Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục thu giữ những lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đáng lo ngại trong số này có một số lượng lớn thực phẩm đã bị hỏng, bốc mùi.
“Ma trận” thực phẩm
Trong những năm gần đây đặc biệt là khi dịch Covid – 19 bùng phát, mua bán hàng thực phẩm trực tuyến đã trở thành xu thế được nhiều người lựa chọn. Chỉ cần gõ cụm từ “Thực phẩm chín” lên công cụ Google ngay lập tức sẽ hiện lên hàng loạt từ khóa về thực phẩm đã chế biến và chưa chế biến. Còn nếu như dùng mạng xã hội, chỉ cần có thao tác theo dõi vào tài khoản về bán hàng ăn bất kỳ thì ngay lập tức tính năng tìm kiếm (news feed) khi bạn truy cập mạng xã hội sẽ hiện ra bạt ngàn thông tin, những tài khoản bán đồ ăn.
“Tiện nhưng không lợi” vẫn là cụm từ được nhiều người nhắc đến khi bàn về chất lượng thực phẩm bán online nhưng việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm gia tăng. Lợi dụng nhu cầu này, nhiều đối tượng bất chấp thủ đoạn đưa vào thị trường tiêu thụ thực phẩm không có nguồn gốc, thậm chí là thực phẩm bị hỏng.
Tại Hà Nội, mới đây Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra đột xuất phát hiện nhiều cơ sở, điểm tập kết hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Đơn cử mới đây, cơ quan chức năng phát hiện một xe tải (trên địa bàn quận Hai Bà Trưng) có nhiều biểu hiện nghi vấn. Tổ chức khám xét, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 10 tấn nội tạng động vật bao gồm tràng trứng, nầm lợn, kê gà, cánh gà, lườn ngỗng hun khói, râu bạch tuộc... được đựng trong các thùng xốp và bao tải dứa màu xanh. Phần lớn hàng hóa đều có nhãn mác, bao bì nước ngoài. Trong số đó, mặt hàng nầm lợn đã bốc mùi hôi thối. Lái xe không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các loại hàng hóa thực phẩm được vận chuyển trên xe. Phần lớn hàng hóa được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau trên biên giới các tỉnh phía Bắc, sau đó thuê phương tiện để vận chuyển vào nội địa.
Một vụ việc khác được phát hiện tại làng Kim 1 (xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội) với hơn 3 tấn thịt, sườn bò, trâu, chân gà, đùi gà đông lạnh. Trong số này chỉ có 370kg có hóa đơn, còn lại hơn 2,8 tấn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, trong số hàng này còn có hơn 100kg các loại thịt đã hỏng, được cất trữ trong tủ đông lạnh để bán lẻ. Toàn bộ số hàng hóa này được nhập từ nước ngoài, qua 2 công ty nhập khẩu rồi mới đến tay chủ cơ sở.
Nói về các thủ đoạn buôn lậu, đại diện Công an thành phố Hà Nội cho biết, các đối tượng đã vận chuyển lương thực thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng... từ nước ngoài qua các tỉnh biên giới phía Bắc về các tỉnh lân cận Hà Nội, sau đó dùng xe ô tô loại nhỏ, xe khách, xe du lịch, xe ba bánh, thậm chí cả xe máy vận chuyển vào nội thành để tiêu thụ. Có trường hợp các đối tượng làm giả giấy tờ kiểm định của cơ quan thú y nhằm đối phó với các lực lượng chức năng.
Công khai thông tin những cơ sở vi phạm
Với sự vào cuộc của các ngành chức năng, thời gian gần đây công tác bảo đảm ATTP đã có những tín hiệu chuyển biến đáng ghi nhận.
Thời gian qua, nhiều mô hình, phương thức sản xuất, nuôi trồng nông sản, thực phẩm sạch, nông sản hữu cơ, an toàn theo chuỗi được hình thành đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về ATTP vẫn còn có những hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật. Trong khi đó, có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận không tính đến quyền lợi, sức khoẻ của người tiêu dùng. Đặc biệt, lợi dụng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu, phương thức mua sắm của người dân thay đổi, việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe “online” vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết: Để công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đạt được hiệu quả, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch cần tăng cường việc thanh, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn chất lượng lưu thông trên thị trường, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng cần cung cấp thông tin các cơ sở đạt và không đạt về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ngành nông nghiệp Thủ đô đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên hàng đầu là giám sát chất lượng sản phẩm từ vùng sản xuất. Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm trên diện rộng nhằm truy xuất nguồn gốc, phát hiện, yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo hình thức đột xuất các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp Tết. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; công bố công khai thông tin về các cơ sở vi phạm, chủ động ứng phó các sự cố mất an toàn thực phẩm.