đại diện BHXH Việt Nam cho biết.
Giải pháp nào chặn nợ đọng BHXH?
Để xử lý tình trạng trốn đóng BHXH, Dự thảo Luật BHXH đổi đề xuất bổ sung quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương tự như tiền chậm nộp thuế). Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên. Cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên... Đáng chú ý, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, dự thảo luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ).
Để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, nhiều ý kiến cho rằng, việc chờ đợi DN phá sản bù tiền hoặc NLĐ tự bỏ tiền túi đóng BHXH sau này sẽ truy thu từ DN là không khả thi. Bởi thực chất NLĐ hàng tháng đã trích tiền để đóng nộp BHXH nhưng do DN lách luật, chây ỳ không đóng để chiếm dụng vốn, vì vậy cần có những chính sách hỗ trợ NLĐ.
Bàn về vấn đề này, TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, không thể đổ hết gánh nặng cho NLĐ mà cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
“Theo tôi để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ ở những DN phá sản, giải thể là trích nguồn ngân sách Nhà nước hoặc lấy khoản đầu tư sinh lời từ quỹ BHXH đóng bù trước cho NLĐ ở những năm bị nợ, bởi thực chất NLĐ hoàn thành trách nhiệm khi hàng tháng đã trích đủ phần lương của mình để đóng BHXH. Bên cạnh đó cũng cần có những quy định rõ ràng về xử lý những chủ thể liên đới từ đó nêu cao trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho NLĐ.
Hiện cả nước có khoảng 2,7 triệu lao động đang bị DN nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên. Trong đó, hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do DN đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn. Hàng trăm nghìn lao động này mỗi tháng đều bị trừ lương để đóng vào quỹ bảo hiểm nhưng không được bảo đảm đầy đủ quyền lợi bởi các DN chưa thực hiện nghĩa vụ đóng theo quy định. Trước thực trạng trên, BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn về việc thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động tại các đơn vị chưa đóng đủ BHXH. Theo đó, các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ BHXH bao gồm: Đơn vị đang làm thủ tục phá sản; Đơn vị đã có Quyết định phá sản của tòa án; Đơn vị không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký; Đơn vị không có người đại diện theo pháp luật. BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố xác nhận sổ BHXH cho người lao động đến thời điểm đã đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH.