Là loại cây trồng ngắn ngày, từ khi xuống giống cho tới lúc bắt đầu thu hoạch chỉ 45 ngày nên những năm qua, dưa gang (còn gọi là dưa bở, dưa sọc vàng xanh) là loại cây trồng được nhiều nông dân lựa chọn. Trong đó, tỉnh Long An được coi là “vựa dưa” lớn nhất miền Tây Nam Bộ, tập trung chủ yếu ở các địa phương như Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hoá…
Dưới cái nắng nóng như đổ lửa của miền Tây Nam Bộ, hàng chục nông dân ở xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa) đang tất bật thu hoạch dưa gang. Ông Nguyễn Văn Hội, chủ ruộng dưa gang ở đây cho biết, gia đình anh trồng hơn 2ha dưa, xuống giống những ngày giáp Tết vừa qua. “Vùng này trồng được dưa quanh năm nhưng gia đình tôi thường chỉ trồng một vụ thôi, sau đó chuyển sang canh tác lúa. Bởi thời điểm này thường có nước mặn xâm nhập từ sông Vàm Cỏ Đông vào nên canh tác lúa năng suất rất kém, ngược lại trồng dưa năng suất cao hơn, khoảng 45 tấn mỗi héc-ta. Dưa gang là giống cây trồng thuận lợi, thời gian trồng ngắn nhưng thời gian thu hoạch lại, kéo dài tới 2 tuần. Từ tuần trước tôi đã cắt dưa bán rồi sang tuần sau vẫn còn dưa nữa” - ông Hội kể và cho biết, dưa gang được nông dân trồng trên luống cao, có rãnh nước ngọt ở giữa để ngăn ngừa sâu bệnh lây lan cũng như thuận tiện cho tưới tiêu. Với giá bán khoảng 4.000 đồng/kg, mỗi héc-ta dưa gang giúp nông dân thu nhập khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ các loại chi phí. Nhiều hộ nông dân trồng vài héc-ta có thể thu cả trăm triệu đồng, lớn hơn một số loại rau màu khác. Cách đó chừng hơn 10 cây số, cũng nằm ven sông Vàm Cỏ Đông, nhiều nông dân ở xã Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa) cũng đang hối hả thu hoạch dưa gang.
“Mùa này nắng nóng nên dưa gang rất được ưa chuộng, cắt bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Hầu hết dưa được thương lái thu mua và đem về TPHCM bán. Gia đình tôi trồng hơn 3ha, chủ yếu là dưa gang vàng và dưa sọc xanh. Dưa vàng hiện bán với giá 4.000 đồng/kg loại 1, trong khi dưa sọc xanh chỉ có giá 3.300 đồng/kg mà thôi. Bù lại dưa sọc xanh năng suất cao hơn, trái lớn rất nhiều. Hầu hết ruộng dưa ở đây đều đang thu hoạch. Hết mùa dưa gang nông dân sẽ trồng một số loại dưa khác như dưa leo, dưa hấu, trồng lúa hoặc để đất hoang trước khi quay lại canh tác dưa gang (không trồng liên tiếp 2 vụ)” - ông Đặng Văn Bá, một nông dân khác cho biết.
Vẫn theo ông Bá, dưa gang ở đây được nông dân chia làm 3 loại, gồm loại 1 là các trái lớn, không bị nứt, vỏ đẹp thường bán với giá cao nhất. Loại thứ 2 thì trái nhỏ hơn và loại thứ 3 thường không ăn trực tiếp mà sử dụng làm nguyên liệu muối dưa. Đó là các trái nhỏ hoặc chưa kịp chín nhưng nông dân vẫn cắt cho kịp thời vụ.
Do đang mùa thu hoạch rộ dưa gang ở nhiều nơi nên hiện nay, khi di chuyển trên các tuyến đường như quốc lộ 1A, quốc lộ 62, N2 hay các đường tỉnh ĐT 833, 834, 818… chúng tôi bắt gặp hàng chục vựa thu mua, bán dưa gang. Dưa ở các vựa này được xếp thành nhiều đống lớn, bán với giá khá mềm nên được nhiều khách hàng ghé mua. Dưa gang có đặc tính mát, dễ ăn và dễ bảo quản nên được nhiều người ưa chuộng. Dưa gang cũng được coi là “đặc sản” của khu vực này diện tích trồng lớn, ổn định qua nhiều năm qua.