Tại phiên tòa xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, sau khi công tố viên đề nghị mức án 10-11 năm tù, bị cáo này đã than rằng sợ bản thân không đủ quỹ thời gian để chấp hành hình phạt. Bị cáo Hoàng cho rằng, sức khỏe của mình không được tốt, trong khi mức án đề nghị của đại diện VKS quá cao nên sợ không về nhà được.
Trong bài viết này, tôi không có ý định bàn luận về mức án mà đại diện VKS giữ quyền công tố đề nghị với cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là cao hay thấp mà chỉ muốn nói về lời than thân trách phận của bị cáo khi sắp đến giờ tuyên án. Giá như ngày còn quyền cao chức trọng, bị cáo biết có ngày hôm nay thì mọi chuyện đã khác.
Song, trong cuộc đời thường thì người ta không hay lường đến tình huống xấu, nhất là những người giữ vị trí “dưới một người mà trên muôn người”. Khi có quyền hành trong tay, không ít người vì nghĩ (chứ đừng nói là tính) đến việc sau này phải trả giá cho những hành vi coi thường kỷ cương phép nước, vi phạm pháp luật của bản thân.
Thực ra cũng dễ hiểu, bởi khi con người ta có quyền lực, đang “thét ra lửa” thì có lý gì họ phải nghĩ đến tình huống xấu cơ chứ. Hơn nữa, lâu nay làm gì đã có tiền lệ một vị bộ trưởng sau khi về hưu lại phải “nhập kho” “bóc lịch” đâu. Những yếu tố ấy đã giúp cho cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tự tin làm những việc trái pháp luật.
Dân gian có câu “có gan ăn cắp thì phải có gan chịu đòn”. Khi đương chức, dù biết những hành vi của mình là vi phạm pháp luật, dù biết việc làm của mình sẽ gây tổn hại cho đất nước, cho nhân dân, bị cáo Hoàng vẫn cố tình thực hiện thì giờ đây khi phải trả giá cho những hành động gây hại cho xã hội ấy, có gì là oan ức, có gì phải kêu than?
Có một điều lạ là rất nhiều quan chức khi đương nhiệm thì tìm mọi cách để chứng minh bản thân rất khỏe, đủ sức để làm “công bộc” cho dân, nhưng khi bị bắt, có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì lập tức “phát sinh bệnh trọng”. Đơn cử, cuối năm 2020, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã xin tại ngoại để... chữa bệnh.
Tất nhiên là các cơ quan bảo vệ pháp luật không đồng ý với “nguyện vọng” của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và gia đình. Lý do được cơ quan An ninh điều tra đưa ra không chỉ là vấn đề tố tụng, mà còn có lý do sức khỏe của bị can Nguyễn Đức Chung vẫn bình thường, không cần thiết phải đi viện điều trị.
Trước đó chỉ hơn một tháng, khi chưa bị bắt, bị can Nguyễn Đức Chung vẫn còn đủ sức khỏe để điều hành UBND TP Hà Nội mà không cần phải nghỉ để đi... chữa bệnh. Vậy mà ngay sau khi bị bắt giam, bị can này cùng gia đình lại xin tại ngoại để đi chữa bệnh để tòa xem xét.
Còn rất nhiều các cựu quan chức khác mà trong khuôn khổ bài viết không thể liệt kê hết, khi đương nhiệm thì sức khỏe rất tốt, nhưng khi bị lâm vòng lao lý thì lập tức phát bệnh. Thực tế cũng đã có một số trường hợp được tại ngoại hầu tra vì “bệnh hiểm nghèo”, một số trường hợp được tuyên mức án thấp vì xét thấy sức khỏe yếu...
Có lẽ tiền lệ đó khiến không ít quan chức khi bị điều tra, truy tố, xét xử đều viện ra bệnh này tật kia. Tất nhiên, việc có bệnh hay không có bệnh thì các cơ quan bảo vệ pháp luật phải căn cứ trên hồ sơ bệnh án và thực tế sức khỏe, nếu có bệnh thật thì cũng cần được chăm sóc chu đáo thể hiện chủ trương khoan hồng của Nhà nước.
Song, tuyệt nhiên đừng để chính sách nhân văn của Nhà nước trở thành công cụ để một số cá nhân lợi dụng. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, lẽ nào chỉ có các cựu quan chức mới bị “bệnh trọng”, còn các bị can, bị cáo khác lại không bị hay sao? Hơn nữa, có bệnh thì chữa, chứ đó không phải là cái cớ để giảm án, để được ở nhà.
Trở lại câu chuyện cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng than rằng sợ không đủ sức khỏe để chấp hành án, nếu bị tòa tuyên mức án mà công tố viên đã đề nghị. Bị cáo Hoàng bị bệnh thì đã rõ, yếu thì mọi người cũng đã nhìn thấy khi phải có người dìu vào tòa. Song, việc cảm thông bệnh tật không đồng nghĩa với việc giảm án.
Pháp luật cần phải nghiêm minh mới đủ sức răn đe những người đã, đang và sẽ có ý định cố tình vi phạm pháp luật, để rồi khi đứng hầu tòa lại kể lể bệnh tật, khoe các công trạng này, được thưởng bằng khen kia... với hy vọng được pháp luật nương nhẹ. Muốn không phải ngồi tù, thì ngay từ khi còn đương chức, hãy vì dân, vì nước, đừng cố đục khoét công quỹ.