Đến hẹn lại lên, cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm của người dân tăng cao thì nỗi lo về thực phẩm không đảm bảo, an toàn chất lượng tăng theo.
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong tháng 11/2021, lực lượng QLTT cả nước đã liên tiếp kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mới đây nhất, ngày 18/11/2021, Đội QLTT số 6 đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh thực phẩm tại 256 (đường Đoàn Thị Điểm, phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang bày bán 14 mặt hàng với gần 400 đơn vị sản phẩm là thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn, do nước ngoài sản xuất; toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.
Trước đó, ngày 11/11/2021, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Cục QLTT Hà Nội và Cục QLTT Bắc Ninh ập vào xưởng sản xuất và kho chứa sản phẩm sa tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “Thuận Phát” tại địa chỉ thôn Yên Khê (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) và căn nhà tạm, không có biển hiệu tại ngõ Cổng Dền (phường Phù Lưu, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Kiểm tra thực tế tại 2 địa điểm, lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở này đang ngổn ngang dây chuyền sản xuất sa tế theo hình thức không khép kín. Qua kiểm tra, lực lượng đã thu giữ hơn 28.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, cùng với việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, thành phố đã thành lập trên 900 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP). Qua kiểm tra cho thấy, tỷ lệ số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Hà Nội bị phát hiện có sai phạm vẫn còn cao, chiếm gần 20%.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, bên cạnh thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn chất lượng lưu thông trên thị trường, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm. Ông Phong cũng đề nghị phải cung cấp thông tin các cơ sở đạt và không đạt về ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn.
Vào những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao, khiến vi phạm ATTP có nguy cơ gia tăng. Đây cũng là thời điểm để gian thương lợi dụng, tung ra thị trường những thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng việc tập trung kiểm tra, giám sát để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” càng phải đẩy mạnh.
Để kiểm soát thị trường thực phẩm nói riêng và chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Tổng cục QLTT đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nhâm Dần 2022. Theo đó, lực lượng QLTT sẽ tập trung cao độ kiểm soát thị trường các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán cùng các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh; nhất quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Tổng cục QLTT khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại những địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng; đọc và tìm hiểu kỹ thông tin trên bao bì, nhãn mác, hạn sản xuất. Và kiên quyết nói không với những sản phẩm có tem nhãn in không rõ ràng, chữ in không sắc nét tránh mua hàng giả, hàng nhái.