Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. Trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Nguy cơ trẻ rối loạn tâm thần
Theo các chuyên gia y tế, sẽ mất nhiều năm để có thể thực sự đánh giá tác động của Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần của chúng ta. Ngay cả khi độc lực của virus giảm dần, tác động kinh tế và xã hội của đại dịch sẽ vẫn còn hiện hữu. Đối với không ít người, nỗi lo lắng lớn nhất hiện nay là nguy cơ trẻ em bị thụt lùi trong học tập và phát triển sau nhiều tháng gián đoạn.
Theo TS Phạm Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục sức khỏe tâm lý y học, Đại học Y Dược TPHCM, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên; trẻ nhỏ có khuynh hướng thoái lùi, bám mẹ nhiều hơn, trẻ lớn có khuynh hướng tập trung vào những khó khăn của dịch, như thường cáu kỉnh, bất an, lo lắng đến sự chia ly.
Trẻ em phải thay đổi cách học, phải ở lâu trong nhà, trong khi đây là tuổi tương tác. Đồng thời, thể chất các em cũng bị ảnh hưởng do không được vận động nhiều, trong khi việc vận động thể chất giúp tiêu tốn năng lượng dư thừa và những trạng thái tâm thần tiêu cực. Khi ở nhà nhiều, tiếp cận phương tiện internet nhiều thì dễ đối diện với nguy cơ bắt nạt trực tuyến.
Dư chấn của đại dịch có nguy cơ sẽ hủy hoại hạnh phúc và điều kiện sống của trẻ em, trẻ vị thành niên và những người chăm sóc trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, nỗi lo trẻ bị ảnh hưởng tới sự phát triển do dịch Covid-19 mới chỉ là một phần của “tảng băng chìm” trong tổng thể chung về sức khoẻ tâm thần của trẻ trong đại dịch.
Tại báo cáo về tình hình trẻ em năm 2021 vừa được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố, những con số báo động đã được đưa ra. UNICEF cho biết, hơn 13% trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn thế giới phải chung sống với rối loạn tâm thần được chẩn đoán theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trong số này, 86 triệu em thuộc nhóm 15-19 tuổi và 80 triệu em thuộc nhóm 10-14 tuổi. 89 triệu trẻ em trai vị thành niên từ 10-19 tuổi và 77 triệu trẻ em gái vị thành niên từ 10-19 tuổi phải chung sống với rối loạn tâm thần.
Gia tăng trầm cảm
Giống như người lớn, trẻ em cũng có rối loạn lo âu lan tỏa (không biệt định) trong đại dịch Covid-19. Theo PGS.TS Bùi Quang Huy - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, đại dịch Covid-19 gây lo âu do 3 nguyên nhân: Sợ bị lây bệnh; sợ bị cách ly; sợ mất việc làm, không có thu nhập.
Với người lớn, cả 3 nguyên nhân trên đều có vai trò rất lớn, đặc biệt là nguyên nhân thứ ba (nặng dần theo thời gian cách ly xã hội). Nhưng với trẻ em là đối tượng ít bị lây nhiễm, khó diễn biến nặng và rất hiếm khi tử vong do nhiễm Covid-19. Hơn nữa, trẻ em chưa đi làm nên cũng chưa biết lo về vấn đề mất việc làm, giảm thu nhập… Trẻ em lo âu chủ yếu là do sợ bị cách ly.
Khi bị cách ly, các em mất khả năng gặp trực tiếp với bạn bè, không thể đùa chơi dưới sân như khi chưa cách ly và đặc biệt là không đến trường học, gián đoạn học hành…Với trẻ em, nhà trường, bạn bè và thầy cô là một phần xã hội rất quan trọng, chiếm một phần đáng kể thời gian trong ngày của các em. Khi cách ly xã hội kéo dài vài tuần thì tình trạng lo âu ở các em sẽ rất rõ ràng dù cường độ không nặng nề như ở người lớn.
Cùng với đó, việc học trực tuyến ở nhà sẽ khiến trẻ có những biến đổi về mặt tâm lý khi không được giao lưu, gặp gỡ bạn bè hay chạy nhảy, vui đùa bên ngoài.
Theo các chuyên gia tâm lý, một trong những nguyên nhân khởi nguồn bởi căn bệnh trầm cảm của trẻ nhỏ chính là những thay đổi nếp sống thường ngày. Trẻ sẽ khó thích nghi khi không được làm những điều quen thuộc và từ đó trở nên trầm lắng, ít nói chuyện và lười hoạt động.
Theo nhận định của Bà Henrietta H. Fore, Giám đốc điều hành UNICEF: Trẻ em trên khắp thế giới không thể đến trường, buộc phải ở trong nhà và bị tước mất niềm vui thường nhật được nô đùa cùng bạn bè - tất cả đều là những hệ lụy của đại dịch Covid-19. Bấy lâu nay chúng ta đã thờ ơ trước vấn đề này.
Nếu chúng ta không hành động, hậu quả khủng khiếp mà nó để lại đối với trẻ em và xã hội sẽ còn kéo dài sau khi đại dịch kết thúc.
Phớt lờ sức khỏe tâm thần của trẻ em, tức là chúng ta đang làm suy yếu năng lực học tập, làm việc, xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa và đóng góp cho thế giới của các em.