Nộm núc nác là món ăn quen thuộc của người dân vùng núi phía Bắc. Cây núc nác thuộc họ bồ kết, có quả từng chùm và mọc nhiều ở trong rừng. Cây cao từ 7 - 10 mét, thân nhẵn ít phân nhánh, có nhiều sẹo lá, vỏ màu xám, bẻ ra có màu vàng. Hoa màu đỏ tím to, mọc thành chùm ở đầu cành.
Đặc biệt, từ ngọn non của cây tới quả đều được tận dụng làm bữa ăn hàng ngày. Những ngọn non được luộc chấm cùng nước cốt chanh, hay quả núc nác có thể chế biến làm món xào, luộc, nộm...
Quả núc nác được ăn kèm với lá ghém, lá gừng chấm chẳm chéo rất ngon, vừa có vị hơi đăng đắng của quả núc nác, hoà cùng vị ngọt chát của lá ghém, nồng cay của vị chẳm chéo, ai đã từng ăn khó mà quên. Ngoài ra, núc nác còn có thể làm nộm như nộm rau, luộc chấm, xào với thịt trâu, thịt bò, cũng có hương vị đậm đà riêng.
Vào mỗi mùa mưa, khi cây núc nác ra hoa đậu quả, chỉ cần 4-5 quả núc nác non có màu xanh nhạt là có thể làm nộm. Nếu lấy quả già quá sẽ có nhiều sơ, ăn hơi dai.
Để làm nộm, quả núc nác được nướng trên bếp than hồng, cho cháy đen vỏ bề ngoài. Sau khi nướng chín, dùng dao cạo sạch vỏ bị cháy rồi thái lát mỏng. Tiếp đến, chọn cá hoặc thịt để làm nộm. Nếu là thịt lợn hoặc gà đều phải luộc chín, thái chỉ; còn cá phải nướng chín sau đó bỏ hết xương. Các gia vị trộn cùng nộm núc nác gồm có nước cốt chanh, lạc rang giã nhỏ, rau thơm cùng các gia vị như tỏi, giấm, ớt, bột canh, chẩm chéo...
Khi gần dùng bữa thì trộn các nguyên liệu với nhau để giữ cho mỗi nguyên liệu có vị riêng hơn. Khi ăn, nộm có vị đắng của quả núc nác quyện với vị thơm của thịt, cá, rau thơm cùng một chút vị cay nhẹ của ớt, chẩm chéo tạo nên hương vị khó quên.
Không chỉ dùng làm món ăn mà cây núc nác còn là một vị thuốc quý. Theo y học cổ truyền, núc nác có vị đắng tính mát. Tác dụng mát gan, nhuận phế, thanh nhiệt, tiêu viêm, chữa vàng da, viêm da, ngứa khô sần da, viêm họng, ho khản tiếng, đau dạ dày, trẻ con ban trái, sởi... Tuy nhiên, núc nác tính hàn, không nên dùng cho người tỳ vị hư hàn tiêu lỏng hoặc người đang bị cảm lạnh, ho, sổ mũi.
Hiện nay, không chỉ lên rừng hái quả núc nác, mà bà con người Thái, người Mường còn tìm cây núc nác mang về trồng tại các khu đất vườn gần nhà để có quả ăn, vì cây dễ trồng, có khả năng chịu hạn, chịu nóng tốt. Ngoài để phục vụ bữa ăn gia đình, người dân còn đem bán, vì thế vào mùa núc nác, nhiều gia đình đã có nguồn thu từ loại quả này.