Nông dân điêu đứng vì nạn 'khai thác hủy diệt'

Lê Quốc Khánh - Toha Kim 21/10/2016 09:25

Hàng năm, cứ thấy nước sông Mêkông dâng cao là nông dân ở các tỉnh đầu nguồn của vùng sông nước Cửu Long bắt đầu mừng vì đây là thời cơ để kiếm sống trên sông nước bằng việc giăng lưới, thả câu, đặt lợp... Thế nhưng năm nay nông dân đang điêu đứng vì nạn khai thác tận diệt.

Nông dân điêu đứng vì nạn 'khai thác hủy diệt'

Chưa có năm nào mà ngư lưới cụ của nông dân bị phá và mất cắp nhiều như năm nay.

Bên cạnh việc nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm năm nay người dân lại gặp thêm vấn nạn xuất hiện những hộ dùng ghe cào điện và xiệp điện tung hoành khắp các cánh đồng, nhánh sông khiến nguồn lợi thủy sản bị tận diệt.

Về Đồng Tháp nhất là ở các xã giáp biên giới Campuchia, nơi đầu nguồn sông Mêkông, bà con cho biết: giữa tháng 10/2016, mực nước dâng cao, biết mùa lũ về, nông dân mừng rỡ chuẩn bị tay lưới, mua sắm thêm lợp, câu chuẩn bị vào vụ khai thác tôm, cá trên sông Tiền, sông Hậu thuộc dòng Mê kông. Nông dân hy vọng dù lũ về trễ nhưng cũng sẽ vớt vát được một khoản thu nhập kha khá mỗi ngày từ việc đánh bắt.

Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, không biết ở đâu lại xuất hiện những ghe xiệp điện, ghe cào chạy khắp các cánh đồng cả ngày lẫn đêm để khai thác cá kiểu tận diệt nguồn lợi thủy sản.

Người dân ở 2 xã biên giới Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B của huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp khốn đốn với những ghe cào điện và xiệp điện đánh bắt cá kiểu tận diệt.

Anh Nguyễn Văn Nê, ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Thới Hậu B cho biết: Mấy ngày qua, thấy nước sông đục, niết mùa lũ đã về, tôi chuẩn bị hơn một trăm thước lưới để giăng lưới kiếm sống.

Mọi năm, mỗi ngày cũng kiếm được cả trăm ngàn đồng. Vậy mà mấy ngày qua, có bữa chỉ vài con cá nhỏ, chưa đủ bữa cơm thì lấy đâu có cá mà bán ra chợ..

Rồi anh chỉ ra cánh đồng nước trắng xóa trước mặt 700 công có gần 20 chiếc ghe cào, ghe đẩy xiệp đang “tung hoành” cả ngày lẫn đêm như chỗ không người.

Cùng với anh Nê, các anh Thêm, anh Tâm cũng than thở không khai thác được gì do bị ghe cào, ghe đẩy xiệp tận diệt hết nguồn lợi thủy sản. Anh Nê cho biết nạn cào điện, xiệp điện xuất hiện nhiều khoảng vài năm trở lại đây.

Từ việc không đánh bắt được gì nên người dân trong xóm bỏ xứ đi làm mướn hết. Nhiều người giăng lưới ban ngày không có chuyển sang giăng lưới vào ban đêm với hy vọng có cá nhưng rồi cũng chẳng được bao nhiêu.

Đã vậy, có khi giăng ban đêm bị mất luôn lưới (?!) Có hộ đã không kiếm được cá còn phải mua cá để ăn hàng ngày nên cuộc sống vốn đã nghèo lại càng khổ hơn.

Bà con ở xã Thường Thới Hậu B cho biết: mỗi đêm, những chiếc ghe cào, ghe đẩy xiệp rọi đèn pha thoăn thoắt khắp trên cánh đồng nước nổi tìm kiếm cá. Thử hỏi săn bắt cá kiểu tận diệt thì lấy gì cá sống sót được?

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết: Đầu mùa lũ ông mua 150 lợp tôm đặt trên đồng. Cá tôm thì kiếm được ít nhưng ngày nào cũng bị mất 3-4 cái, mỗi cái mua 30.000 đồng.

Coi như ngày nào cũng mất cả trăm ngàn đồng. Ngoài chuyện bị mất cắp, ghe xiệp còn cào hư hỏng nhiều lợp của ông mà không biết ai là thủ phạm. Ông Thắng phân bua: Đã nghèo lại mắc eo.

Ông Tám Quắn, ngụ ấp 6, xã Thường Thới Hậu B cũng cùng cảnh ngộ bị mất công cụ kiếm sống mùa lũ: Chưa có năm nào mà ngư lưới cụ của nông dân bị phá và bị ăn cắp nhiều như năm nay.

Đang lo lắng vì tiền ăn gạo hàng ngày và lo cho con đi học, anh Liên nói: “Ngày kiếm chỉ được 50-60 ngàn vậy mà bị đẩy hư hết 2 tay lưới vừa tốn tiền mua lại vừa chẳng dám giăng! Được biết, mỗi ghe đẩy xiệp điện thu nhập trên 5 triệu đến 7- 8 triệu đồng/ngày.

Bà con ở các xã đã có đơn gửi đến chính quyền xã, huyện. Mong mỏi của người dân cơ quan chức năng cần có giải pháp để hạn chế tình trạng đánh bắt theo kiểu tận diệt và coi thường pháp luật.

Tìm đến UBND xã Thường Thới Hậu B, ông Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Việc ghe cào điện, xiệp điện, dân phản ánh, chính quyền đã nhận được.

UBND xã đã chỉ đạo Công an xã khảo sát được biết đa số những người đến đẩy xiệp điện cào điện là dân ở các địa phương khác như Thường Thới Tiền và dân ở An Giang qua.

Để hạn chế tình trạng trên,xã phối hợp với Đồn biên phòng Cầu Muống bắt được 5 ghe, thu giữ phương tiện đẩy xiệp điện và buộc ký cam kết không tái phạm.

Đối với dân địa phương, trước tình hình nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, nhằm giảm tình trạng người dân bỏ xứ đi làm mướn ở nơi khác, xã kiến nghị với huyện, tỉnh tạo điều kiện cho thanh niên học các lớp dạy nghề như: đan đát, sửa xe, may, xây dựng, mộc, để bà con có thể tự tạo việc làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân điêu đứng vì nạn 'khai thác hủy diệt'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO